Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số trường hợp tử vong do bệnh dại năm 2014 đã giảm 38% so với năm 2013, với 66 trường hợp tử vong do bệnh dại. Năm 2014 là năm có số tử vong do dại thấp nhất trong 10 năm vừa qua.
Những tỉnh, thành phố có số người tử vong cao như Nghệ An (10 trường hợp), Hà Nội (5 trường hợp), tiếp theo là Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu…
Nhân viên thú y tại tỉnh Yên Bái hướng dẫn người dân khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng đầy đủ. (Ảnh: TTXVN)
Trong năm 2014, số người tiêm vắcxin phòng dại sau khi bị chó nghi dại cắn đã lên tới 399.053 người, cao hơn 11% so với năm 2013.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, với nguồn truyền bệnh chính là chó và đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Trong những năm gần đây bệnh dại luôn nằm trong số những bệnh truyền nhiễm có số trường hợp tử vong cao nhất.
Trong năm 2007 đã ghi nhận 131 trường hợp tử vong, riêng trong năm 2013 số tử vong do bệnh dại mặc dù đã giảm song vẫn ghi nhận tới 105 trường hợp tử vong do bệnh dại gây ra.
Ngành y tế đang hướng tới mỗi huyện có ít nhất một điểm tiêm giúp người dân tăng cường tiếp cận dịch vụ tiêm vắcxin phòng dại. Năm 2014, số điểm tiêm vắcxin phòng dại đã tăng từ 592 điểm năm 2012 lên 656 điểm tiêm trong năm 2014.
Để tăng cường công tác phòng chống bệnh dại, nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm đã có những sự đầu tư kinh phí đáng kể vào công tác phòng chống bệnh dại như Yên Bái, Nghệ An, Sơn La, Hà Giang, Điện Biên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội… với số tiền cấp cho công tác phòng chống dại tại mỗi tỉnh lên đến hàng trăm triệu và hàng tỷ đồng.
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh, khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hầu hết các trường hợp tử vong do dại là do không đi tiêm phòng dại sau khi bị chó nghi dại cắn. Các trường hợp tử vong tập trung chủ yếu ở các đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa do không có nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dại và sự lưu hành các ổ dịch dại trên chó, đặc biệt hiện tượng chó thả rông và không được tiêm vắcxin đầy đủ còn khá phổ biến.
Để tiếp tục giảm số trường hợp tử vong do bệnh dại trong năm 2015, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc thúc đẩy triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dại, nhất là việc tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành vi của người dân một cách mạnh mẽ hơn nữa trong việc đi tiêm phòng bệnh dại cho người khi bị chó nghi dại cắn cũng như việc quản lý đàn chó và tiêm vắcxin phòng dại cho chó./.
THÙY GIANG
(VIETNAM+)
Bình luận (0)