Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhiều trường ĐH, CĐ có nguy cơ đóng cửa

Tạp Chí Giáo Dục

Kết thúc nguyện vọng bổ sung đợt 1, số lượng hồ sơ nhập học vào các trường rất thấp, nhiều trường phải tiếp tục tuyển sinh nguyện vọng bổ sung đợt 2, đợt 3. Nhiều trường đại học (ĐH) mọi năm đến thời điểm này đã “chốt sổ”, nhưng đến nay vẫn “ngóng” thí sinh. Tình trạng các trường cao đẳng (CĐ) còn thê thảm hơn. Nhiều trường lo ngại việc cạn nguồn tuyển sinh và thậm chí phải tính đến việc đóng cửa.

Chật vật tuyển sinh

Đến thời điểm này, khi thời hạn tuyển sinh nguyện vọng bổ sung lần thứ 3 đã kết thúc, không ít trường vẫn trong tình trạng “ngóng” thí sinh. Thậm chí, những ĐH có uy tín cũng lâm vào cảnh này. Một cán bộ tuyển sinh ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội cho biết, kết thúc các đợt xét tuyển, trường nhận được 2.100 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu là 2.000. Nhưng trường cũng chỉ dự đoán là có 50% thí sinh đến nhập học, còn 50% là tỷ lệ ảo.

Liên tục 3 năm không tuyển sinh được, ngành học phải đóng cửa. Ảnh: Đan Phương

Một trong những trường trước đây không quá khó khăn trong tuyển sinh, thì năm nay lại có tới hàng nghìn chỉ tiêu vẫn chờ thí sinh, là trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Hàng nghìn chỉ tiêu này được nhà trường “kêu gọi” từ khi tuyển nguyện vọng 1, nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ đăng ký. Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong số hồ sơ nộp đợt 2 là 2.085 hồ sơ thì chỉ có 819 số thí sinh đến nhập học, tỷ lệ ảo này khá cao. Đến nay, trường vẫn còn thiếu tới 3.245 thí sinh.

Nhiều trường CĐ cũng chưa tuyển đủ sĩ số cho một lớp học. Ông Bùi Hữu Dũng ,trường CĐ Bách Việt cho biết: “Trong đợt tuyển sinh bổ sung nguyện vọng đợt 2, trường còn khoảng 1.100 chỉ tiêu, trong đó ngành thiết kế nội thất và thiết kế thời trang còn nhiều chỉ tiêu nhất. Hiện trường chỉ mới nhận được khoảng 16 – 20 bộ hồ sơ, với tình hình này trường cũng chỉ hy vọng mỗi ngành mở được khoảng 1 lớp”.
Đối với trường ĐH Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh, ngành khó tuyển nhất hiện nay là ngành công nghệ thông tin. Ngành này có khoảng 100 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển được khoảng 30 – 40 hồ sơ. Theo chuyên viên tuyển sinh của trường, nguồn tuyển sinh ít là do các thí sinh thích vào học những trường chuyên về công nghệ hơn là vào các trường kinh tế nhưng có đào tạo về công nghệ. ĐH Nguyễn Tất Thành có tổng chỉ tiêu tuyển sinh 3.800, nhưng chỉ mới nhận được 2.000 hồ sơ nhập học, với số điểm từ 15 điểm trở lên ở bậc ĐH và 12 điểm trở lên ở bậc CĐ.
Người học chọn trường đào tạo chất lượng
Trong tâm trạng lo lắng, ông Ngô Huy Hồ, CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Vạn Xuân nói: “Trong đợt 2 này trường tuyển khoảng 200 chỉ tiêu nhưng cũng lo ngại khó mà tuyển đủ. Cách tuyển sinh như năm nay khiến cho các trường CĐ khó khăn trong việc tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh”.
Nhận định chung của những trường này là với những ngành thực sự khó tuyển và thiếu nhiều chỉ tiêu như hiện nay sẽ phải đóng cửa theo quy định của Bộ GD – ĐT vì liên tiếp 3 năm không đủ sinh viên để mở lớp học. Điều này sẽ thực sự ảnh hưởng đến đào tạo chung của trường, vì cơ sở vật chất nhà trường đã lập ra nhưng không có sinh viên đến học.
Tuy nhiên, bức tranh tuyển sinh năm nay cũng khẳng định hướng đi của ngành giáo dục là hướng vào chất lượng đào tạo và tạo điều kiện cho người học một cách tốt nhất. Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga cho biết, với phương thức tuyển sinh như năm nay, thí sinh có kết quả thi rồi mới đăng ký xét tuyển là rất minh bạch, công khai, tránh được rất nhiều rủi ro đối với thí sinh. Thí sinh có kết quả thi tốt thì có thể chọn được trường, ngành mình yêu thích, nhất là các em lựa chọn được trường phù hợp với năng lực, sở trường của mình. Trong khi đó, những trường không quan tâm đến các điều kiện đảm bảo chất lượng, người học sẽ quay lưng và nhà trường khó có thể tồn tại lâu dài.
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga cũng khẳng định: Thống kê cho thấy những trường ĐH có uy tín luôn tuyển đủ chỉ tiêu. Hiện tại còn rất nhiều thí sinh đủ điều kiện đầu vào, nhưng không nộp đơn xét tuyển, do những trường còn lại chưa có sức hút. Các trường này nếu không cải thiện chất lượng và nâng cao uy tín của mình trong xã hội thì có muốn tăng chỉ tiêu cũng không thực hiện được.
Trong những năm gần đây, để đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ GD – ĐT đã có những đảm bảo trong tuyển sinh, đó là tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện cam kết đề án thành lập các trường. Trong đó, yêu cầu các trường thực hiện đúng cam kết đào tạo. Với một số trường có quy mô sinh viên thấp dưới 1.000 sinh viên, có trường tỉ lệ vốn đầu tư cơ bản chỉ đạt dưới 50% so với cam kết, tỉ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu và hợp đồng cao so với quy định, số lượng giảng viên cơ hữu không đảm bảo theo yêu cầu… Bộ đã kịp thời yêu cầu những trường này nhanh chóng đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng giảng viên để đảm bảo điều kiện hoạt động, nếu không sẽ phải đóng cửa. Với tình trạng tuyển sinh năm nay, chắc chắn nhiều trường đã rơi vào vòng nguy hiểm này. Tuy nhiên, đây cũng là quy luật đào thải tất yếu với những trường mở ra ồ ạt, nhưng không đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo Lê Vân – Đan Phương/ TTXVN

 

Bình luận (0)