Hội nhậpGiáo dục phát triển

Nói chung là: Sính ngoại, mất tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu thực hiện một khảo sát với đối tượng là những gia đình có điều kiện  dễ chừng cả 100% cùng "Đồng ý" trước phương án cho con du học hoặc học các "trường ngoại" trong nước? 

100% thì hơi quá nhưng chắc cũng đại đa số.

 

Chất lượng giáo dục (nước ta) đang có nhiều vấn đề nhưng cái cách người Việt Nam chọn "ngoại" thật lạ lùng. 

 

1. Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh vừa có buổi làm việc với các sở, ngành về trường học có yếu tố nước ngoài. Theo Sở Giáo dục – Đào tạo, hoạt động của các trường có yếu tố nước ngoài đang có "nhiều chuyện". Nhiều trường đăng quảng cáo dạy chương trình của Mỹ, Anh nhưng khi kiểm tra, ngành phát hiện họ chỉ dạy được chương trình Việt Nam. Nhiều trường "ăn nhờ, ở đậu", chất lượng giáo viên không đồng đều, chất lượng giảng dạy khó được kiểm chứng…

 

Hiện tại, TP Hồ Chí Minh có ba loại trường có yếu tố nước ngoài. Loại thứ nhất, chuyên dành cho con em người nước ngoài, dạy các chương trình nước ngoài. Loại thứ hai, trường dạy chương trình Việt Nam với cấu trúc theo chuẩn quốc tế. Loại thứ ba, trường dạy chương trình nước ngoài cho con em người nước ngoài nhưng có học sinh Việt Nam theo học. Ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đề nghị thành phố cần quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. "Trước đây ai vào đầu tư cũng được thì nay phải lựa chọn và có cơ chế hậu kiểm", ông Lịch kiến nghị.

 

2. Khoảng 5 năm trở lại đây, các hội thảo, triển lãm du học nước ngoài liên tục được tổ chức. Liên tục xuất hiện các trường đại học đến Việt Nam quảng bá tên tuổi, chiêu sinh. Kinh tế ngày càng phát triển, với tâm lý "tất cả vì tương lai con em", nhiều gia đình đổ không ít tiền bạc cho con cái. Trung bình mỗi năm, người Việt đầu tư hàng trăm triệu USD cho con em ăn học xứ người. Tất nhiên, bao gồm cả những gia đình đầu tư để "chống trượt" trường trong nước.

 

Hầu như ít ai hay, nhiều trường "bán hàng rong", như Sơn Đông mãi võ.

 

Đúng là bán hàng rong. TS Mark Ashwill, Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế Mỹ, đã từng nhiều lần cảnh báo các gia đình Việt Nam về những tuyệt chiêu lừa đảo của nhiều trường đại học ngoại chất lượng thấp tại Việt Nam. Rất nhiều trường chỉ chạy theo lợi nhuận trong khi khả năng cung cấp một sản phẩm giáo dục có chất lượng gần như bằng không. Đến mức, ông này nói nhiều bằng cấp của các trường này không giá trị bằng tờ giấy in ra.

 

Nói chung là như vậy…

 

Người Việt, mặc cảm lạc hậu sẵn có nên hễ Tây là thích, hễ "ngoại" là mê. Nhưng tin bạn mất bò, tin "ngoại" mất tiền. Mất cả đống tiền chứ không phải vài triệu bạc như trót tin cái trò đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ, đô la ra tiền Việt đương thịnh hồi này.

 

Đồ Nghệ (TPO)

Bình luận (0)