Dù năm 2014 các lực lượng chức năng đã đấu tranh, bắt giữ khoảng 230.000 vụ hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả… nhưng theo đánh giá của các cơ quan chức năng tại cuộc đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9-4, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, kết quả đạt được chưa tương xứng với thực tế. Do vậy, thời gian tới, các biện pháp mạnh mẽ sẽ được thực hiện nhằm đẩy lùi vấn nạn này.
2.880 chai bia Heineken nhập lậu bị Chi cục Hải quan Khu thương mại Lao Bảo (Quảng Trị) bắt giữ vào chiều 9-4. Ảnh: VĂN THẮNG
Điều tra nghi vấn 26.000 tấn thịt trâu nhập khẩu… biến mất
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), năm 2014, lượng thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ và một số nước khác vào Việt Nam qua tờ khai hải quan là trên 26.000 tấn. “Thế nhưng, trên thị trường “các lực lượng chức năng và người tiêu dùng có thấy bán thịt trâu nhập khẩu không, hay khối lượng thịt trâu này đã được làm giả thành thịt bò để đưa vào thị trường tiêu thụ cũng như vào các bếp ăn tập thể?”, ông Nguyễn Văn Cẩn nói. Ông Nguyễn Văn Cẩn cũng đặt câu hỏi: Vào các bếp ăn, nhà hàng liệu có bán đúng thịt bò được nhập khẩu từ Australia, Mỹ hay không? Trước nghi vấn này, ông Nguyễn Văn Cẩn cũng cho biết, vấn đề này sẽ được Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, công an điều tra làm điểm thời gian tới.
Một vụ điển hình khác liên quan đến hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả được Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu làm rõ. Đó là việc vừa qua lực lượng quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ lô hàng 8 tấn bao bì giả mạo để đóng gói mì chính Ajinomoto nhưng đối tượng chỉ bị xử lý hành chính. Trong khi, theo quy định, hàng vi phạm có trị giá 30 triệu đồng phải xem xét xử lý hình sự. “Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị Tổng cục Cảnh sát “lôi” vụ này ra. Chúng ta phải làm rõ lô hàng đó trị giá bao nhiêu, sẽ đóng được bao nhiêu tấn mì chính lừa người tiêu dùng, sản xuất và nhập khẩu ở đâu, bán cho ai… chứ không chỉ đơn thuần là việc bao bì giả”, ông Nguyễn Văn Cẩn nói.
Hai vụ điển hình nêu trên cho thấy công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đầy “cam go” và không thể “giải quyết được ngày một ngày hai” như ví von của đại diện nhiều cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Văn Cẩn cũng thừa nhận, so với tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép, hàng giả, gian lận thương mại thì kết quả bắt giữ 230.000 vụ còn chưa tương xứng. Bởi lẽ, hàng giả vẫn được bày bán tại nhiều nơi. Nguyên nhân là do các lực lượng chức năng, một số địa phương chưa vào cuộc; chưa có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, hiệp hội, người tiêu dùng…
Còn theo ông Trần Đức Vĩnh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46), năm 2014, cục đã điều tra, thụ lý 96 vụ, trong đó đã truy tố 3 vụ. Nguyên nhân khiến cho nhiều vụ không thể xử lý hình sự là do vướng mắc về pháp luật. Khái niệm hàng giả đến nay vẫn có nhiều văn bản định nghĩa khác nhau dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho rằng, những bất cập trong quy định về nhãn hàng hóa và chế tài đang là nguyên nhân khiến hàng giả thẩm thấu vào nội địa. Chẳng hạn, theo Nghị định 89 về nhãn hàng hóa có quy định nếu nhãn hàng hóa trên sản phẩm không ghi đủ sẽ phải ghi thêm bổ sung, không bị phạt. Chính điều này đã tạo kẽ hở cho việc ghi thông tin bổ sung giả mạo.
Không có hóa đơn bị coi là hàng lậu
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, muốn đấu tranh với hàng giả, gian lận thương mại thì vai trò của hiệp hội, doanh nghiệp rất quan trọng vì không ai hiểu rõ hơn những doanh nghiệp bị xâm phạm. Thế nhưng, các hội thảo về vấn đề này “chỉ thấy quan chức chứ có ai nữa đâu” và “doanh nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Điều đó cho thấy, cần có sự tuyên truyền hơn nữa để nâng cao ý thức cộng đồng, quan hệ chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
“Không có nước nào doanh nghiệp bị làm hàng giả sản phẩm của mình mà vẫn thờ ơ như ở Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Cẩn bình luận khi chia sẻ quan điểm với ông Lê Thế Bảo. Các doanh nghiệp biết hàng giả nhưng chỉ có vài ba doanh nghiệp quan tâm đề nghị cơ quan chức năng chống hàng giả vào cuộc. “Như vậy có hay không một bộ phận nhỏ doanh nghiệp tiếp tay cho đối tượng làm hàng giả vào tiêu thụ? Hay là có những doanh nghiệp làm ăn chân chính sợ tuyên truyền sản phẩm của mình bị làm giả sẽ ảnh hưởng đến doanh thu”, ông Nguyễn Văn Cẩn bày tỏ quan điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, tới đây, theo hướng dẫn của liên bộ Tài chính – Công thương – Công an, các hàng hóa từ biên giới về nội địa mà không có hóa đơn thì coi đó là hàng lậu thay vì chờ xác minh như hiện hành. Bên cạnh đó, cùng với cơ chế hải quan một cửa quốc gia, tháng 5 này, các thông tin về tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa sẽ được cung cấp đầy đủ cho các lực lượng chức năng để kiểm tra, giám sát hàng hóa đi vào nội địa. Cùng với đó là sự vào cuộc của quản lý thị trường, công an, thuế, đặc biệt là chính quyền địa phương thì sẽ đẩy lùi được nạn này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, đặt câu hỏi: Tại sao lô hàng giả lại qua được hải quan, vẫn lọt lưới? Từ đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để chống vấn nạn này, cần đề cập mạnh hơn yếu tố con người bởi yếu tố này liên quan đến tham nhũng, kiểm tra, kiểm soát.
HÀ MY
(SGGP)
Bình luận (0)