Sau một học kỳ GD mầm non Hà Nội “đông trường, nhiều lớp” hơn do Hà Nội được mở rộng, GD mầm non Hà Nội đang phải đối diện không ít khó khăn: Quá tải số lượng HS; thiếu giáo viên trực tiếp đứng lớp; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ không đồng đều; còn nhiều phòng học cấp 4, phòng học nhờ, học tạm; một số đơn vị thực hiện quản lý nuôi dưỡng, quản lý kinh phí chưa đúng nguyên tắc; quản lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục ở một số quận huyện còn hạn chế… PV GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lan Hương (Trưởng phòng GD Mầm non Hà Nội) về một số khó khăn, bất cập đã “thấy được” ở GD mầm non Hà Nội hiện nay.
PV: Hiện nay, ở Hà Nội đang rất thiếu trường, lớp mầm non, dẫn tới tình trạng quá tải số lượng trẻ/ lớp kể cả ở khu vực nông thôn và nội thành Hà Nội (có nơi lên tới 65- 70 trẻ/ lớp). Đó là mối lo ngại không chỉ của các cấp quản lý mà ngay với chính phụ huynh có nhu cầu gửi trẻ. Bà có thể cho biết GD mầm non Hà Nội cần tính tới giải pháp như thế nào để giải quyết tình trạng quá tải?
Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Việc huy động trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp ở Hà Nội hiện nay cao hơn rất nhiều so với cách đây 5 năm. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp hiện khoảng trên 25%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp khoảng trên 85%, đây là tỷ lệ huy động cao. Năm vừa qua Hà Nội thực hiện hợp nhất Hà Nội – Hà Tây, một số xã của tỉnh Hoà Bình và huyện Mê Linh của Vĩnh Phúc, trong khi đó nhu cầu cho con đi học mầm non của người dân lại càng cao. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là quỹ đất dành cho GD mầm non Hà Nội rất hạn chế, phòng, lớp còn thiếu. Ở các khu vực nội thành Hà Nội, các trường công lập, các trường bán công hiện đang chịu áp lực rất lớn trong vấn đề tuyển sinh. Số trường, lớp hiện có vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu gửi trẻ của người dân. Sở GD- ĐT cũng đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, làm sao để đảm bảo ít nhất mỗi phường, xã có một trường mầm non công lập, để vừa huy động được trẻ mầm non ra lớp vừa có điều kiện thực hiện phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi. Thêm nữa, ở khu vực nội thành hiện nay quỹ đất còn không nhiều, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo việc thiết kế, xây dựng trường mầm non không phải chỉ 2 tầng như trước đây nữa mà có thể xây dựng trường 3 tầng, thậm chí 4 tầng, để có thể đưa bếp, khu hiệu bộ lên tầng trên để dành tầng dưới cho các phòng học.
PV: “Điều lệ trường mầm non” mới đã được ban hành và áp dụng từ năm 2008, song thực tế cho tới thời điểm này với nhiều trường mầm non ở Hà Nội (kể cả loại hình công lập và ngoài công lập) thì nhiều quy định trong Điều lệ vẫn chưa thể thực hiện, như: Số trẻ tối đa trong một nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi: 15 trẻ, nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: 20 trẻ, nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ; số trẻ tối đa trong lớp mẫu giáo 3- 4 tuổi: 25 trẻ; lớp mẫu giáo 4-5 tuổi: 30 trẻ; lớp mẫu giáo 5 – 6 tuổi: 35 trẻ; hay quy định phòng sinh hoạt chung phải đảm bảo 1,5 – 1,8m2 cho một trẻ, phòng ngủ đảm bảo 1,2 – 1,5m2 cho một trẻ, phòng vệ sinh đảm bảo 0,4 – 0,6m2 cho một trẻ… Vậy làm sao để GD mầm non Hà Nội trong tình trạng khó khăn về quỹ đất để xây trường, lớp có thể vừa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân vừa thực hiện được các quy định?
Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Đã ra Điều lệ là phải thực hiện được. Thực ra trong Điều lệ đã cho phép có thể áp dụng diện tích tối thiểu là 1,5m2/trẻ. Nhiều trường mầm non Hà Nội về diện tích phòng, diện tích sân chơi, diện tích bếp, công trình vệ sinh… về cơ bản vẫn đạt được mức tối thiểu. Hiện nay Sở GD- ĐT đang xây dựng lại quy hoạch mạng lưới trường lớp của GD mầm non. Bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, nâng tầng, mở rộng diện tích… của trường mầm non công lập trong điều kiện cho phép, UBND thành phố đang tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện xã hội hoá GD, đa dạng hoá GD mầm non, tức là phát triển các loại hình trường, lớp dân lập và tư thục. Loại hình tư thục của mầm non Hà Nội đang phát triển rất mạnh.
PV: Trên thực tế, ở Hà Nội, các trường, lớp mầm non tư thục đang góp phần giảm tải cho các trường mầm non công lập. Tuy nhiên, nếu áp dụng Điều lệ trường mầm non thì lại rất nhiều trường, lớp mầm non tư thục không đáp ứng được tất cả các quy định, kể cả những trường đã có “thương hiệu” trong khối mầm non tư thục. Đó là chưa kể hiện còn 275 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục chưa được cấp phép nhưng vẫn đang hoạt động. Vậy Hà Nội đang làm gì để vừa XHH GD mầm non, vừa đảm bảo những quy định, yêu cầu về quản lý, chất lượng GD…?
