Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em sẽ bị phạt

Tạp Chí Giáo Dục

Hình thành thói quen đội MBH cũng là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của trẻ em
“Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ” là thông điệp từ kế hoạch hành động thực hiện quy định về đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em trên phạm vi toàn quốc do Ủy ban ATGT quốc gia phát động vào đầu năm nay. Tuy nhiên, để kế hoạch có hiệu quả cao, nhiều phụ huynh cho rằng cần có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để góp phần gầy dựng ý thức cho con em.
Quy định có hiệu lực từ tháng 4-2015
Nhằm góp phần thực hiện Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ do Liên Hợp Quốc phát động, ngày 13-1, Ủy ban ATGT quốc gia đã công bố kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về đội MBH cho trẻ em trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu chính của kế hoạch lần này nhằm nâng cao ý thức cho phụ huynh trong việc thực hiện quy định trên. Điều đáng mừng nữa là chính trẻ em cũng là đối tượng được giáo dục về ý thức bảo vệ mình khi tham gia lưu thông ngay trong thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Theo kế hoạch, từ ngày 6 đến ngày 9-4, lực lượng chức năng sẽ tiến hành tuyên truyền nhắc nhở tại các trường học và cảnh cáo với những trường hợp giáo viên, cán bộ, học sinh vi phạm quy định về đội MBH. Tuy nhiên, từ 10-4 trở đi, các lực lượng liên quan sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em, đặc biệt tập trung vào khu vực xung quanh trường học.
Thực tế, quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi lưu thông bằng xe gắn máy đã được triển khai thực hiện 3 năm qua, nhưng kết quả chưa tốt do chưa được thực hiện đồng bộ và hầu như công tác xử lý vi phạm vẫn còn bỏ ngỏ. Bày tỏ trăn trở về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia lưu ý rằng trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ nhưng tỷ lệ đội MBH ở trẻ em khi lưu thông rất thấp, trong khi việc chấp hành quy định bắt buộc đội MBH đối với người lớn lại được triển khai đều khắp và có hiệu quả cao.
Cũng theo ông Hùng, hàng năm toàn quốc có khoảng 1.900 trẻ em tử vong do TNGT, trong đó có tới 50% trường hợp do không đội MBH. Chính vì vậy, việc thực hiện đội MBH cho trẻ là điều tối cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
Nhà trường và gia đình cùng vào cuộc
Chị Ngọc Duyên, hiện đang công tác trong ngành báo chí kể rằng, con gái chị là bé Tùng Chi bắt đầu đội MBH từ khi 4 tuổi. Lúc đó, chị khuyến khích con gái sử dụng và giải thích rằng việc làm này giúp cho con được an toàn khi đi đường. Chị cũng tinh ý mua cho bé chiếc MBH đảm bảo chất lượng và được trang trí với vẻ bề ngoài trông rất bắt mắt. Nay bé đang là học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) và việc đội MBH mỗi khi lưu thông bằng xe máy đã trở thành thói quen thường trực. Vì vậy, nên cứ mỗi khi chuẩn bị đi học, hoặc bất cứ khi nào muốn đi đâu, Tùng Chi thường sốt sắng tự lấy MBH và tự đội lên đầu, khi trở về phòng em cũng tự treo lên giá mà không cần mẹ phải nhắc nhở.
Không được huấn luyện như Tùng Chi, nên hai đứa con trai 6 và 9 tuổi của anh Khánh (ngụ huyện Bình Chánh) dù được bố mua cho hai chiếc MBH tốt nhưng ít khi nào hai bé tự nguyện sử dụng. Thường thì khi nào bố mẹ phải nhắc nhở hai bé mới làm theo nhưng luôn trong trạng thái “cưỡng ép”. Anh Khánh nói rằng anh rất mong quy định thực hiện đội MBH ở trẻ em sớm được triển khai ở trường học giúp các con anh dần được học thói quen này, vì trẻ thường làm theo lời dặn của cô giáo và việc hình thành ý thức cho con từ tuổi tiểu học cũng là điều dễ dàng, thuận lợi hơn. Anh Khánh cho rằng nhiều phụ huynh thường không cho con đội MBH với những lý do như sợ con bị nặng đầu, bị mỏi cổ… là những suy nghĩ cần tránh, mà điều quan trọng là cần mua những chiếc MBH đúng quy chuẩn để đảm bảo an toàn cho con trẻ. Và anh cũng tin rằng “nhà trường sẽ là đơn vị tiên phong đưa việc đội MBH của học sinh nhanh chóng đi vào nề nếp và cũng là góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe của trẻ em”.
Ủng hộ kế hoạch của Ủy ban ATGT quốc gia, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Công tác học sinh, sinh viên cho biết, Bộ Giáo dục sẽ đưa việc bắt buộc đội MBH thành nội quy của trường học, đồng thời sớm ban hành tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động liên quan đến việc đội MBH để hỗ trợ ban giám hiệu các trường. Theo đó, tỷ lệ đội MBH của học sinh cũng sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá công tác giáo dục ATGT của mỗi đơn vị trường học theo quy định chung.
Bài, ảnh: Bích Vân
Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng xe gắn máy. Theo mục k của khoản 3 thuộc điều 9 của nghị định này quy định, hành vi “chở người ngồi trên xe máy không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách sẽ bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng. Riêng các trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật thì không bị xử phạt”.
 
 

 

Bình luận (0)