Ngày giỗ Tổ (10/3 ÂL), cả dân tộc cùng hướng về Đền Hùng như là đến với hồn đất nước, là cuộc hành hương về với cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên. Với ý thức "trăm con một bọc", biểu hiện cao đẹp nhất của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, gắn bó cộng đồng các dân tộc, mỗi chúng ta – dù Nam hay Bắc, dù miền ngược hay miền xuôi, dù người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam…
Có lẽ trên thế giới này hiếm có nơi nào lại có được hình thức tín ngưỡng thờ Tổ độc đáo như ở Việt Nam khiến chúng ta phải nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam, góp phần tạo nên hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Đó là truyền thống thờ gia tiên trong từng gia đình, thờ tổ họ của dòng họ, thờ Thành Hoàng của làng và thờ Tổ chung của đất nước ở Đền Hùng. Ngày Giỗ Tổ đang đến gần; người dân Việt Nam ta ở mọi miền đất nước và ở xa Tổ quốc, đều hướng về Đền Hùng, hướng về cội nguồn dân tộc với lòng biết ơn công lao các Vua Hùng và với niềm tin vào sự trường tồn và sức mạnh của dân tộc. Nhân dịp này, báo Giáo Dục TP.HCM trân trọng giới thiệu đến độc giả tập sử thi “Quốc Tổ Hùng Vương” của tác giả Huỳnh Uy Dũng.
SỬ THI QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG
(tiếp theo kỳ 5)
… Xin hồn chứng anh thương hồn lắm
Chẳng qua anh gánh nặng mẹ già
Nên đành đem mạng em ra…”
Lý Thông kể lể ì à một thôi
Sanh vỡ lẽ ra đời nó thế
Nhưng vốn khoan dung, chẳng để lòng (770)
Bèn đem hết chuyện thư hùng
Giữa rìu và rắn kể cùng Lý Thông
Lại khoe một cây cung vàng chói
Với đầy Tên cũng chói ánh vàng
Vốn là bửu bối Xà Vương
Mà chàng nhặt giữa đường trường trong đêm.
Thông nghe kể xong liền tựu kế
Rằng: “Thôi em làm bể chuyện rồi
Rắn kia vốn Tướng nhà trời
Đương kim Hoàng Thượng lãnh nuôi trong nhà
Thôi, em hãy liệu mà trốn gấp (781)
Còn mọi điều để mặc anh lo
Sanh nghe, sợ, chạy vắt giò
Để Lý Thông nọ lò dò đến kinh.
Đưa đầu rắn ra trình Thiên Tử
Rồi một phen tự sự kỳ công
Vua nghe, hớn hở bụng Rồng
Bèn đem chức tước Quận Công phong liền.
Thuở ấy có thiên kim công chúa
Tên Quỳnh Hoa tuổi độ tròn trăng (790)
Vua bèn mở hội hoa Đăng
Để cho công chúa chọn trang anh tài.
Nhưng hội tuyển kéo dài ba tháng
Mà chưa ai xứng đáng nòi tiên
Bấy giờ một buổi chiều êm
Quỳnh Hoa dạo bước Ngự Viên một mình.
Bỗng đâu Đại Bàng tinh xuất hiện
Cắp lấy nàng và biến lên mây
Thế rồi, trong chốn rừng cây
Nơi xưa, Thạch chọn nơi này quê hương. (800)
Như định mệnh mở đường ra thế
Thạch Sanh trong bóng xế ban chiều
Lòng tràn ngập nỗi cô liêu
Thẩn thơ thơ thẩn bước theo cơn sầu
Bỗng thoáng thấy giữa bầu xanh ngắt
Một Đại Bàng đang cắp người bay
Sẵn cung vàng ở trên tay
Thạch Sanh bèn kéo căng dây bật liền
Và, vút một mũi tên vút mạnh
Cắm ngay vào một cánh Đại Bàng (810)
Rồi từ vết máu hồng loan
Rồi sa xuống đất chỉ đàng người theo
Thạch Sanh cứ trèo đèo lội suối
Để tìm ra đầu mối yêu tinh
Xong xuôi ghi dấu địa hình
Rồi quay về túp lều tranh giữa rừng
Lại nói về Lý Thông sau lúc
Nhờ Mãng Xà một bước lên quan
Sống đời “dũng sĩ” nghênh ngang
Ngựa xe đủng đỉnh bạc vàng kiêu sa (820)
Cho tới lúc Quỳnh Hoa gặp nạn
Bị cướp đi mất dạng mất hình
Bấy giờ vua họp triều đình
Mà nghe văn võ đồng thanh một lời
Rằng Bệ Hạ có tôi hào kiệt
Đã từng phen tiêu diệt Xà Tinh
Vua nghe hợp lý hợp tình
Bèn gọi họ Lý đích danh trao lời
Rằng: “Ai giỏi bằng ngươi được nhỉ?
