Hội nhậpGiáo dục phát triển

Chuyện học ở nông thôn Vĩnh Long

Tạp Chí Giáo Dục

Tới trường ngày mưa. Ảnh: Tuấn Phong

Ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, còn khó khăn nhưng ngày càng có nhiều gia đình “đại học”, những tấm gương vượt khó, học giỏi. Chuyện ở Vĩnh Long…

Quyết chí lo chuyện học

Ở Vĩnh Long, hệ thống đường giao thông nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù các cấp chính quyền và nhân dân đã đầu tư bê tông hoá, đại hoá. Vào mùa mưa, mùa nước nổi việc đi lại càng khó khăn hơn, các em học sinh (HS) phải tranh thủ thời gian đi học thật sớm mới kịp giờ, vừa lội sình, qua cầu khỉ, đôi khi còn phải qua đò dọc, đò ngang. Tuy nhiều vất vả nhưng HS nơi đây rất chịu khó và siêng năng, đến lớp đều. Các HS học buổi sáng phải tranh thủ thức sớm từ lúc 5 giờ, ăn sáng bằng chén cơm hấp lại hay cơm rang và bắt đầu đến trường, trời ít mưa, đường không trơn trượt thì đi học bằng xe đạp, nếu mưa thì chỉ còn cách là lội bộ đến trường. Sau giờ học các HS còn phải phụ giúp gia đình việc nhà, việc đồng áng, chăm sóc vườn cây ăn trái…Vì phần lớn các gia đình là nông dân, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp. Tuy phải phụ giúp công việc với gia đình nhưng việc học vẫn được đảm bảo, phụ huynh đã tạo mọi điều kiện và dành nhiều thời gian cho chuyện học của con em. Ngoài ra còn có sự thi đua giữa gia đình này với gia đình kia về việc nuôi con ăn học, nên các HS có thêm nguồn động lực để phấn đấu học tốt, kết quả năm sau cao hơn năm trước, đem về vinh dự cho gia đình và bản thân.

Em Phạm Thị Ngọc Thảo, HS lớp 3 trường Tiểu học Bình Phú B, Càng Long, Trà Vinh, là một học sinh giỏi, hằng ngày sau khi học bài xong, em chuẩn bị đi học rất sớm, em nói: “Vì sợ bị trễ học do trời mưa hay xe đạp hư nên phải đi sớm, mà sợ nhất là vô trễ không hiểu bài, học thua bạn…”. Các bậc phụ huynh ngày nay rất quan tâm chuyện học của con em, mặc dù công việc đồng áng vất vả quanh năm suốt tháng, thu nhập ít nhưng vẫn nuôi con ăn học tới nơi tới chốn, mỗi khi cần tiền đầu tư cho việc học thì giá nào cũng phải lo. Anh Phạm Văn út, ở xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh nói: “ Có hai đứa con, tôi sẽ cố gắng làm để nuôi hai cháu được ăn học tới nơi tới chốn, giá nào tôi cũng lo để sau này mỗi đứa có cái nghề, khỏi phải làm ruộng vất vả như tôi bây giờ…!”. Còn có những tấm gương HS nghèo vượt khó học giỏi như Đào Văn Thanh Sang ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, nhà xa trường hơn 6 km, nhưng với ý chí vượt khó, Thanh Sang là thủ khoa kì thi tốt nghiệp THPT năm 2008 của Trường THPT Trà Ôn, sau đó thi đỗ vào hai ngành trường ĐH Cần Thơ: Ngoại thương và Công nghệ sinh học với số điểm rất cao. Còn có gia đình “Đại học” của bác Bảy Sổ, ở xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, vượt qua bao vất vả, bác Bảy đã nuôi 5 người con học đại học ròng rã hơn 20 năm, giờ đây các con của bác đã thành đạt, công tác tại các cơ quan nhà nước. Mỗi khi về Xuân Hiệp, Trà Ôn chỉ cần hỏi “Gia đình đại học” là ai cũng biết và cảm phục ý chí, nghị lực của bác Bảy Sổ.

Nhà nước, nhân dân cùng chung tay

Các cấp chính quyền và nhân dân Vĩnh Long trong thời gian qua đã rất nỗ lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng và nâng cấp hệ thống điện, đường, trường, trạm nhằm đảm bảo cho sự phát triển của xã hội nói chung và của ngành giáo dục nói riêng. Bộ mặt vùng nông thôn ngày càng đổi mới, hệ thống đường giao thông liên ấp liên xã được thực hiện bởi sự chung tay góp sức giữa nhà nước và nhân dân, giờ đây các tuyến đường chính ở các xã vùng sâu, vùng xa được trải nhựa hoặc bê tông kiên cố, việc đi lại thuận tiện hơn. Nguồn vốn đầu tư xây dựng, nhà nước chi khoảng 60- 70%, còn lại do nhân dân tự vận động đóng góp, kết quả đạt được rất khả quan, nhiều tuyến đường mới được hoàn thành, hệ thống cầu bê tông dần thay thế cho cầu khỉ. Cùng với phong trào chung của tỉnh, thời gian qua Hội Chữ thập đỏ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã vận động được 343 triệu đồng từ các nhà hảo tâm và nhân dân, cùng với sự hỗ trợ của UBND, xây dựng thêm cầu giao thông Ông Nghệ liên ấp Thành Hậu và Thành Tiến, phục vụ cho việc đi lại của người dân và HS. Được biết đây là cây cầu thứ 7 mà Hội Chữ thập đỏ đã vận động xây dựng. Chị Thu Nga ở xã Xuân Hiệp nói: “Bây giờ đường sá được xây dựng nên không còn cảnh lội sình như ngày trước nữa! Mấy đứa nhỏ đi học cũng đỡ vất vả hơn, lúc trước đường còn khó đi, có nhiều đứa bị trượt ngã phải quay về thay đồ nên trễ học”. Hệ thống trường học được xây dựng mới, trang thiết bị, cơ sở vật chất được củng cố, đảm bảo cho việc dạy và học của GV và HS. Trường lớp ngày càng khang trang hơn, công tác kiên cố hoá trường lớp, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên đang được tiến hành khẩn trương đảm bảo đúng tiến độ theo qui định của Bộ, mạng lưới Internet đang được phủ sóng về các trường học, để hưởng ứng năm học đẩy mạnh Công nghệ thông tin, triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực.

Nguyễn Quốc Ngữ (GDTĐ)

Bình luận (0)