Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

“Điên đầu” vì… còi xe

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều vụ TNGT do tiếng còixe mô tô phân khối lớn
Dù đã có quy định về việc xử phạt còi xe “khủng” nhưng hiện nay đây vẫn là vấn đề gây bức xúc dư luận. Không ít vụ TNGT xảy ra cũng chỉ vì… còi xe “khủng”.
Hiểm họa khôn lường
Để có được một chiếc còi xe như ý muốn không hề khó khăn vì chủ phương tiện chỉ cần bỏ ra từ vài trăm đến vài triệu. Tình trạng sử dụng còi xe vượt quá âm lượng và không đúng nơi xảy ra rất nhiều, đặc biệt là đối với các xe tải, xe ben, xe container và xe buýt luôn ẩn chứa những hiểm nguy rình rập. Nhiều người khi lưu thông trên đường thường hay giật mình vì âm thanh chát chúa của còi xe. Những vụ TNGT thương tâm cướp đi sinh mạng của người tham gia giao thông bởi vì những tiếng còi xe đã gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng này.
Tuy nhiên, với nhiều tài xế, họ vẫn thản nhiên xem việc sử dụng còi “khủng” cho phương tiện của mình là điều hết sức bình thường, bởi có còi “khủng” thì xe mới dễ vượt mặt qua các phương tiện khác đang lưu thông trên đường. Hiện nay, nhiều xe máy cũng được lắp còi xe ô tô, xe ô tô cá nhân cũng có thể dùng còi khẩn cấp của xe cứu hỏa, xe cấp cứu. Chỉ cần đến khu vực đường Nguyễn Tiểu La (quận 10, TP.HCM), chợ Dân Sinh (quận 1), chợ Tân Thành (quận 5), đường Ký Con (quận 1), vòng xoay khu vực ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh)… là chủ phương tiện đã có thể lựa chọn một chiếc còi xe ưng ý. Đa phần là hàng Trung Quốc, Nhật, Đức… và thời gian lắp còi lại rất nhanh gọn.
Hiện nay, người đi đường còn bị nhiều phen giật mình bởi tiếng gầm rú của các loại mô tô phân khối lớn. Từ tháng 3-2014, khi quy định mới về loại bằng lái A2 (loại dành cho xe mô tô có dung tích trên 175 phân khối) được cấp rộng rãi cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên thì xe mô tô phân khối lớn xuất hiện trên đường phố càng nhiều. Một trong những hệ lụy đó là những vụ TNGT dẫn đến chết người xảy ra trên đường mà loại phương tiện này gây ra. Lúc 7 giờ 30 phút ngày 1-3, một vụ TNGT tại Đồng Nai đã khiến ông Lìn Mã Sáng (53 tuổi, ngụ Tân Phú) tử vong. Nguyên nhân được xác định là do tiếng gầm rú của xe mô tô khiến nạn nhân hoảng sợ. Sáng 2-3, một vụ TNGT thương tâm xảy ra tại giao lộ Trần Hưng Đạo – Nguyễn Cảnh Chân, phường Cầu Kho, quận 1 cũng được xác định nguyên nhân xảy ra liên quan đến xe mô tô phân khối lớn.
Chưa có biện pháp xử lý mạnh tay
Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014, trong đó có nêu rõ tại điểm i khoản 1 điều 5, quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự như ô tô vi phạm hành vi “bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau”; đồng thời, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy vi phạm hành vi này bị xử phạt từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (điểm d khoản 2 điều 6). Tuy nhiên cho đến nay, việc sử dụng còi xe “khủng” vẫn là chuyện của xe, chịu đựng vẫn là chuyện của người dân bởi chưa có những hình thức xử phạt nghiêm minh. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS. Phạm Sanh, nguyên giảng viên Khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM, chuyên gia giao thông cho biết: “Luật xử phạt đã có nhưng lực lượng xử phạt lại là vấn đề nan giản hiện nay. Công tác xử phạt phải do CSGT thực hiện nhưng vướng mắc lớn hiện nay là CSGT lại không thể dùng tai để đo âm lượng. Lực lượng để xử phạt còn hạn chế cũng là nguyên nhân gây cản trở việc thực hiện nghị định 171”. Được biết, nghị định 171 đang được kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế để có thể đưa quy định vào xử phạt trong cuối năm 2015.
TNGT có thể xảy ra bất kỳ lúc nào vì một tiếng còi tưởng chừng như vô hại đó. Việc sử dụng còi xe bừa bãi không chỉ gây ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và luôn rình rập những hiểm nguy. 
“Để hạn chế tình trạng sử dụng còi xe bừa bãi, các cơ quan chức năng cần thực hiện song song các biện pháp tuyên truyền đi đôi với việc tăng mức xử phạt các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó cũng cần xem xét, nghiên cứu đến việc áp dụng đề xuất cấm sử dụng còi xe tại một số tuyến đường, khu dân cư, tăng cường các biển báo. Điều quan trọng là cần giáo dục, thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông trong việc sử dụng còi xe như là một cách thể hiện hành vi có văn hóa khi tham gia giao thông. Bởi nó không chỉ góp phần cải thiện chất lượng đời sống của người dân mà còn thể hiện sự văn minh, phát triển của các đô thị lớn.”, TS. Phạm Sanh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yên Hà
Ý thức còn kém!
Cách đây mấy hôm, tôi lưu thông xe máy trên xa lộ Hà Nội, tới ngã tư dừng đèn đỏ. Đường đông nên mọi người dừng xe kín hết, không chừa lối quẹo phải. Một người đàn ông khoảng 40 tuổi, chở em bé đằng trước, không xin xỏ gì mà bấm còi liên tục rất bất lịch sự. Tội nghiệp mấy chị dừng xe nép lề phải, vì nể hay sợ nên cứ muốn nhường, nhưng nếu nhường thì phải lấn vạch. Cuối cùng, người đàn ông đó cứ tiến lên. Có một anh không chịu nhường, người đàn ông đó quay lại văng tục. Điều làm tôi thất vọng nhất là người đàn ông đó dường như không nghĩ tới con của mình. Chẳng lẽ ông ta hy vọng sau này đứa bé lớn lên cũng côn đồ, vô văn hóa như thế. Cháu tôi 9 tuổi ở nước ngoài về chơi, sau vài lần đi ra đường đã nói “Ở Việt Nam mọi người đi ngoài đường mà không ai nhường ai cả, cứ bấm còi inh ỏi”. Một đứa trẻ 9 tuổi nhưng có nhận thức hơn nhiều người lớn hiện đang tham gia giao thông ở các thành phố lớn.
Trần Văn (TP.HCM)
 
 

Bình luận (0)