Kỳ 2: Trường “chất lượng cao” làm gì để thực sự “cao cấp”?
> Cơ sở giáo dục chất lượng cao: Cần được “nhìn nhận” đầy đủ
Không phải cứ treo biển “Trường chất lượng cao” là chất lượng đã cao
“Khoảng hơn 10 năm trước, nói giáo dục mà gắn với dịch vụ thì còn e ngại. Giờ đây thì đã thấy rằng phát triển dịch vụ giáo dục là rất cần thiết”- PGS.TS Trần Khánh Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội, GS ĐH Hiroshima Nhật Bản), người được tham gia việc “quy hoạch” GD Hà Nội từ năm 1995, đưa ra nhận định- “Chính những trường học chất lượng cao là cơ sở để xây dựng nền kinh tế tri thức, là bộ mặt của nền kinh tế tri thức… Vì vậy cần có sự đầu tư bài bản, quy hoạch bài bản”.
Ông Trần Khánh Đức nhận xét: Nói dịch vụ GD người ta thường nghĩ rằng chỉ có trường tư mới có dịch vụ, trong khi dịch vụ GD vẫn có ở cả trường công và trường tư. Nhìn nhận về việc phát triển các trường CLC ở Việt Nam, ông Đức khẳng định: “Đã đến lúc phải phát triển dịch vụ GD theo các mô hình dịch vụ GD CLC trên thế giới”. Tuy nhiên “không phải cứ giương biển “trường CLC” là chất lượng GD đã cao, phải có sự kiểm định về chất lượng, thậm chí trường được gọi là CLC còn cần được xác nhận của một tổ chức quốc tế” .
Bên cạnh đó, dịch vụ GD CLC không chỉ thoả mãn nhu cầu mà còn phải tạo ra nhu cầu để phụ huynh, HS thấy hấp dẫn và lựa chọn.
Nhấn mạnh điểm nhà trường cần chú ý khi xây dựng dịch vụ CLC, ông Đức cho rằng: “Với quy luật cung- cầu, muốn xây dựng trường CLC phải có sự điều tra nhu cầu của phụ huynh, HS xem họ cần gì ở chất lượng dịch vụ giáo dục. Chưa chắc trang bị CSVC tốt mà họ đã thích, việc thoả mãn nhu cầu khách hàng mới là quan trọng, trên cơ sở mục tiêu GD đã xác định. Làm sao phải có sự đồng thuận thì mới xây dựng được dịch vụ GD CLC”.
Khía cạnh khác cũng liên quan đến vấn đề xây dựng dịch vụ GD CLC, ông Đức nhắc đến một thói quen: “Từ trước đến nay, “tự chủ” của trường học rất yếu. Nhiều trường vẫn giữ thói quen ngóng lên phòng GD chờ đợi… phòng thì ngóng lên sở, sở lại ngóng lên Bộ…”. Chia sẻ với hiệu trưởng các trường đang xây dựng mô hình dịch vụ GD CLC ở Hà Nội, PGS.TS Trần Khánh Đức cho rằng: “Trong một nền GD hiện đại, không chỉ Bộ trưởng có tầm nhìn, ngay từng hiệu trưởng phải có được tầm nhìn. Muốn xây dựng dịch vụ GD CLC anh hiệu trưởng phải có sự quyết đoán, có bản lĩnh rất cao.”
Nói về mô hình “nhà trường cho tương lai” , PGS.TS Trần Khánh Đức nêu: Nhà trường tương lai không chỉ có dạy và học kiến thức, mà còn phải dạy cho HS kỹ năng sống cần thiết và trách nhiệm với xã hội. Để sau khi ra trường, HS làm việc có trách nhiệm, có thể phát triển hết khả năng của mình. Ông Đức cũng cho rằng, đã là dịch vụ GD CLC thì phải bao gồm cả CLC ở dịch vụ ăn uống, nghỉ trưa, đưa đón HS, đầu tư môi trường học, sinh hoạt tốt trong CSVC của nhà trường… phải làm tốt tất cả các mặt dịch vụ chứ không chỉ lo vấn đề chất lượng dạy và học.
