Tamya Arya, là vũ điệu cộng đồng rất quan trọng của người Churu, nhưng gần như bị lãng quên trong một thời gian dài, và mới “sống lại” mạnh mẽ trong những năm gần đây bởi người đàn bà “góa” có tên Touneh Ma Bio (57 tuổi).
Touneh Ma Bio đang thẩm âm bộ chiêng 3 của mình – Ảnh: Gia Bình
|
“Máu” từ nhỏ
Nhờ sự nổi tiếng này mà chúng tôi không mấy khó khăn khi tìm đến nhà Ma Bio tại thôn Diom A, xã Lạc Xuân (H.Đơn Dương, Lâm Đồng). Theo Ma Bio kể lại, chị được sinh ra và lớn lên trong gia đình ai ai cũng biết múa hát, chơi chiêng, nhưng vì là con gái út nên được mẹ cưng chiều không cho làm lụng việc gì kể cả việc đánh trống, chơi chiêng. Thế rồi một hôm, thấy mẹ và những người thân trong gia đình tấu chiêng, nhảy múa, tự nhiên đôi chân của chị không cưỡng lại được và cứ thế nhảy múa theo âm thanh của tiếng trống, nhịp chiêng… Thấy con diễn “xuất thần”, từ đó mẹ và các cậu bắt đầu truyền dạy múa hát, đánh cồng chiêng cho chị. Lên 8 tuổi, đôi chân của Ma Bio đã biết bước theo đúng nhịp trống, đôi tay biết đưa lên đúng nhịp chiêng và khi mới 10 tuổi đã biết cầm dùi đánh trống, đánh chiêng, rồi sau đó tham gia nhiều hoạt động lễ hội của làng.
“Khi đến tuổi bắt chồng, thời ấy “hủ tục” bắt phải lấy những người cận huyết thống là con cô, con cậu để giữ đất đai, nhà cửa chứ không được lấy người ngoài dòng tộc, mình không thích như vậy nên không bắt chồng mà sống độc thân cho đến nay”, Touneh Ma Bio cho biết. Và có lẽ vậy mà Ma Bio có nhiều thời gian hơn để giành cho cồng chiêng và những điệu múa của cộng đồng…
Lưu giữ và truyền lửa…
Theo ông Đặng Huệ Chí, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Đơn Dương, người Churu có 3 vũ điệu (Tamya) cơ bản là Arya (dùng trong lễ hội cộng đồng), Trumpo (trong lễ cúng), Pahkinang (mời khách), trong đó Tamya Arya là quan trọng nhất, phổ thông nhất. Tamya Arya được múa trong tất cả các lễ hội và thường xuyên sử dụng trong các hoạt động giao lưu, là vũ điệu mà đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em đều múa được. Với người Churu, biết đi là biết múa, vui cũng múa mà buồn cũng múa, trai gái Churu lớn lên dặt dìu trong điệu Arya, vậy mà có một thời gian dài Tamya Aria lặng im như “biến” mất khỏi đời sống văn hóa của đồng bào. Theo Ma Bio, do trong những năm 1980, 1990, kinh tế khó khăn, trình độ dân trí của đồng bào còn thấp và bị kẻ xấu lợi dụng nên xảy ra “nạn chảy máu cồng chiêng”, nhiều người đã mang chiêng, trống ra đập bỏ, bán đồng nát… nên nhiều bộ chiêng quý đã “đội nón” ra đi, những làn điệu dân vũ cũng thiếu vắng dần trong các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Khi có chủ trương về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (1998), Ma Bio dồn hết tâm sức cho việc nghiên cứu sưu tầm các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh sưu tầm, lưu giữ những bộ chiêng quý của làng, Ma Bio còn đứng ra thành lập đội chiêng, tổ chức tập hợp con cháu để truyền dạy lại những kiến thức mà mình tiếp thu được từ cha ông (đến nay đã truyền dạy hơn 75 người). “Tamya Arya có nhiều động tác nhưng rất đơn giản, dễ tập. Dù vậy các động tác tay, chân cũng phải theo trình tự rõ ràng, hòa nhịp phù hợp”, Ma Bio cho hay. Ngoài ra, Ma Bio còn cùng với con cháu tìm đến những nghệ nhân cao tuổi ở địa phương để trao đổi và nắm bắt “cái hồn” của các bài múa Churu, đi giao lưu với các bài múa hay khác của các dân tộc K’ho, Cil, Lạch, Bana, Êđê… rồi nghiên cứu vận dụng sáng tạo thêm cho các bài múa của dân tộc mình. Từ đó, tiếng chiêng, tiếng trống cùng với vũ điệu Arya đã trở lại với cộng đồng người Churu, và riêng đội chiêng của Ma Bio trở thành chủ lực đi lưu diễn khắp nơi.
“Các bài chiêng, bài múa đầy tính sáng tạo của chị Ma Bio được các nhà nghiên cứu đánh giá cao; các già làng vẫn khen là không những giữ được cái hồn, cái bản sắc mà còn làm tôn vinh thêm cái hay, cái đẹp của bài chiêng, vũ điệu Churu. Tamya Arya đầy quyến rũ, thực sự được “sống lại” mạnh mẽ, ngày càng có nhiều người trong và ngoài nước biết đến cũng nhờ một phần vào sự cống hiến của chị Ma Bio”, ông Đặng Huệ Chí cho biết.
Theo TNO
Bình luận (0)