Với hai công trình “Sửa chữa nhà tình bạn” và “Hỗ trợ cho học sinh ôn tập tại nhà”, đoàn viên, thanh niên Quận đoàn Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã giúp rất nhiều hoàn cảnh khó khăn có thêm nghị lực, vươn lên trong cuộc sống, giúp học sinh không quên kiến thức trong thời gian nghỉ tránh dịch.
Ngôi nhà của bạn Đại Ngọc Tâm trước khi sửa chữa
Ấm áp ngôi nhà tình bạn
Mùa mưa năm nay, gia đình bạn Đại Ngọc Tâm (phường Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) sẽ không còn sống trong ngôi nhà xập xệ, xiêu vẹo, bị dột nữa vì vừa được Quận đoàn Q.Thủ Đức bàn giao ngôi nhà mới kiên cố, khang trang hơn. Ngôi nhà được sửa chữa từ chương trình “Sửa chữa nhà tình bạn” do Quận đoàn Q.Thủ Đức triển khai từ nhiều năm nay nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Ngày đón nhận ngôi nhà mới, các thành viên trong gia đình Ngọc Tâm đều vỡ òa trong niềm sung sướng vì điều ước bấy lâu đã trở thành hiện thực. Thay mặt các thành viên trong gia đình bày tỏ lòng biết ơn với các đoàn viên, thanh niên và mạnh thường quân, bà Nguyễn Thị Sâm (mẹ của Ngọc Tâm) nghẹn ngào nói: “Tôi không thể tin là mình vừa có được ngôi nhà mới. Tôi rất biết ơn mọi người vì đã hỗ trợ, giúp đỡ mẹ con tôi, cám ơn các bạn thanh niên trẻ tuổi nhưng rất nhiệt tình, hết lòng vì người nghèo, giúp mẹ con tôi có chỗ che mưa, che nắng để an tâm làm ăn”.
Ngôi nhà của gia đình Ngọc Tâm nằm lọt thỏm phía sau ngôi đền Bình Chiểu (đường Ngô Chí Quốc). Trước đây, ngôi nhà tạm bợ, xuống cấp, rộng chưa tới 40m2, do đó, khi mùa mưa đến, cả gia đình phải sống trong cảnh mưa tạt, gió lùa, thậm chí còn bị sập mái nhà… Nhiều lần, gia đình có ý định sửa chữa cho ngôi nhà vững chắc hơn nhưng do kinh tế quá khó khăn, lo từng bữa ăn còn khó huống gì nói đến chuyện sửa nhà cửa. Gia đình Ngọc Tâm có 3 người: mẹ, Ngọc Tâm và một đứa em. Mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình đều trông cậy vào chiếc xe đẩy bán sữa đậu nành dạo của bà Sâm. Những hôm đắt khách, bà kiếm được từ 100-150 ngàn đồng, còn hôm nào ế ẩm chỉ được 70-80 ngàn đồng. Trước đây còn khỏe, bà Sâm còn chăn nuôi gà kiếm thêm thu nhập. Mấy năm nay do tuổi già sức yếu nên bà chỉ bán sữa đậu nành khiến điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn. Cảm thông trước gia cảnh của mẹ con bà, hàng xóm, lãnh đạo địa phương thường xuyên tới lui thăm hỏi, trao quà giúp gia đình có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Dù hoàn cảnh nghèo khó nhưng Ngọc Tâm rất chăm học và nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện do phường Bình Chiểu triển khai. Xét thấy Ngọc Tâm cần được chăm lo để an tâm học tập, cống hiến, Quận đoàn Q.Thủ Đức đã vận động mạnh thường quân sửa chữa căn nhà cho bạn. Không nén được xúc động, Ngọc Tâm bày tỏ: “Đối với tôi, ngôi nhà này rất có ý nghĩa và ấm áp bởi ở đó còn có công sức của các bạn đoàn viên, thanh niên. Tôi hứa sẽ tiếp tục phấn đấu trên con đường phía trước”.
Nói về chương trình “Sửa chữa nhà tình bạn”, anh Phan Anh Việt (Phó Bí thư Quận đoàn Q.Thủ Đức) cho biết chương trình này nằm trong chuỗi ngày làm việc tốt nhằm động viên, hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, thanh niên trên địa bàn quận vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và cuộc sống. Chương trình được triển khai từ nhiều năm nay, có sự đồng hành của các mạnh thường quân, công ty, doanh nghiệp… trong việc hỗ trợ kinh phí; còn các bạn đoàn viên, thanh niên góp sức trong việc tu sửa nhà cửa. Mỗi năm, Quận đoàn đặt chỉ tiêu hỗ trợ sửa chữa từ 3 đến 4 căn nhà trên địa bàn, mỗi căn có kinh phí khoảng 30 triệu đồng. “Những căn nhà được chọn để sửa chữa đều có sự phối hợp của chính quyền địa phương, đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý để không xảy ra những sự cố không mong muốn về sau”, anh Việt khẳng định.
