Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Xử lý hằn lún vệt bánh xe trên Quốc lộ 1 đoạn qua Thừa Thiên-Huế

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trùng Phương và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu “khẩn trương, kịp thời, sửa chữa ngay đối với các vị trí có hiện tượng hằn vệt bánh xe trên tuyến đảm bảo chất lượng công trình và an toàn khai thác.”

Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Km791A+500-Km848+875 qua tỉnh Thừa Thiên-Huế, theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) do Công yy Trách nhiệm hữu hạn Trùng Phương là chủ đầu tư, Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên-Huế là đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Dự án được khởi công từ ngày 18/5/2013 có tổng mức đầu tư hơn 2.209 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ cơ bản hoàn thành trước 30/5.

Ông Trần Văn Thịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trùng Phương cho biết công ty đang yêu cầu các đơn vị nhà thầu khẩn trương khắc phục sửa chữa các đoạn bị hằn lún vệt bánh xe, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật mà Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu.

Theo ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), đợt làm thí điểm về bêtông nhựa và cho xe chạy thử Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trùng Phương làm tốt, tuy nhiên khi triển khai làm đại trà thì lại làm chưa tốt. 

Khi thảm đại trà làm liên tục để đẩy tiến độ, một số mẻ bêtông có thể không đạt yêu cầu dẫn đến một số đoạn trên tuyến còn có vấn đề về chất lượng. Những đoạn xuất hiện hằn lún vệt bánh xe đã đưa vào khai thác vài tháng chủ yếu tập trung tại phía Bắc của Huế.

Về nguyên nhân ban đầu, ông Triệu Khắc Dũng phân tích có thể dự án này đang sử dụng nhựa hơi nhiều dù điều này không sai theo quy trình, quy phạm của Bộ Giao thông Vận tải. 

Hiện tại các gói sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ sử dụng từ 4,6-4,8 kg nhựa/tấn bêtông nhựa, trong khi đó dự án của Trùng Phương sử dụng khoảng 5,2kg nhựa/tấn bêtông nhựa. 

Tiếp theo là vấn đề cấp phối đá dăm, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông cũng đã góp ý về vấn đề này, tiêu chuẩn đá của vùng Thừa Thiên-Huế kém (cường độ chịu lực, độ cắn bám nhựa không tốt), nếu sử dụng đá ở vùng này thì cần phải sử dụng thêm phụ gia. 

(Ảnh minh họa: Phan Quân/TTXVN)

“Mặt khác, đối với khu vực nắng nóng nhiều như vùng này, lớp bêtông mặt trên không nên dùng hạt mịn (hạt nhỏ) bởi càng nóng sẽ càng chảy,” ông Triệu Khắc Dũng chia sẻ.

Để đảm bảo chất lượng của dự án này, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã ra nhiều văn bản yêu cầu tăng cường đảm bảo chất lượng từ lớp cấp phối đá dăm đến lớp bêtông nhựa. 

Tuy nhiên, ông Triệu Khắc Dũng thừa nhận: “Riêng về bêtông nhựa cả tuyến Quốc lộ 1 đang cần phải theo dõi trong mùa nắng năm nay, đã là bêtông nhựa chắc chắn vẫn có hằn lún. Vấn đề đặt ra là cố gắng làm sao hạn chế hằn lún, hoặc có hằn lún vệt bánh xe thì nằm trong tiêu chuẩn cho phép, nếu nói tuyệt đối mặt đường không bị hằn lún thì không thể. Vấn đề này không chỉ Việt Nam gặp phải mà nhiều nước trên thế giới cũng phải đối mặt."

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết rất trăn trở về vấn đề hằn lún vệt bánh xe, nhất là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 chuẩn bị đưa vào sử dụng toàn tuyến. “Chúng ta làm đúng quy trình, quy chuẩn rồi nhưng vẫn xảy ra hằn lún vệt bánh xe, đúng là vấn đề này còn bị ảnh hưởng thời tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, để khắc phục các vấn đề trên, yếu tố quyết định vẫn từ phía con người,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh./.

QUANG TOÀN

(TTXVN/VIETNAM+) 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)