Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Báo động tai nạn đường sắt

Tạp Chí Giáo Dục

Vụ tai nạn đường sắt ở Quảng Trị gây thiệt hại nặng nề cho ngành đường sắt. Ảnh: T.L
Tai nạn đường sắt thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng ở mức báo động, kéo theo số trường hợp tử vong cũng gia tăng. Nguyên nhân đa phần do người dân vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông khi lưu thông qua khu vực đường sắt. Điều đáng lo là cả nước còn trên 4.000 điểm giao cắt có nguy cơ xảy ra tai nạn do không có người gác hoặc biển báo.
2 tháng đầu năm: 86 vụ tai nạn
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết như trên. Ông Hoạch lưu ý 86 vụ tai nạn đường sắt trong 2 tháng đầu năm 2015 làm cho 37 người chết, 48 người bị thương. Điều đáng nói là trong tổng số 86 vụ tai nạn thì có đến 82 vụ do các phương tiện gây ra cho đường sắt do vi phạm quy tắc an toàn giao thông tại khu vực hành lang đường sắt.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng lưu ý thêm, tai nạn đường sắt xảy ra vào Tết Ất Mùi vừa qua cũng là điều đáng báo động. Chỉ tính 9 ngày Tết Ất Mùi, trên cả nước đã xảy ra 10 vụ tai nạn, làm 9 người chết và 3 người bị thương. Đa phần các vụ tai nạn là do va chạm với xe ô tô hoặc các phương tiện khác tại các điểm giao cắt không có người canh gác và không có barrie (hàng rào chắn).
Tuy nhiên, so với các vụ tai nạn đường sắt trong nhiều năm qua, có lẽ vụ tai nạn đường sắt xảy ra vào lúc 21 giờ 41 ngày 10-3  tại  Km 639+750 trên đường sắt Bắc – Nam thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vừa qua là vụ gây thiệt hại nặng nề nhất cho ngành đường sắt. Đối tượng gây ra vụ tai nạn kinh hoàng với tàu SE5 là xe tải 75C-03199 chở đá do Nguyễn Gia Hải (ngụ TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) điều khiển khi băng qua đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động. Cú va chạm quá mạnh khiến đầu máy tàu SE5 bị nát bét ở buồng lái và bị đứt lìa với các toa, còn xe tải thì bị đứt làm đôi, lái tàu Lê Minh Phú tử vong tại chỗ, lái phụ tàu Hồ Ngọc Hải (32 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Bình), tài xế xe tải cùng một hành khách bị thương. Vụ tai nạn còn khiến cho hàng ngàn hành khách bị ách tắc hành trình, hàng ngàn phương tiện đường bộ bị ùn tắc hàng giờ.
Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ước tính chi phí sửa chữa đầu máy và toa xe hư hỏng, chi phí sửa chữa hạ tầng, chuyển tải hành khách do vụ tai nạn khoảng 23 tỷ đồng.
Trên 4.000 điểm giao cắt nguy cơ
Theo thống kê của ngành đường sắt, trên toàn tuyến đường sắt quốc gia hiện có 5.751 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Trong đó, chỉ có 651 điểm có người gác, 310 đường ngang có cảnh báo tự động, 555 đường ngang có biển báo, còn lại có tới 4.268 đường ngang dân sinh. Điều đáng lo là hàng ngàn đường ngang dân sinh đó thường lại chính là “điểm đen” về tai nạn đường sắt, do không có thiết bị cảnh báo, không người canh gác, đường hẹp, gồ ghề, thiếu đèn chiếu sáng… Nguyên nhân đáng nói nữa phải kể đến một số đường ngang dân sinh trái phép, hoặc bị phá hoại kết cấu công trình.
Để góp phần khắc phục tai nạn đường sắt, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành không được cấp đất, cho thuê đất dọc đường sắt nằm trong hành lang an toàn giao thông đường sắt, xóa các đường ngang dân sinh tự phát; tổ chức giải tỏa bảo đảm tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ, đường sắt; nâng cấp, cải tạo các đường ngang tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận; cắm đầy đủ biển báo hiệu, làm gờ giảm tốc trên đường bộ; tổ chức chốt gác tại các lối đi dân sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông…
Đối với đường ngang không có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động mà có mật độ phương tiện giao thông cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thì phải tổ chức cảnh giới, bảo đảm an toàn.
Về phía ngành đường sắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương chỉ đạo thanh tra đường sắt, phối hợp với CSGT, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý triệt để các vi phạm. Đồng thời bổ sung biển báo “chú ý tàu hỏa”; hướng dẫn nghiệp vụ cử người ra làm nhiệm vụ cảnh giới, chốt gác theo quy định chung.
Bích Vân
 
Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng an toàn giao thông đường bộ và đường sắt có liên quan với nhau. Do đó, Thứ trưởng đã đề nghị lãnh đạo các địa phương cùng với các đơn vị hữu quan phối hợp quản lý, khống chế, kiên quyết không để phát sinh đường ngang dân sinh; hạn chế các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. 

Bình luận (0)