Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Doanh nhân trẻ trước thách thức hội nhập kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 12-12, diễn đàn doanh nhân trẻ ASEAN +3 với chủ đề “Doanh nhân trẻ ASEAN +3 hướng tới phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc với sự tham gia của 65 đại diện doanh nhân, lãnh đạo trẻ, quan chức phụ trách công tác thanh niên và thanh niên tiêu biểu đến từ 10 nước ASEAN và 3 nước đối ngoại của ASEAN là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

Với dân số hơn 625 triệu người (chiếm 8,8% dân số thế giới), tổng thu nhập quốc nội (GDP) năm 2014 đạt khoảng 2,505 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 1.000 tỷ USD, ASEAN đang là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và cũng là thị trường rộng lớn thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này cũng đặt mỗi quốc gia trước những thách thức và cơ hội trong việc phát triển kinh tế, phân phối lao động. Ông Nguyễn Phi Long – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam – nhìn nhận: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua cho thấy mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên và vốn cần phải chuyển đổi sang mô hình mới. Người châu Á hay chiêm nghiệm về thuyết nhân – quả. Nếu tăng trưởng kinh tế mà làm tài nguyên cạn kiệt, môi trường hủy hoại, xã hội bất hòa… thì mục đích của tăng trưởng là lệch lạc và sẽ phải trả giá. Châu Á và thế giới chỉ có thể phát triển bền vững nếu hướng vào mục tiêu con người và mô hình tăng trưởng thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Sơn – Phó Vụ trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế Bộ Công thương – đánh giá: Về bản chất, Cộng đồng ASEAN (AEC) là sự tiếp nối những thành tựu của khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) với sự phát triển đáng kể về phạm vi và mức độ tự do hóa. Nếu như AFTA (thành lập 1992) có trọng tâm là tự do hóa trong lĩnh vực thương mại hóa thì AEC hướng tới sự luân chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ đầu tư, lao động kỹ năng và sự lưu chuyển tự do hơn của dòng vốn giữa 10 nước thành viên. Đối với Việt Nam, bên cạnh những cơ hội mà AEC mang lại, các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhất là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, gia tăng cạnh tranh từ dịch vụ, đầu tư, lao động kỹ năng giữa các nước ASEAN. “Xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, một số mặt hàng tạo được giá trị gia tăng nhưng không cao. Nhóm hàng công nghiệp có giá trị gia tăng thấp nhưng sản lượng cao vẫn thuộc nhóm hàng gia công chính như dệt may, da giày, lắp ráp. Thuế quan trong ASEAN sẽ được xóa bỏ nhưng các rào cản thương mại khác có thể sẽ phát sinh. Trong khi đó, vấn đề quy tắc xuất xứ đặc biệt quan trọng, với yêu cầu hàm lượng giá trị khu vực tối thiểu là 40% mới được hưởng thuế suất 0%. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó đáp ứng được những quy định về xuất xứ nguyên liệu”, ông Sơn khẳng định.

Để gỡ bỏ những khó khăn, thách thức trong thời kỳ hội nhập AEC, các đại biểu cho rằng, đội ngũ doanh nhân trẻ cần phải tăng cường quan hệ đối tác hợp tác thông qua việc chia sẻ các mô hình kinh doanh bền vững, các sáng kiến nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ bản lĩnh, tự tin, góp phần tạo dựng tương lai tươi sáng cho mỗi quốc gia và cho Cộng đồng ASEAN cũng như phát triển và tăng cường mối quan hệ giữa doanh nhân trẻ các nước ASEAN với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong thời gian tới. Ngoài ra, để rộng đường trong quan hệ hợp tác, chính phủ các nước cũng cần phải đặt ra các biện pháp thực hiện nghiêm túc các cam kết của AEC, phê chuẩn và ban hành các văn bản pháp lý để thực thi các gói cam kết về dịch vụ, đầu tư, dỡ bỏ rào cản thuế và phí thuế để đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ngọc Anh

Bình luận (0)