Hội nhậpGiáo dục phát triển

Giáo dục đại học: Học phí chi phối chất lượng đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Trường ĐH dân lập chủ động hơn về đầu tư cơ sở vật chất từ nguồn thu học phí. Ảnh: Vũ Việt

Theo Quyết định 70 của Thủ tướng ban hành năm 1998, mức thu một năm với hệ đại học không quá 1,8 triệu đồng, hệ cao đẳng không quá 1,5 triệu đồng. Với tốc độ trượt giá của 10 năm qua thì mức thu này chỉ mang tính “tượng trưng” làm kìm hãm sự phát triển, nâng cao chất lượng của các trường. Học phí quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo là điều đã được khẳng định. Để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, đòi hỏi tăng học phí trong các trường đại học ngày càng trở nên cấp thiết, thì việc huy động sức dân là điều khó tránh khỏi.

Ngoài công lập “bí”

Năm học 2008, mức thu học phí của một số trường ngoài công lập đều tăng nhanh. Nếu năm 2007, Đại học tư thục Thăng Long (Hà Nội) thu học phí từ 5 triệu đồng thì năm 2008 đã lên tới 10 triệu đồng mỗi sinh viên. Ở Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, học phí năm 2008 vào khoảng 6 triệu đồng một năm. Còn ở Đại học dân lập Hồng Bàng mức học phí ở 2 ngành điều dưỡng và ngành kỹ thuật y học, lần lượt là 11,98 triệu đồng và 13,98 triệu đồng/năm. Học phí khoá mới cao hơn khoá cũ hơn 1 triệu đồng: các ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Sinh học môi trường: 6,98 triệu đồng/năm, ngành Truyền thông quốc tế đa phương tiện: 8,98 triệu đồng/năm, ngành Y sinh học, Thể dục thể thao, Công nghệ SPA: 9,98 triệu đồng/năm.

Các trường đều phàn nàn rằng thu đang không đủ cho chi. Thực tế cho thấy do các trường đại học ngoài công lập không được hưởng ngân sách từ nhà nước nên sinh viên phải chịu mức học phí cao gấp 2 – 3 lần công lập. Và ở hầu hết các trường, mức học phí năm sau bao giờ cũng cao hơn so với năm trước. Có thể lý giải điều này do các trường phải tự cân đối thu chi cho từng năm học. Trong bối cảnh giá cả tăng cao theo từng năm thì việc đề ra một mức thu ổn định cho cả khoá học sẽ là rất khó. Không có cách gì khác là thu theo từng năm học, để còn “có điều kiện” nâng học phí để bù giá.

Do có mức thu học phí cao hơn các trường công lập nhiều, nên việc thu học phí đối với hệ thống các trường ngoài công lập cũng không hẳn là suôn sẻ. Cũng thông cảm khi phải đóng học phí cao thì nhiều sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải đóng một khoản lớn là “rất bí”. Nhưng nhà trường thì lại cần tiền, và chuyện thật như đùa, để thu cho được học phí nhằm chi trả cho các hoạt động đạo tạo, nhiều trường đã nghĩ ra những tuyệt chiêu gỡ “bí” như cách mà ngân hàng vẫn huy động vốn. Đại học dân lập Hồng Bàng đã tặng… nón bảo hiểm cho sinh viên đóng học phí. Còn ở Đại học dân lập Văn Hiến thì “quà” lại cho sinh viên tiền.

Không có học phí thì lấy đâu trả tiền cho giảng viên, chi cho đào tạo, học phí thấp quá thì chất lượng đào tạo chắc chắn sẽ không thể cao được. Có những ngành học thì chỉ cần lý thuyết nhưng có những ngành học đòi hỏi sinh viên phải được thực tập trong những môi trường, phòng thí nghiệm hiện đại, rồi mời giảng viên giỏi, giáo sư trong và ngoài nước tham gia giảng dạy. Nhiều trường ngoài công lập có những quan hệ tốt với các đối tác, có điều kiện thực hiện tốt điều này. Nhưng vẫn vướng, vướng là không có tiền, hoặc có tiền nhưng không đủ thì cũng chẳng làm được điều gì.

