Hội nhậpGiáo dục phát triển

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, TS Đặng Huỳnh Mai: “Ban hành chuẩn một cách hệ thống là rất cần thiết”

Tạp Chí Giáo Dục

Phát triển thể chất qua các trò chơi ngoài trời cho trẻ tại Trường mầm non Hoa Sen (HN). Ảnh: Họa My

Bộ GD&ĐT vừa ra dự thảo Thông tư ban hành “Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” với mục đích điều chỉnh chương trình dạy học, để GV và cha mẹ HS định huớng trong nuôi dạy trẻ, để làm căn cứ đánh giá các cơ sở GD mầm non… 125 chỉ số của 29 chuẩn được nêu ra đang tạo nhiều luồng ý kiến khác nhau. Chúng tôi đã phỏng vấn Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em VN, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai về vấn đề này.

Thưa bà Đặng Huỳnh Mai, đã từng nhiều năm trong vai trò “tổng tư lệnh” của ngành học mầm non, ý kiến đầu tiên của bà về Bộ chuẩn phát triển trẻ mầm non 5 tuổi” là gì?

Trước hết, phải thấy việc ban hành một bộ chuẩn phát triển trẻ là rất cần thiết. Thời đại ngày nay là thời đại chuẩn hoá, không lý gì muốn GD phát triển lại không có những bộ quy chuẩn cho từng đối tượng. Chúng ta đã có những bộ chuẩn cho GV như chuẩn nghề nghiệp GV tiểu học, mầm non, sắp tới sẽ là các bậc học khác. Khi xây dựng chương trình sách giáo khoa tiểu học mới, Bộ cũng đã ban hành ngay chuẩn kiến thức kỹ năng cho HS. Nay việc có bộ chuẩn phát triển cho trẻ mầm non 5 tuổi là quy luật và cần thiết. Tôi mong mọi nguời ủng hộ, góp ý kiến để dự thảo này trở thành Thông tư chính thức và sẽ có hiệu lực thi hành trong vòng 45 ngày kể từ ngày ký. Có lẽ đây là thời hạn để thu nhận ý kiến và hoàn thiện, vì quyền lợi và tương lai của trẻ em. Tất cả chúng ta hãy phát huy tinh thần trách nhiệm cao với con em chúng ta bằng việc đóng góp ý kiến xây dựng cho dự thảo được hoàn chỉnh để có thể ban hành chính thức, thực hiện đại trà.

Nhưng thưa bà tại sao lại chỉ mới có chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi mà không có chuẩn cho trẻ các lứa tuổi khác ở bậc học mầm non?

Hết lớp 5 tuổi là kết thúc bậc GD mầm non. Vì vậy cần phải xây dựng chuẩn sau khi kết thúc một giai đoạn để góp phần định hướng việc dạy trẻ ngay từ khi trẻ bước vào nhà trẻ hoặc mẫu giáo. Và GV cũng biết rằng cần phải dạy và dỗ sao cho đến cuối lớp 5 tuổi là đạt được các yêu cầu phát triển của trẻ thuộc lứa tuổi mầm non. Còn tiến tới, có lẽ chúng ta cũng sẽ phải chi tiết hơn nữa, xây dựng chuẩn về phát triển cho trẻ từng tuổi trong lứa từ nhà trẻ đến mẫu giáo.

Nếu coi đây là chuẩn phải thực hiện thì từ trước đến nay chương trình mầm non của chúng ta là chưa chuẩn hay sao? Và lấy gì để đánh giá sự phát triển bình thường hay không bình thường của trẻ?

Thực ra, việc đưa ra bộ chuẩn này là một sự hệ thống hoá lại tất cả những yêu cầu về phát triển thể lực, ngôn ngữ, tư duy, phẩm chất trí tuệ của trẻ ở bậc học mầm non. Xét cho cùng thì những mục tiêu này đã từng được thể hiện trong chương trình mầm non từ trước tới nay, kể từ ngày bậc học mầm non ra đời. Có điều nó nằm rải rác đây đó trong chương trình nuôi-dạy, trong hướng dẫn đánh giá…Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi không phải là một “phát minh” quá mới mẻ hoặc đột phá.

