Hội nhậpGiáo dục phát triển

TS. Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Thi không phải là mục đích duy nhất của việc học”

Tạp Chí Giáo Dục

Tại một cuộc gặp mặt với đại biểu Quốc hội, khi bàn về việc đổi mới thi cử, có một đại biểu đồng thời là lãnh đạo GD ở một địa phương đã phát biểu: Bộ đổi mới cách thi thế nào, trắc nghiệm hay tự luận với môn nào, thì cho chúng tôi biết để chúng tôi còn chỉ đạo giáo viên và học sinh học cho phù hợp. Đó là một quan niệm không hiếm gặp trong xã hội hiện nay. Cụm từ “Thi thế nào học thế ấy”, “Thi gì học nấy” đã không còn xa lạ trong thực tiễn dạy và học ở các nhà trường. Trong cương vị lãnh đạo Bộ phụ trách GD phổ thông, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển rất không đồng tình với những quan điểm sai lệch này.

Trao đổi với PV báo GD&TĐ, TS Nguyễn Vinh Hiển nói:

Nội dung, chương trình GD đã được đổi mới để GV được quyền chủ động sáng tạo, học sinh được làm việc tích cực. Nếu GV dạy tốt, HS học tốt theo hướng đó thì sẽ đáp ứng được yêu cầu của mọi kỳ thi, mọi cách thi, có sao lại phải phụ thuộc vào thi như thế nào mới học thế đó? Thi trắc nghiệm hay tự luận đều có mục đích là kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng và năng lực giải quyết các vấn đề của cuộc sống cả. Nếu anh trang bị được cho mình kiến thức đủ, kỹ năng tốt, và có được một năng lực giải quyết vấn đề tốt thì anh sẽ đủ tự tin để bước vào mọi kỳ thi, mọi hình thức tổ chức thi. Cho nên, theo tôi, không cần phải quan tâm đến thi như thế nào để mà lo học đối phó theo thế đó. Thi không phải là mục đích duy nhất của việc dạy và học mà chỉ là một công đoạn quan trọng để kiểm tra, đánh giá hiệu quả của việc dạy và học thôi. Chỉ có nền GD khoa cử, trọng bằng cấp mới quan niệm thi đỗ là mục đích duy nhất, tối cao của người học. "Buồn như anh khoá hỏng thi" đấy thôi?

Vâng, thưa Thứ trưởng, nhưng thi trắc nghiệm là một hình thức mới được áp dụng ở Việt Nam, HS cũng cần có quá trình làm quen để có được kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm cho tốt?

Tôi cho rằng, vấn đề không phải là ở kỹ năng làm bài trắc nghiệm của HS. Kỹ năng này không khó để có được, chỉ cần GV hướng dẫn một vài lần trong quá trình dạy học là HS có thể nắm được rồi. Quan trọng hơn là đề thi như thế nào, số lượng và chất lượng có đủ độ phủ kiến thức để bao quát được chương trình học không, để đánh giá được năng lực tư duy của HS một cách khách quan, chính xác, công bằng hay không. Những yêu cầu này thì đề thi trắc nghiệm hay tự luận đều cần có. Tuy nhiên, mỗi hình thức thi đều có ưu nhược điểm riêng, phải biết rõ điều này để chọn hình thức thi nào cho phù hợp với mục đích với từng phần nội dung, từng bộ môn, từng giai đoạn học. Lãnh đạo Bộ mà trực tiếp là Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long đã chỉ đạo rất rõ việc này, qua một bộ phận chuyên trách mới được thành lập ba năm nay là Cục khảo thí và kiểm định chất lượng GD của Bộ.

Như vậy, thầy và trò cứ thi đua dạy tốt, học tốt, chủ động, sáng tạo, tích cực tức là sẽ đạt được mục đích cần thiết…

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đúng thế. Mục đích của đổi mới GD mà chúng ta đang tiến hành hiện nay cũng là nhằm đến đó, cũng với một "phương tiện" truyền thống rất hiệu quả của ngành là triển khai phong trào thi đua "Hai tốt" nhưng với nội hàm được nâng cao và mở rộng hơn. Đó chính là các cuộc vận động và các phong trào mà Bộ đang phát động và các đơn vị GD, các địa phương đang hưởng ứng tích cực hiện nay, như "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Ngay đến dự án giáo dục tiểu học dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) cũng có một thành phần mang tên "sáng kiến giáo dục" để thấy vai trò của đổi mới, sáng tạo trong GD là quan trọng như thế nào, không kể là với đối tượng nào, ở vùng miền nào. Toàn ngành cũng đang cổ vũ việc phát hiện các điển hình sáng tạo trong dạy và học để nêu gương và nhân rộng.

Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh việc tự học của GV. Nghề nào cũng vậy, bao giờ giữa sản phẩm đào tạo và đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống vẫn có một khoảng cách nhất định. Vấn đề sau quá trình đào tạo để trở thành người lao động, thì bản thân người lao động phải biết tìm cách để rút ngắn khoảng cách này, càng sớm càng tốt. Nhưng cũng là một quy luật khi triệt tiêu được khoảng cách này thì lại xuất hiện khoảng cách khác. Và lại phải tìm cách lấp đầy. Vì vậy, việc bồi dưỡng sau quá trình đào tạo là cần thiết và thường xuyên. Nhưng không nên gọi đây là quá trình đào tạo lại, bởi nói như thế thì có nghĩa là phủ nhận việc đào tạo trước đó. Phải gọi là "đào tạo tiếp tục" thì mới đúng nghĩa, sau phổ thông cũng thế mà sau đại học cũng vậy. Phải tiếp tục đào tạo (và tự đào tạo) để luôn đáp ứng được yêu cầu giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn. Điều mà chúng ta cần phấn đấu là làm sao để quá trình đào tạo tiếp tục này càng ít thay đổi, và nhất là càng ít thay đổi cơ bản thì càng tốt. Chỉ nên là những lĩnh vực hẹp và cập nhật thôi.

Thứ trưởng từng phát biểu là việc bồi dưỡng GV cũng sẽ phải đổi mới, nghĩa là GV cần gì, thiếu gì thì bồi dưỡng nấy, chứ không phải tiến hành một cách đại trà, làm cho có việc?

Vâng, đó cũng là thực hiện cuộc vận động "Hai không", chống căn bệnh thành tích, hình thức.

Quay trở lại chuyện dạy, học và thi, đó là một quá trình liên tục không thể tách rời. Tất nhiên thi không phải là mục đích duy nhất của việc học nhưng đó là một khâu tất yếu phải có trong toàn bộ quy trình học. Vậy thì nói đổi mới GD thì ngoài việc đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình…cũng có nghĩa là phải đổi mới đồng bộ cả 3 yếu tố này, và phải có sự chỉ đạo thống nhất, thưa Thứ trưởng?

Đúng thế. Chỉ đổi mới dạy và học mà không đổi mới kiểm tra, đánh giá thì sẽ không thể đạt được mục tiêu tác động tương hỗ giữa các yếu tố này. Và sự đổi mới như vậy nó sẽ khập khiễng, không có hiệu quả, thậm chí còn gây khó khăn, lúng túng cho người thực hiện.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

Theo GDTĐ

Bình luận (0)