Công lập “ thắt lưng buộc bụng”

Với hệ thống các trường ngoài công lập, tuy rằng không có được hạ tầng cơ sở sẵn có do nhà nước đầu tư như các trường công, nhưng bù lại nhiều trường có đông sinh viên với mức thu trung bình khoảng 7 triệu đến 10 triệu đồng một năm cho mỗi SV thì cũng gọi là có khoản để chi. Chứ ở các trường công lập, có gọi là “thắt lưng buộc bụng” cũng không quá.

Quy định đào tạo hiện nay cho một sinh viên bậc đại học là 8,1 triệu đồng, cao đẳng là 6,8 triệu đồng, trong khi ngân sách nhà nước cấp cho các trường công lập rất hạn hẹp (năm 2008 ước tính ngân sách chi cho giáo dục đại học là 9.559 tỷ đồng, nhưng trong số tiền đó thì có tới 50-60% dành cho chi phí thường xuyên của các trường). Với mức ngân sách như vậy cộng thêm 1,8 triệu đồng thu mỗi năm cho mỗi sinh viên thì số tiền trên cũng chỉ đủ cho việc trả lương giảng viên, nhân viên không thể nói gì tới đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất cho đào tạo.

Theo tính toán của nhiều nhà trường, hiện nay tính bình quân mức chi cho mỗi sinh viên công lập một năm quá lắm cũng chỉ còn 6,7 triệu đồng. Kinh phí được cấp eo hẹp, với khoản thu học phí được quy định từ năm 1998 đến nay chưa thay đổi đã khiến các trường đang lâm vào cảnh thiếu nguồn kinh phí cho các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu – điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hợi – Hiệu trưởng Đại học Vinh: Mức học phí 180.000 đồng một tháng như hiện nay là quá thấp, đây chính là rào cản nâng cao chất lượng đào tạo, không những nhà trường khó mà chính bản thân sinh viên cũng thiệt vì với mức học phí như vậy thì họ không được hưởng chất lượng đào tạo cao. Rõ ràng là cần có hướng mới trong việc thu học phí bởi có một bộ phận sinh viên muốn đầu tư cao vào học tập nhưng vẫn phải chạy theo những em đóng học phí thấp.

Một thực tế có thể thấy ở các trường đại học công lập hiện nay là lương thấp, để có thêm thu nhập nhiều giảng viên phải “chân trong, chân ngoài” điều mà xã hội vẫn hay phàn nàn rằng các thầy “chạy sô” đi dạy ở các trường ngoài công lập, ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng dạy – điều này chắc không giảng viên nào muốn. Còn ở các nhà trường, với trang thiết bị thí nghiệm nghèo nàn, hạ tầng cơ sở thiếu thốn khiến sinh viên phải học “chay” – thực tế này thì chắc chắn cả nhà trường, giảng viên và sinh viên cũng đều không muốn. Học phí cần phải đủ chi cho hoạt động đào tạo là điều mong muốn của nhiều nhà trường. Chính vì thế chủ trương tăng học phí đủ bù chi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đã được các nhà trường nhiệt liệt hưởng ứng. Học phí mới sẽ theo những tiêu chí có lợi cho cả người học và nhà trường như sẽ được xác định theo hướng hợp lý để cho phần lớn sinh viên có thể theo học. Để không ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc diện nghèo có thể vay tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội đủ để đóng học phí và sinh hoạt phí. Những sinh viên theo học các chương trình chất lượng cao sẽ có mức học phí khác. Ngoài phần ngân sách chi, phần chi phí còn lại sẽ do người học đóng góp xem ra là điều không thể không làm nếu muốn nâng cao chất lượng đào tạo.