Cần được “nhận diện” đầy đủ
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, hàng năm ở Hà Nội có hàng trăm HS, SV ra nước ngoài du học tự túc với số tiền chi phí hàng triệu USD (không kể số được các tổ chức nước ngoài cấp học bổng). Một lí do quan trọng dẫn đến dòng HS, SV Việt Nam chi phí ngày càng nhiều tiền để ra nước ngoài du học đó là dịch vụ về GD trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của người học.
Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội ông Phạm Văn Đại cho biết: “Dịch vụ GD còn khá mới mẻ và hiện vẫn còn những tranh cãi về mặt lí luận”. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay ở Hà Nội và không ít tỉnh, thành phố đã xuất hiện một số mô hình cơ sở GD hoạt động theo cơ chế dịch vụ. Đưa ra nhận xét về hiện tượng này, ông Đại cũng cho biết thêm: Việc xây dựng cơ sở dịch vụ GD chất lượng cao (CLC) theo mô hình như thế nào và bằng cách nào để vừa đáp ứng được nhu cầu khách hàng, vừa phù hợp với nhu cầu nhân lực của Thủ đô, đồng thời cũng từng bước tiếp cận được các mô hình GD tiên tiến trên thế giới lại là vấn đề còn khá mới mẻ và chưa được nhận diện đầy đủ.
Một cái khó hiện nay mà nhiều trường phát triển mô hình dịch vụ GD CLC lo lắng, đó là thiếu quy chế, thiếu định hướng cụ thể về mô hình, tính chất của trường CLC. Thành ra trong vài năm trở lại đây, bên cạnh những cơ sở GD được Sở GD&ĐT Hà Nội cho thí điểm xây dựng dịch vụ GD CLC, đã có hiện tượng không ít cơ sở GD “tự nhận” là “trường CLC” mà không có bất cứ một sự kiểm định chất lượng hay “thừa nhận” của tổ chức, cơ quan nào về dịch vụ GD CLC.
Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Việt Triều – bà Hoàng Thị Thanh đã đưa ra đề xuất: “Nhà nước và các cấp chính quyền cần có văn bản chính thức hướng dẫn quy chế hoạt động cho mô hình trường mầm non dịch vụ GD CLC”. Chủ tịch HĐQT trường tiểu học và trường THPT Nguyễn Siêu ông Nguyễn Trọng Vĩnh thì có ý kiến: “Để thực hiện được mô hình dịch vụ CLC, lãnh đạo ngành cần có một cơ chế mềm và linh hoạt trong chỉ đạo; trong công tác tuyển sinh; trong việc thực hiện chương trình kế hoạch dạy học; trong việc thu học phí… Cũng cần xây dựng tiêu chí tối thiểu của lớp và trường dịch vụ GD CLC để các trường có căn cứ phấn đấu thực hiện, đồng thời căn cứ vào đó để giám đốc Sở có quyết định cho phép được chuyển đổi mô hình, tránh tình trạng “tự phát”, “tự xưng” gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận xã hội và cha mẹ HS”.
Ông Vĩnh cũng cho rằng, cần phải có cơ chế “mềm” và linh hoạt trong chỉ đạo mô hình GD CLC hiện nay. Thậm chí, phải có sự “bật đèn xanh” cho các trường đang xây dựng mô hình dịch vụ GD CLC để các cơ sở GD này phát triển đúng hướng và phát triển được.
Theo PGS. TS Trần Khánh Đức, nếu các trường học không nhanh chóng xác định được mục tiêu, có kế hoạch bài bản, và nhất là để chất lượng dịch vụ GD kém thì không thể cạnh tranh, dễ mất “thị phần” ngay ở trong nước.
Hoàng Minh (GDTĐ)
Bình luận (0)