* Thủ đô Hà Nội hiện có 775 trường mầm non (trong đó có 228 trường công lập; 357 trường bán công; 130 trường dân lập tư thục) và có 9948 nhóm lớp. * Khu vực nội thành Hà Nội hiện còn 6 phường chưa có trường mầm non. Hà Nội hiện còn thiếu khoảng 128 trường mầm non với khoảng gần 2700 nhóm, lớp (trong đó Hà Nội cũ thiếu khoảng 93 trường và khoảng 1600 nhóm, lớp; các đơn vị mới hợp nhất thiếu khoảng 35 trường và 1064 nhóm, lớp. * Trường mầm non nông thôn của Hà Nội có ít nhất 3 điểm lẻ và nhiều nhất 10- 15 điểm lẻ, có điểm lẻ cách khu trung tâm 2,5 đến 3 km. * Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ trong các trường mầm non giữa nội thành và ngoại thành, giữa các loại hình trường không đồng đều, có khoảng cách lớn. * GD mầm non Hà Nội hiện còn 2392 phòng học cấp 4, 1337 phòng học nhờ, học tạm; chiếm tỷ lệ 41,2%. |
Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Hiện nay ở Hà Nội đã có 130 trường mầm non dân lập và tư thục được cấp phép. Đây là những trường đủ điều kiện thì mới được cấp phép. UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo rất quyết liệt với UBND các quận, huyện việc tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển và kiểm tra, thẩm định các trường có điều kiện thì cấp phép. 100% trường dân lập, tư thục ở Hà Nội đã được cấp phép. Cái khó nhất hiện nay là các nhóm, lớp mầm non tư thục. Do nhu cầu gửi trẻ của người dân hình thành nên những nhóm, lớp mầm non tư thục. Số nhóm, lớp mầm non tư thục chưa được cấp phép hiện nay chủ yếu do hợp đồng thuê nhà còn có những khó khăn.
PV: Hiện Hà Nội vẫn còn chủ trường, lớp mầm non “nợ” chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn GD mầm non (hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý). Việc này cụ thể như thế nào thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Muốn làm chủ trường, lớp thì phải qua lớp bồi dưỡng về chuyên môn GD mầm non. Để giải quyết thực trạng quá tải ở mầm non, tạo điều kiện để người dân có nơi gửi trẻ, ngoài những điều kiện về trường, lớp, cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu, đảm bảo được an toàn cho trẻ, đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo… người chủ trường đang trong thời gian đi học chương trình chuyên môn, quản lý về mầm non, thì vẫn tạo điều kiện cấp phép để trường, lớp có thể hoạt động. “Nợ” chứng chỉ ở đây là chủ trường đã được đi học, đang theo học để lấy chứng chỉ (trong thời gian vài tháng), cấp phép hoạt động cho những trường hợp như vậy để tạo điều kiện cho họ và vẫn quản lý được hoạt động của trường, lớp và phụ huynh gửi trẻ vào trường, lớp mầm non yên tâm hơn.
PV: Thiếu giáo viên trực tiếp đứng lớp vẫn phổ biến trong các trường mầm non công lập và bán công tại Hà Nội, lại thiếu nguồn để tuyển GV. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện quy chế an toàn trong việc chăm sóc trẻ, ảnh hưởng đến quản lý nuôi dưỡng… Bà có thể cho biết rõ hơn về bất cập này?
Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Thiếu nguồn tuyển GV ở đây thực chất là do cơ chế chính sách, khi giải quyết tốt vấn đề cơ chế chính sách, các trường bán công chuyển sang công lập tự chủ, được hỗ trợ 2 triệu đồng/ GV toàn thành phố, tôi cho rằng sẽ là những điều kiện tốt để dần giải quyết khó khăn bất cập cho GD mầm non.
PV: Bộ GD- ĐT có quy định mỗi trường mầm non phải có nhân viên y tế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm có trình độ từ trung cấp y trở lên. Tuy nhiên, nhiều trường mầm non ở Hà Nội vẫn chưa thực hiện được quy định này. Theo bà, lý do là vì sao?
Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Chế độ đãi ngộ của mầm non còn thấp, đời sống của cán bộ, GV ngành mầm non nhìn chung là thấp. Vì thế, cán bộ y tế người ta thấy rằng thu nhập làm ở những nơi khác còn cao hơn làm ở cơ sở GD mầm non. Chúng tôi đang họp để có đề xuất về phát triển GD mầm non với thành phố, những trường mầm non đủ điều kiện có thể tuyển cán bộ, GV theo Thông tư 71 (trong đó có cả việc tuyển cán bộ y tế).
PV: Trong công tác quản lý GD mầm non Hà Nội trong học kỳ I vừa qua, bà có nêu một ý là “quyền lợi của trẻ mầm non chưa được quan tâm đầy đủ”. Bà có thể nói cụ thể hơn được không?
Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Ví dụ như vừa rồi có trường hợp trẻ bị ốm, mệt vẫn đến lớp. Như vậy kể cả phụ huynh cũng không quan tâm đầy đủ đến sức khoẻ của trẻ, lúc nào cũng muốn đưa đến lớp để có người, có cô giáo chăm sóc. Thế là trẻ ốm cũng chăm sóc như trẻ bình thường, cái đó thể hiện không đảm bảo đầy đủ quyền lợi của đứa trẻ.
PV: Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!
Hoàng Minh (GD&TĐ)
Bình luận (0)