Mục tiêu, cái thì quá thấp, cái thì quá cao và nhiều điều là “không thể”… Đó là một trong những nội dung của bản góp ý của Viện Nghiên cứu Giáo dục – Trường ĐHSP TP.HCM cho Dự thảo lần thứ 14 Chiến lược giáo dục 2009- 2020.
HS Trường tiểu học Bà Triệu (Hà Nội) trong một giờ học. Ảnh: Lê Anh Dũng |
1. “Bay lượn” trên không để đến mục tiêu?
Xây dựng Chiến lược cần phải trả lời được 3 câu hỏi: Chúng ta đang đứng ở đâu? Chúng ta muốn gì và đi đến đâu vào năm 2020? Làm thế nào để chúng ta đi được đến đấy?
Trong Chiến lược, không nói đến vấn đề làm thế nào để đi đến mục tiêu vào năm 2020 và đi bằng nguồn lực nào. Nói cách khác, không đi vào vấn đề chính là nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược.
2. “Khập khiễng” đánh giá quốc tế
"Từ 2012, thực hiện đánh giá quốc tế kết quả học tập của HS…"
Để đánh giá quốc tế kết quả học tập của học sinh, điều cần thiết là phải có một bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đã được chuẩn hoá, mang tính quốc tế. Đồng thời, cũng phải xây dựng chuẩn hóa chương trình giáo dục, hoặc ít ra là có nhiều điểm tương đồng với chương trình ở các nước tiên tiến để đem ra đánh giá.
Với những chương trình khập khiễng như hiện nay, không hiểu sẽ "đánh giá quốc tế kết quả học tập của HS…" như thế nào?
3. Những nhầm lẫn… lạ quá!
Những kết luận trong Chiến lược không có cơ sở khoa học. Chẳng hạn như, kết luận rằng: "đại bộ phận sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm..", trong khi hầu hết các trường ĐH không có dữ liệu về việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên.
Hay thông tin không chính xác như: "đã có 40 trường ĐH được kiểm định chất lượng", trong khi thực chất mới chỉ có 20 trường. Hoặc: "đã thành lập các tổ chức kiểm định độc lập…", trong khi ở Việt Nam chưa thành lập các tổ chức kiểm định độc lập…
Khi mà chiến lược được xây dựng trên những số liệu không chính xác như thế này, thì thật dễ hiểu khi người ta nghi ngờ tính khả thi của nó.
4. Thấp không thể… chấp nhận được!
"Đối với GD tiểu học: năng lực đọc hiểu và làm toán của học sinh được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu trong các đánh giá quốc gia về đọc hiểu và tính toán là 90% vào năm 2020".
Viện Nghiên cứu Giáo dục đã buộc phải đưa ra nhận xét: Chỉ tiêu này thấp đến nỗi… không thể chấp nhận được!
5. Cụ thể như vậy để làm gì?
Chiến lược có đưa ra mục tiêu phấn đấu "đến năm 2020 có khoảng 15.000 sinh viên nước ngoài đăng ký học ở các trường ĐH Việt Nam".
Không rõ, mục tiêu này dựa trên cơ sở tính toán như thế nào? Và liệu có cần thiết để đưa ra một con số cụ thể như vậy hay không?
Viện Nghiên cứu Giáo dục đã đề nghị bỏ đi mục tiêu này.
6. “Quên”!
"Về cơ bản, nước ta đã đạt được sự bình đẳng nam nữ trong giáo dục cơ bản". Nhưng, dự thảo đã quên định nghĩa: giáo dục cơ bản là gì?
7. 3 điều “không thể”
Dư thảo Chiến lược giáo dục 2009 – 2020 ít nhất đã có 3 mục tiêu "bất khả thi". Đó là:
+ 450 SV trên một vạn dân vào năm 2020 là một mục tiêu không thể thực hiện được. Để có số người học ĐH tăng gấp đôi hiện nay không thể có đủ đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu.
+ Đến năm 2010 các trường ĐH đều hoàn toàn chuyển sang học tín chỉ là việc không thể thực hiện được.
+ Đến năm 2020 Việt Nam có 2 trường ĐH lọt vào top 200 thế giới là những mục tiêu nằm ngoài khả năng của GD nước ta hiện nay.
8. Những "nguy cơ"…lạc quan!
Trong phần 3 của Dự thảo Chiến lược về Cơ hội và thách thức, Viện Nghiên cứu Giáo dục đề nghị:
+ Phải khẳng định là nước ta đang tụt hậu ngày càng xa. Dự thảo chỉ cho rằng, nước ta có … nguy cơ tụt hậu ngày càng xa.
+ Sự phân hóa trong xã hội đang gia tăng chứ không phải là "có chiều hướng gia tăng". Khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền ngày càng rõ rệt. Điều này đang làm làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận GD giữa các vùng miền và giữa các đối tượng người học.
9. Giai đoạn nào cũng đúng!
Kinh nghiệm các nước khi xây dựng Chiến lược đều có tư tưởng chỉ đạo chung, xây dựng mục tiêu chính, mục tiêu cụ thể và các chỉ số để thực hiện được mục tiêu đề ra.
Việt Nam xây dựng Chiến lược 2009- 2020 có 3 mục tiêu chính: phát triển quy mô, nâng cao chất lượng và tăng cường cơ sở vật chất. Các mục tiêu này đều chung chung, không cụ thể vì vậy bất kể đặt Chiến lược ở hoàn cảnh nào, giai đoạn nào cũng đúng!
Cách làm cũ, cách tư duy cũng đã khá cũ nhưng vẫn còn tiếp tục sử dụng cho những mục tiêu lớn và mới. Với cách viết như văn bản hiện nay, người đọc không hình dung ra được trọn vẹn một Chiến lược quốc gia. Bởi (những) người viết xen lẫn giữa cách viết chiến lược và kế hoạch vào nhau (Chiến lược phải có tư tưởng chỉ đạo, kế hoạch phải có mốc thời gian cụ thể để thực hiện).
Giáo dục cần phải có hệ thống, có quy trình, cần phải có chiến lược. Còn làm chiến lược thì phải đi từ gốc, xây dựng chiến lược phải đặt lại quan điểm, tư tưởng cho thực chất.
-
Đoàn Trần (VNE)
Thực hiện yêu cầu của Bộ GD-ĐT trong việc góp ý cho Dự thảo Chiến lược Phát triển Giáo dục 2009-2020, trong tháng 1/2009, Viện Nghiên cứu Giáo dục – Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu tất cả các nhà nghiên cứu và các trung tâm thuộc Viện đọc và đóng góp ý kiến cụ thể cho từng nội dung trong Chiến lược. Ngày 14/01/2009, Viện tổ chức một cuộc tọa đàm khoa học, có sự tham dự của một số nhà nghiên cứu giáo dục (GD), nghiên cứu và quản lý GD nhằm có thêm các đóng góp có giá trị để giúp Bộ GD-ĐT cải tiến chất lượng của Chiến lược. Ngày 20/1/2009, bản góp ý đã được hoàn thành và gửi về Bộ GD-ĐT. |
Bình luận (0)