Như vậy thì việc xây dựng bộ chuẩn này là có dựa trên những cơ sở khoa học tiên tiến, phối hợp nhiều chuẩn đã từng được triển khai thực hiện…

Tôi đã tham khảo chuẩn của một số nước như Úc, Bỉ, Thuỵ Điển…Họ cũng xây dựng bộ chuẩn với nhiều tiêu chí và khi thực hiện chuẩn cũng gặp nhiều vấn đề phức tạp. Cho nên bộ chuẩn của ta có nhiều ý kiến khác nhau cũng là chuyện bình thường. Điều quan trọng là cần có sự phối hợp với y tế, thể dục thể thao, những chuyên gia xây dựng chương trình kết hợp với ý kiến đóng góp từ xã hội mà điều chỉnh, đồng thời với chương trình nuôi-dạy và yêu cầu phát triển của trẻ rồi mới đến yêu cầu đánh giá.

Thưa bà Đặng Huỳnh Mai, nhiều năm lăn lộn với GD ở cơ sở, bà đã dành sự quan tâm rất đặc biệt đến lứa tuổi mầm non. Theo bà, bộ chuẩn phát triển này đã phù hợp với trẻ 5 tuổi ở mọi vùng miền hay chưa?

Để có một bộ chuẩn phù hợp cho tất cả vùng miền là điều cực khó. Có lẽ chúng ta chỉ cần đưa ra các yếu tố cốt lõi nhất mà đối tượng nào cũng áp dụng được là tốt nhất. Theo kinh nghiệm và dựa trên kết quả nghiên cứu thì tôi muốn đề xuất là Bộ chuẩn nên tập trung vào 4 yếu tố: Một là yêu cầu phát triển thể lực; Hai là ngôn ngữ giao tiếp; Ba là phát triển trí tuệ (thông qua nội dung tìm hiểu môi trường sống và Làm quen với toán); và Bốn là giáo dục hành vi (phẩm chất và đạo đức sau này).

Sau đó, chúng ta cùng xác định việc sử dụng chuẩn để làm gì? Chuẩn trước tiên là để dạy, sau đó mới dùng để đánh giá sự phát triển của trẻ và cuối cùng là để điều chỉnh việc nuôi dạy cho tốt, chứ đừng nghĩ là đặt ra chuẩn là để lấy đó đánh giá các cơ sở giáo dục mầm non là đạt hay chưa đạt. Đánh giá một nhà trường sẽ có bộ chuẩn khác.

Vấn đề cơ bản nhất chính là việc tổ chức thực hiện bộ chuẩn này. Yêu cầu đầu tiên của chuẩn phát triển là để nuôi và dạy trẻ. Ví dụ dạy cho trẻ chạy thì tối thiểu phải đạt 18m trong thời gian 10 giây sau khi học xong lớp 5 tuổi. Hoặc như với tiêu chí là “không đồng tình với việc hút thuốc lá” thì chưa có trong chương trình dạy học, do đó cần bổ sung vào chương trình. ở nội dung này, tôi thấy người ta đã từng dạy cho đứa trẻ biết xua xua tay với người đang cầm điếu thuốc lá, bởi vì đây là điều cần thiết, mới phát sinh so với chương trình.

Yêu cầu thứ hai của chuẩn là để đánh giá kết quả thực hiện việc nuôi và dạy. Ví dụ đối với chuẩn thể lực là để giúp GV đánh giá xem HS của mình có phát triển bình thường không, hay suy dinh dưỡng, hay béo phì, hay phát triển tốt.

Yêu cầu thứ ba là để điều chỉnh quá trình nuôi-dạy trẻ. Ví dụ sau khi đánh giá trẻ bị suy dinh dưỡng thì GV cần có phác đồ dinh dưỡng và luyện tập vận động để trẻ phát triển bình thường trở lại.

Trân trọng cảm ơn bà.

Nguyễn Thị Trâm (GD&TD)

Bình luận (0)