Bạn Nguyễn Minh Trí – sinh viên Khoa Kinh tế, Đại học Hoa Sen:
"Mình đi thi Đại học sợ nhất một điều là không biết giải bài thôi mặc dù đã gặp bài đó trước đây. Là thí sinh tham dự kỳ thi quan trọng như vậy dĩ nhiên là không tránh khỏi lo lắng, áp lực từ nhiều phía, đặc biệt là tâm trạng khi bước vào phòng thi … đã hồi hộp, trong đầu toàn nghĩ tới số báo danh, môn thi, phòng thi… vì sợ chạy lộn phòng… (cười). Mặc dù không khí phòng thi gây cho mình một chút lo lắng nhưng mình không bận tâm về điều đó, cứ để cho nó bình thường, tập trung vào từng bài từng chữ và hãy nghĩ rằng áp lực thời gian và phòng thi chả là gì cả”.
Bạn Sang – sinh viên Khoa Kỹ thuật công trình, Đại học Công nghệ Sài Gòn:
"Khi đi thi mình thật sự khá lo lắng, nhưng con trai mà tự nhủ không được run, nói chung là khá phức tạp. Không khí trường thi năm rồi cũng ảnh hưởng đến mình một chút vì trường lạ nên cảm giác ban đầu không mấy thân quen như mình tưởng, nó làm mình run và không thấy thoải mái cho lắm. Nhưng điều đó đã trôi qua rất nhanh vì mình đã ôn bài kỹ lưỡng, không lo lắng quá mức và luôn nhớ về những câu động viên của anh chị, người thân. Một cách để trấn an tinh thần khi vào phòng thi mà mình đã nghĩ đó là ngửa mặt lên trần nhà, nhai kẹo cao su, và cố nghĩ ra một câu chuyện thật hài hay một câu ranh ngôn nào đó chẳng hạn".
Bạn Nguyễn Nhật Nguyên – sinh viên Khoa Nhân học, trường ĐHKHXH&NV:
"Khi đi thi em sợ mình không tự tin với lượng kiến thức mà mình có được và đặc biệt là sợ đề thi ra trúng phần kiến thức mình ôn không kỹ. Khi bước vào phòng thi em rất hồi hộp và lo lắng vì các bạn ai cũng sáng sủa. Không khí trường thi đã ảnh hưởng đến kết quả thi của em, mà tùy vào cách cảm nhận của mọi người. Riêng em thì cũng có ảnh hưởng tí xíu đó là thêm phần hồi hộp trước sự đông đảo của thí sinh. Để khắc phục tâm lý này em đã nắm chặt cổ tay và thầm hát bài hát mình yêu thích nhất".
Bạn Nguyễn Trung Hiếu – sinh viên Khoa Đạo diễn sân khấu, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh
"Để có kết quả tốt, em nghĩ các bạn nên kết thúc việc học bài trước khi thi ít nhất là hai ngày để có tâm lý tốt khi vào trường thi. Ngoài ra, trong quá trình thi, các bạn phải chủ động được thời gian, không cuốn theo tốc độ làm bài của người bên cạnh. Lần thi môn văn, anh chàng ngồi kế bên em viết lia viết lịa, xin giấy tới tấp làm em phân tâm, vã cả mồ hôi, không tập trung làm bài được. Cuối cùng, phòng thi ấy cũng chẳng có ai hơn điểm em cả; rõ ràng, làm nhanh, viết nhiều chưa hẳn có kết quả tốt".
Ngọc Phúc
Bình luận (0)