Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Trao đổi ý kiến về mô hình nhà trường trong nhà tù

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Dominique Versini. Ảnh: I.T

Để giáo dục thiếu niên phạm pháp, từ năm 2007, người ta đã có “sáng kiến” lập ra một mô hình nhà trường trong nhà tù, như ở Orvault (Loire-Atlantique ở Pháp – Báo Giáo Dục TP.HCM số ra ngày 16-12 đã đăng tải). Mô hình này được dư luận xã hội và nhất là các nhà sư phạm đánh giá ra sao? Tạp chí Phosphore của Pháp sau khi làm một phóng sự nhỏ về tổ chức và sinh hoạt của nhà trường kiểu này đã phỏng vấn bà Dominique Versini, một thành viên của nhóm người kiên trì bảo vệ quan điểm áp dụng Công ước quốc tế (CUQT) về quyền trẻ em do Liên hiệp quốc thông qua cách đây 20 năm. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn và ý kiến của bà.
Chúng ta đã quan sát mô hình “nhà trường trong nhà tù” dành cho thiếu niên phạm pháp. Bà có cho rằng nhà trường kiểu đó cũng là một nhà trường thực sự không?
D.V: Dứt khoát là không! Trong thời gian các em ở tù, tuy là ngắn, chỉ vài tuần đến vài tháng, rõ ràng chúng vẫn bị tách ra khỏi thế giới học đường. Điều tốt nhất tất nhiên là sự giáo dục phù hợp với trình độ của chúng, như chúng ta đã thấy trong bài phóng sự. “Loại trường” đó cũng đã có vài tiến bộ về săn sóc y tế, tính sư phạm, tâm lý, xã hội… Nhưng sự thật nhà tù vẫn là nhà tù. Sự bất ổn tinh thần, thậm chí thất vọng vẫn còn đó, và có thể rất kịch tính. Ai biết được có em nào có ý muốn tự tử hay không? Tôi nghĩ cần phải có nhiều sự cải tiến nữa.
Trong những điều kiện nào thì việc bắt các thiếu niên phạm pháp ở tù là chấp nhận được, thưa bà?
 Đối với một số hành động nào đó, trong một số điều kiện nào đó, luật pháp cũng không có cách chọn nào tốt hơn là bắt ở tù. CUQT và luật năm 1945 về quyền của trẻ em cũng không chống lại điều đó, nhưng phải cố tránh việc bắt trẻ em ở tù bằng cách đề cao biện pháp phòng ngừa và giáo dục. Nếu có bắt trẻ em ở tù, cũng phải giới hạn trong một thời gian ngắn nhất có thể được. Trẻ em phải được theo dõi sát sao suốt thời gian ở tù và khi ra tù, để đề phòng việc chúng bị sa vào nản chí thất vọng. Thời gian ở tù phải là thời gian có lợi cho chúng, giúp chúng vạch ra một kế hoạch sống khác trước.
Bà đã nhiều lần phản đối việc cải cách pháp luật đối với trẻ em do Chính phủ dự thảo, tại sao như vậy?
Trong mấy năm gần đây người ta xa rời tinh thần CUQT, chỉ chú ý trấn áp mà quên biện pháp phòng ngừa và giáo dục. Phải biết rằng trẻ em hung hãn đôi khi lại là những nạn nhân.Vì thế mới khó đem lại công bằng cho chúng! Tôi có cảm giác người ta có xu hướng áp dụng luật pháp của người lớn cho trẻ em. Đó không phải là cách làm đúng vì thiếu niên có một tâm sinh lý khác hẳn. Phải hiểu lý do vì sao các em lại phạm pháp. Các quan tòa xử trẻ em đã hiểu kỹ vấn đề này, biết bảo vệ và trừng phạt đúng mức. Thế nhưng đáng tiếc là Chính phủ có xu hướng giảm bớt ảnh hưởng của các quan tòa.
Thưa bà, quyền của trẻ em bị vi phạm trong những trường hợp nào?
Đôi khi chính cha mẹ vi phạm quyền cơ bản của trẻ em. Đó là trường hợp cha mẹ ly dị, cấm trẻ em gặp cha hoặc mẹ nó. Luật pháp đôi khi cũng vi phạm quyền của trẻ em, ví dụ gây khó khăn cho học sinh tàn tật được học tập bình thường. Đó là chưa kể đến sự phân biệt đối xử, bạo lực học đường… Nhiều trẻ em phàn nàn là không được bảo vệ.
Bà đã chủ trì một cuộc nghiên cứu có tên là “Trò chuyện với giới trẻ”, và sau đó bà sẽ chuyển ý kiến lên Tổng thống. Bà có ý định nói và đề nghị Tổng thống những điều gì?
Tôi sẽ nói với Tổng thống rằng chúng ta có một lớp trẻ rất xuất sắc, có tính sáng tạo và thông minh, rất nhạy cảm với những thành kiến xấu mà người lớn, và những người có trách nhiệm trong xã hội gán cho họ. Tôi sẽ nói với Tổng thống rằng: “Không, không phải tất cả lớp trẻ đều quậy phá. Đừng có đánh đồng đa số thanh thiếu niên với một số ít”.
Phan Thanh Quang
 (Theo Phosphore số tháng 11-2009)

Bình luận (0)