Tổng cục Dạy nghề (TCDN) – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 và đánh giá dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015; phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.
Học viên một trường nghề ở TP.HCM trong giờ thực hành
Sau 5 năm thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tuyển sinh đào tạo nghề đạt 95,5% so với mục tiêu chiến lược đề ra, tăng 18% so với giai đoạn 2006-2010. Riêng đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng có trên 2,4 triệu lao động nông thôn theo chính sách Đề án 1956. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các cấp trình độ đạt 38,5%, gần đạt với mục tiêu của chiến lược (96,2%).
Nói nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu
Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng thừa nhận: Những giải pháp “quyết liệt” đã được triển khai, nhiều phương án tuyển sinh, hỗ trợ người học… Rồi những yếu kém về các nhiệm vụ phát triển chương trình, giáo trình; xây dựng khung trình độ quốc gia; cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề; kiểm định chất lượng dạy nghề; hợp tác quốc tế… Trong đó, một số mục tiêu của chiến lược đã không đạt yêu cầu được chỉ ra như mạng lưới cơ sở dạy nghề, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; cấp chứng chỉ nghề quốc gia; hướng nghiệp phân luồng học nghề sau THCS… Dù được các trường áp dụng, đẩy mạnh nhưng… nói nhiều làm chẳng được bao nhiêu!
Nguyên nhân của việc không đạt được một số mục tiêu chiến lược trên là do việc chậm ban hành “quy hoạch phát triển mạng lưới trường CĐ nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề đến năm 2020”. Ảnh hưởng từ việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề sau thành Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhất là thay đổi hệ thống sẽ dẫn đến thay đổi mạng lưới cơ sở dạy nghề nên Bộ LĐ-TB&XH tạm thời chưa ban hành quy hoạch.
Bên cạnh đó, hiện việc phân bố mạng lưới cơ sở dạy nghề cũng chưa hợp lý, nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu cho các trường chỉ đạt 62% so với kế hoạch. Đối với đội ngũ giáo viên dạy nghề tuy tăng số lượng nhưng kỹ năng nghề đạt theo chỉ tiêu mới khoảng 60% và việc tiến hành bồi dưỡng, tổ chức đào tạo cán bộ quản lý dạy nghề còn yếu và chưa hệ thống, thiếu chuyên nghiệp…
Theo TCDN, trong 5 năm (2011-2015), bậc CĐ và trung cấp nghề tuyển sinh đạt 53,4% so với mục tiêu đề ra, trong khi sơ cấp nghề và nghề dưới 3 tháng đạt 107,3%. Đại diện Trường CĐ Nghề Đà Nẵng cho biết: 3 năm trở lại đây, số lượng người học giảm xuống rất nhiều, trường phải xuống tận phường xã, tổ dân phố để tuyển sinh. “Năm 2015, với việc Bộ GD-ĐT thay đổi cách thi và tuyển sinh ĐH cũng ảnh hưởng lớn đến tuyển sinh nghề”, vị đại diện này than thở. Theo ông Nguyễn Hồng Minh – Phó tổng Cục trưởng TCDN – hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT cũng đang phối hợp để triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp. Còn việc công tác dạy nghề sẽ thuộc về cơ quan nào quản lý là do Chính phủ quy định. Vì vậy, các địa phương vẫn tiếp tục triển khai, thực hiện tốt công tác dạy nghề theo quy định trong thời gian tới.
Năm 2020, lao động qua đào tạo phải đạt 63%
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí thừa nhận: Việc phát triển hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên dạy nghề thời gian qua đạt được kết quả khích lệ, chất lượng dạy nghề được nâng lên nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều trăn trở, bất cập và vướng mắc.
PGS.TS Dương Đức Lân – Tổng Cục trưởng TCDN – cho biết: Trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020 sẽ hướng đến tập trung đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt trình độ của các nước khu vực ASEAN và thế giới, tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 63% vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu đó cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, bao gồm: Đổi mới quản lý Nhà nước về dạy nghề; rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở dạy nghề, đặc biệt sẽ nghiên cứu cho phép thí điểm việc trường CĐ được liên kết với các cơ sở giáo dục ĐH trong đào tạo liên thông các trình độ.
Song song đó, có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa và xây dựng lộ trình chuẩn hóa; phát triển chương trình, giáo trình và quản lý khung trình độ quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, gắn kết cùng doanh nghiệp trong đào tạo nghề…
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)