Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gỡ rối về thuế cho doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 19-3, Cục Thuế TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) tổ chức buổi “Đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM”. Tại đây, nhiều khó khăn, khúc mắc liên quan đến lĩnh vực thuế phần nào được gỡ rối.
Một số thông tin “nóng” được các doanh nghiệp đặt câu hỏi trực tiếp với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM. Ngoài những câu hỏi được giải đáp trực tiếp tại buổi đối thoại, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cũng đã trả lời hàng loạt câu hỏi thông qua email, văn bản… Điển hình như, phía Công ty TNHH Gunze Việt Nam đặt câu hỏi, bắt đầu từ ngày 1-1-2015, công ty sẽ hỗ trợ lao động nữ (đã ký hợp đồng lao động) có con nhỏ trong độ tuổi từ 3 tháng đến 6 tuổi, với mức 200.000 đồng/tháng. Vậy số tiền này có phải tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động; đồng thời công ty có được đưa vào chi phí hợp lý hay không. Nếu công ty ghi trên nội quy liệu có được chấp nhận ?

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu Baseafood ý kiến tại buổi đối thoại ngày 19-3.

Đại diện Cục Thuế TPHCM trả lời, trường hợp công ty hỗ trợ chi phí gửi trẻ nêu trên phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
Khoản chi có tính chất phúc lợi, chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng tổng số chi này không được vượt quá 1 tháng lương bình quân trong năm. Bên cạnh đó, tùy vào tình hình tài chính tại đơn vị, việc chi hỗ trợ có thể ghi hoặc không ghi vào nội quy do công ty tự quyết định.
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nhị Gia (quận 5, TPHCM) thắc mắc: “Chúng tôi bán vé máy bay theo hình thức mua đứt bán đoạn, bán hưởng chênh lệch. Khi xuất vé, chúng tôi xuất hóa đơn A cho khách là Hóa đơn giá trị gia tăng – Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không, mặc dù vé chưa sử dụng. Sang tháng sau, khách báo hoàn vé. Theo cách đang áp dụng tại đơn vị, chúng tôi phải xuất hóa đơn B Hóa đơn giá trị gia tăng – Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không điều chỉnh giảm cho hóa đơn A và kèm biên bản xác nhận hoàn vé. Điều này rất nhiêu khê, mất thời gian. Vậy chúng tôi có thể thông báo phát hành, sử dụng hóa đơn C Hóa đơn giá trị gia tăng – Phiếu thu phí hoàn, chi hoàn tiền cước vận chuyển hàng không thay thế hóa đơn B và biên bản xác nhận hoàn vé được không ?”
Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết, căn cứ Thông tư số 39/2014/TT – BTC ngày 31-3-2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, trường hợp công ty bán vé máy bay cho khách hàng đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận nhưng chưa sử dụng, sau đó hoàn vé thì hai bên tiến hành lập biên bản thu hồi hóa đơn đã lập. Phía công ty đề nghị thông báo phát hành hóa đơn C là không phù hợp quy định.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu Baseafood, chi nhánh TPHCM, trình bày bức xúc và mong được gỡ rối tại hội thảo như sau: Năm 2007, công ty ông có ký kết hợp đồng làm ăn với một số doanh nghiệp tại tỉnh Kiên Giang. Thời điểm đó, các doanh nghiệp đối tác của Baseafood hoạt động, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế… đầy đủ tại Cục Thuế Kiên Giang. Thế nhưng, đến năm 2012 do kinh tế khó khăn, một số đối tác này phá sản, bỏ trốn, dẫn đến tình trạng Baseafood chịu trách nhiệm liên đới một cách vô lý. Cụ thể, cuối năm 2014 vừa qua, thanh tra Cục Thuế TPHCM kiểm tra, truy phạt công ty hơn 1 tỷ đồng. Mặc dù Baseafood đã chứng minh cho thanh tra thuế rằng giấy tờ ký kết hợp đồng với các công ty tại Kiên Giang trước đó hoàn toàn hợp pháp. Ông Nguyễn Văn Sáu nói: “Nếu phía Cục Thuế TPHCM sớm phát hiện, thanh tra trước thời điểm doanh nghiệp bỏ trốn năm 2012, thì phía Baseafood không phải bị phạt nặng như vậy”.
Để giải đáp bức xúc này, bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế TPHCM cho biết, nếu đúng như những gì ông Nguyễn Văn Sáu trình bày, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM sẽ nhanh chóng xem xét, giải quyết rốt ráo, tránh để sự việc kéo dài, gây thiệt hại cho Công ty Baseafood.

GIA HÂN

(SGGP)

Bình luận (0)