Đến nhà ôn tập cho học sinh
Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, các em học sinh phải nghỉ học ở nhà. Lo các em sẽ quên kiến thức, nhất là đối với học sinh là con công nhân, người lao động nghèo, từ ngày 10-3, Quận đoàn Q.Thủ Đức đã triển khai chương trình “Hỗ trợ cho học sinh ôn tập tại nhà”. Chị Lê Thị Phương Anh (Phó Bí thư Quận đoàn Q.Thủ Đức) cho biết chương trình diễn ra mỗi tuần 2 ngày (thứ bảy và chủ nhật), từ 8 giờ đến 10 giờ tại các khu nhà trọ, nhà của công nhân lao động nghèo. Do tình hình dịch Covid-19 nên mỗi bạn đoàn viên, thanh niên chỉ kèm cặp cho vài em học sinh để đảm bảo không tụ tập đông người. “Hiện tại chúng tôi tổ chức được 2 địa điểm ôn tập cho học sinh, một điểm ở phường Linh Trung và một điểm ở phường Linh Tây. Trước kỳ nghỉ dài, học sinh sẽ rất buồn khi ở nhà hoặc tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử, do đó chúng tôi muốn tạo niềm vui cho các em; đồng thời giúp các em không bị mất kiến thức khi không được đến trường”, chị Phương Anh chia sẻ.
Đoàn viên, thanh niên Q.Thủ Đức đến nhà ôn tập cho học sinh
Ngoài sự tham gia của các bạn đoàn viên, thanh niên, chương trình còn có sự góp mặt của giáo viên trên địa bàn Q.Thủ Đức. Mỗi địa điểm ôn tập có 1 giáo viên và 1 đoàn viên, thanh niên. Tại điểm ôn tập ở phường Linh Tây, sau khi giao bài tập cho các em xong, cô Trương Nguyễn Khánh Linh (giáo viên Trường Tiểu học Linh Tây) nói: “Dù học sinh đang trong thời gian nghỉ học nhưng hằng ngày tôi vẫn lên trường để trực và chuẩn bị chương trình dạy mới. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn dành thời gian hỗ trợ các em ôn tập. Tôi cũng có con nên tôi thấu hiểu được các em rất nhớ thầy cô, bạn bè; bản thân tôi cũng thấy nhớ học sinh nên cố gắng dành chút thời gian mang lại niềm vui cho các em cũng như gia đình, giúp các em ôn lại kiến thức cũ và dễ dàng bắt nhịp khi đi học trở lại”.
Giúp học sinh ôn tập không phải là vấn đề khó khăn của các bạn trẻ, nhưng điều quan trọng là đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa dịch Covid-19. Chính vì thế, cả người dạy lẫn người học đều rất nghiêm túc trong việc đeo khẩu trang để phòng chống dịch, trên bàn học lúc nào cũng có một chai nước rửa tay, khăn giấy và dung dịch để sát khuẩn các vật dụng học tập. Ngoài việc giúp học sinh ôn tập, mỗi tình nguyện viên đều lồng ghép các kiến thức về rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang mỗi khi đến nơi đông người… Chị Đỗ Thị Ngôi (ngụ phường Linh Tây) có 3 đứa con và 1 cháu gái được các tình nguyện viên hỗ trợ ôn tập, chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều đi làm suốt ngày, đâu có thời gian dạy con học. Các con nghỉ ở nhà nhiều quá cũng sợ quên kiến thức, mà đưa đi đâu chơi cũng sợ dịch nên khi các bạn trẻ đến nhà dạy cho các con, tôi rất vui và biết ơn lắm. Tôi hy vọng các bạn triển khai chương trình này rộng rãi hơn nữa để những học sinh khác cũng được học tập tại nhà như con tôi”.
Nhìn gương mặt hạnh phúc của chị Ngôi khi con, cháu mình vẫn được học tại nhà trong mùa dịch, chúng tôi cảm nhận được ý nghĩa thiết thực của những hành động mà các tình nguyện viên đang làm…
Bài, ảnh: Kiều Trinh
Bình luận (0)