Trẫm giao ngươi xử lý việc này (830)
Tìm ngay công chúa về đây
Như tìm được sớm Trẫm rày gả cho”
Lý Thông được lời vua lo quá
Bèn nghĩ ra mưu lạ, vội về
Địa phương mình ở xưa kia
Bày ra một lễ hội hè rất vui
Có đủ thứ nước nôi rồng rắn
Tiếng Trống Đồng mươi dặm còn nghe
Bấy giờ ở chốn rừng kia
Thạch Sanh nghe tiếng rủ rê Trống Đồng (840)
Bèn tìm đến chỗ Thông mở hội
Kể cho nghe đầu cuối ngọn ngành
Lý Thông nghe rõ sự tình
Bèn ngọt ngào rủ Thạch Sanh lên đàng
Tìm đến chỗ Đại Bàng tinh dị…
Rồi sai binh lính mở miệng hang
Đoạn thòng xuống một chiếc thang
Và dụ cho Thạch “mở hàng” xung phong
Lòng Thạch vốn bao dung giản dị
Miễn “thành nhân chi mỹ” là vui (850)
Bèn không đo đắn lôi thôi
Cứ theo thang xuống tận nơi hang hùm
Và tìm gặp cô nàng công chúa
Bậc giai nhân đương độ xuân thì
“Ai xuôi gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không”
Vừa thấy mặt đôi lòng như đã
Bèn hẹn thề vàng đá ba sinh
Xong xuôi Thạch mới bảo Quỳnh
Và đem thuốc mê, thuốc lão Tinh Bàng (860)
Đoạn dẫn Nàng tới hang để sẵn
Định Nàng lên xong hẳn tới mình
Nào hay cái Gã nghĩa huynh
Đem con bỏ chợ tuyệt tình anh em.
Vừa mới thấy nàng lên khỏi vực
Gã đã cho binh rút thang liền
Thế rồi cho đủ đảo điên
Còn sai khiêng đá lấp liền miệng hang
Đoạn ra lệnh đưa nàng công chúa
Về kinh ngay hội ngộ vua cha (870)
Lại còn giận dỗi bảo là
Gã còn ở lại để mà trừ gian
Sau một buổi lềnh bềnh thu xếp
Gã Lý Thông mới lệnh về triều
Tâu rằng đã trảm xong yêu
Và đem công chúa về triều cho vua
Đúng cái lẽ họa vô đơn chí
Nàng Quỳnh Hoa long thể bất an
Vì không dưng vắng bạn vàng
Vì không dưng chịu đoạn tràng sinh ly (880)
Nỗi uất nọ sầu kia đã khiến
Nàng thốt không ra tiếng đành câm!
Và thế là cuộc hôn nhân
Giữa công chúa với quận công tạm đình
Lại nói chuyện Thạch Sanh hôm đó
Sau khi đưa công chúa lên thang
Tưởng rằng đời sắp sang trang
Ngờ đâu chớp tắt dây thang cuốn rồi
Tiếp theo đó một trời mưa đá
Đổ ầm ập lấp cả đường đi (890)
Thạch Sanh vô kế khả thi
Họa còn một cách là thi gan vàng
Đúng khi ấy Đại Bàng tỉnh dậy
Nhìn chung quanh và thấy kẻ thù
Gã liền mỏ tréo mồm tru
Rồi xông lên mổ quắm như Đại Bàng
Chiến đấu vốn nghề chàng họ Thạch
Bèn vươn rìu lượn lách đông tây
Cuối cùng một nhát rìu bay
Chém đứt phăng cái cổ tày cổ voi. (900)
Đại Bàng tinh thác rồi Thạch vội
Rảo nhanh chân tìm lối thoát thân
Chợt đâu gặp một tù nhân
Nằm trong một cũi sắt gần tắt hơi.
Thạch bèn rảo tới nơi ướm thử
Mới hay là Thái Tử Long Cung
Bị con yêu quái gian hùng
Lừa giam để tống tiền ông bố giàu.
Nên vội nhứt triền mau phá cũi
Để giúp người thoát khỏi lao lung (910)
Bấy giờ Thái Tử Long Cung
Bèn mời mọc Thạch ân công theo về.
Để rồi được Thủy Tề trọng vọng
Hứa mang cho chức trọng quyền cao
Nhưng Thạch chẳng tỏ chẳng hào
Chỉ xin nhận chút Ly Tao cây đàn.
Long Vương khôn giữ chàng ở lại
Bèn tiễn về lại mái nhà xưa
Nơi có túp lều nắng mưa
Và hai linh vị kính thờ Mẹ Cha. (920)
Bấy giờ lũ yêu ma tinh quái
Tinh Đại Bàng rồi lại ta tinh
Vốn dù thác vẫn chưa kinh
Vốn dù thác vẫn còn linh tinh hoài… (Còn tiếp)
Nguyễn Điệp (thực hiện)
Bình luận (0)