Lộ trình cho học phí mới

Đứng trước những biến động về giá cả, xem ra tăng học phí là điều khó tránh khỏi các trường ngoài công lập đã chủ động “đi trước”. Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Đại học tư thục Thăng Long, cho biết: Trường sẽ tăng mức học phí năm 2009 lên khoảng 10%. Còn Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ông Lê Văn Toàn, Hiệu phó nhà trường cũng khẳng định: Năm học 2009, học phí sẽ tăng lên 7 triệu đồng/1 năm (tăng khoảng 16%) là điều khó tránh khỏi. Còn các trường công lập, Trường Đại học KHXH-NV Tp.HCM cũng chủ trương áp dụng mức học phí tăng 45.000 đồng/tháng so với mức thu hiện tại chưa đến 200.000 đồng/tháng, mỗi SV sẽ đóng học phí khoảng 2,2 triệu đồng/năm. Đại học Kinh tế Tp.HCM cũng có học phí ở một số ngành sẽ là 4,3 triệu đồng/năm. Và Đại học Sư phạm TPHCM dự tính mức đóng của SV sẽ là 2 triệu đến 2,2 triệu đồng/năm.

Tăng học phí để đáp ứng nhu cầu đào tạo của nhà trường và cũng là để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với xã hội là một thực tế hiển nhiên. Bộ GD-ĐT đã có chủ trương học phí mới, theo đó phải bù đắp được chi phí thường xuyên của các ĐH, CĐ, việc thực hiện đề án học phí mới và đổi mới phương thức phân bổ ngân sách Nhà nước sẽ gắn với việc tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng tài chính của cơ sở giáo dục đại học. Học phí hệ ĐH, CĐ sẽ có hai loại. Trong đó, học phí chương trình đại trà chia làm 7 nhóm ngành và theo trình độ đào tạo, sinh viên nhóm ngành Y có thể phải đóng học phí cao nhất. Còn học phí chương trình chất lượng cao chủ yếu nhằm thu hút liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài. Các trường đào tạo chương trình chất lượng cao hơn mức bình quân cả nước sẽ được phép thu học phí cao hơn. Học phí khối ĐH, CĐ sẽ tăng dần; 5 năm, khung học phí có thể thay đổi một lần và đến 2010, học phí phải bù đắp được chi phí thường xuyên.

Hiện tại các trường ĐH, CĐ cả nước được phân theo 7 nhóm ngành: các trường thuộc khối khoa học tự nhiên và xã hội; nhóm các trường thuộc khối kinh tế-tài chính, ngân hàng, pháp lý, đa ngành và cộng đồng; nhóm các trường thuộc khối sư phạm; nhóm các trường thuộc khối nông, lâm; nhóm các trường thuộc khối y dược; nhóm các trường thuộc khối nghệ thuật-thể dục thể thao. Trên cơ sở xác định chi phí thường xuyên của 7 nhóm ngành nghề đào tạo làm cơ sở xác định mức học phí và hỗ trợ ngân sách Nhà nước đối với từng nhóm ngành. Như vậy, sẽ có 7 mức học phí đại học và với mức học phí mới, thí sinh phải cân nhắc kỹ việc lựa chọn các nhóm ngành khi dự thi vào các trường ĐH

Lo lắng về việc tăng học phí của nhiều phụ huynh và sinh viên là điều rất đáng cảm thông, nhưng trong khi thu không đủ chi, ngân sách nhà nước còn nghèo không thể cáng đáng được thì đứng trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo đại học, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, tăng học phí được các trường ĐH, CĐ coi là phương thức để tồn tại và phát triển thì việc huy động sức dân là điều khó tránh khỏi. Nhưng song song với tăng học phí, việc công khai tài chính trong các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp để người học được biết, để xã hội cùng giám sát là điều các nhà trường cũng nên làm.

Bạch Ngọc Dư (GD&TĐ)

Bình luận (0)