Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ma túy ẩn hình đe dọa giới trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Bài 2: “Đổ bộ” vào Việt Nam
Thời gian gần đây, ở nước ta đã xuất hiện hiện tượng nhiều trẻ em, thanh niên sử dụng khí hóa chất (KHC) để tìm cảm giác “lên mây”. Nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời thì nó sẽ trở thành một “đại dịch” nguy hiểm đầu độc giới trẻ.
Hiểu rõ tác hại để ngăn ngừa
Lạm dụng KHC sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong. KHC hít vào chiếm chỗ của dưỡng khí trong cơ thể và làm cho người sử dụng bị nghẹt thở. Các loại KHC hít vào phổi cũng khiến cho tim làm việc quá sức vì đập nhanh và không đều. Tình trạng này có thể đưa đến đứng tim. Hít KHC làm chậm các hoạt động của cơ thể và gây nên những cảm giác “ngây ngất kéo dài chỉ trong vài phút, hoặc vài giờ nếu cứ hít liên tục”. Ban đầu, người sử dụng có thể cảm thấy được kích thích nhưng nếu hít đủ lượng KHC vào thì có thể bị chết vì tim ngừng đập.
Làm gì để ngăn chặn việc trẻ em lạm dụng KHC là vấn đề được các bậc phụ huynh rất quan tâm. Trẻ em có thử những thứ độc hại này hay không, phần lớn tùy thuộc vào các bậc cha mẹ. Mặc dù 9 trong số 10 phụ huynh được hỏi đều nói rằng họ có nói chuyện với con em mình về tác hại của sự lạm dụng ma túy, nhưng chỉ một phần ba trong số họ đề cập việc sử dụng KHC. Các bậc phụ huynh phải tự tìm hiểu về những nguy hại của các loại KHC hít vào phổi và các loại ma túy khác. Hãy làm quen với những loại sản phẩm mà trẻ em có thể lạm dụng và cảnh báo hậu quả của việc lạm dụng. Phải biết rằng khi được sử dụng đúng đắn (ví dụ như thông gió đúng cách, dùng mặt nạ và bao tay) thì những hóa chất dùng trong nhà sẽ an toàn. Nhưng một khi trẻ con chủ ý dùng những sản phẩm này để “lên mây” thì những sản phẩm đó trở thành nguy hiểm. Hãy trò chuyện nhiều hơn với con em mình về những nguy hại và hậu quả của việc sử dụng các loại KHC. Hỏi thử các em biết gì về các loại KHC hít vào phổi và lắng nghe các em để kiểm tra kinh nghiệm mà các em có. Không nên phản ứng nóng nảy để tránh trường hợp các em không còn muốn nói chuyện với chúng ta nữa. Nếu con em mình nói những điều có tính thách thức hoặc làm chúng ta tức giận, thì nên phản ứng với lối nói chuyện dịu dàng, giải thích rõ tại sao người ta sử dụng ma túy, cũng như những rủi ro và nguy hại mà họ gặp phải. Nên phân tích cho các em biết sự khác biệt giữa việc sử dụng các sản phẩm gia dụng với việc hít và hớp các loại hơi bốc để “chứng tỏ mình” và “lên mây”. Nên nói cho các em biết là hít các loại KHC có thể dẫn đến tử vong.
Song song đó, chúng ta phải nhận ra ảnh hưởng của mình trong đời sống con em mình, tức là tìm ra chỗ đứng của chúng ta ở đâu trong suy nghĩ của các em. Những chương trình giáo dục về ma túy tại trường học không phải là nguồn tài liệu ngăn ngừa ma túy duy nhất của các em. Là cha mẹ, chúng ta là những người có nhiều ảnh hưởng nhất trong đời sống của con em mình, quan trọng hơn bạn bè của các em, thầy cô giáo hay những người lớn khác. Việc nói với con em mình là đừng bao giờ hít hoặc hớp bất cứ loại KHC gì để “lên mây” có thể cứu được mạng sống của các em.
Giới trẻ đang bị “đầu độc”
Những tác hại khác của việc lạm dụng các loại KHC là: mất thính giác, tay chân co thắt, hư hỏng tủy xương, hư gan và thận, hư hỏng não bộ…
Một thực trạng đau lòng hiện nay ở nước ta là có một bộ phận giới trẻ bị “lạc bước” và thiếu định hướng cho tương lai mình. Các em này không tích cực tham gia học tập, lao động kiếm sống mà lại lao vào những tệ nạn như dùng ma túy, lạm dụng các loại KHC để tìm “mục đích của cuộc đời”.
Vụ ngộ độc do lạm dụng KHC gần đây xuất hiện ở TP.HCM đã khiến dư luận cả nước xôn xao. Nghe lời rủ rê của bạn bè, N.V.Hưng (20 tuổi, trú tại huyện Bình Chánh) đã dùng khoảng 15 ml xăng trộn với dầu lửa tiêm vào tay để tìm cảm giác cực “phê”. Nhưng thay vì được “lên mây”, Hưng đã lăn ra vật vã, đau đầu dữ dội và nôn ói. Tại khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu (Bệnh viện Nhân dân 115), bệnh nhân này quằn quại kêu đau với cánh tay trái viêm đỏ, sưng tấy. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân rơi vào một trong các tình huống sau: hoặc xăng đã được tiêm vào tĩnh mạch hoặc tiêm nhầm vào động mạch; cũng có thể bị một phần vào tĩnh mạch một phần vào cơ. Các biện pháp cấp cứu tích cực nhằm khống chế tối đa khả năng gây hoại tử cánh tay hoặc tắc động mạch phổi, viêm màng trong nội mạc tim… đã được các bác sĩ áp dụng. Sau 4 ngày nhập viện, bệnh nhân này đã hoàn toàn bình phục.
Trò chuyện với các bác sĩ, bệnh nhân này thừa nhận đã nghiện ma túy từ hơn một năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên anh ta sử dụng dung dịch lạ trên. “Các bạn em nói tiêm thử đi sẽ rất “phê”. Tưởng các bạn nói thật, với lại lúc đó em đang lên cơn thèm thuốc nên tiêm luôn”, Hưng cho biết. Bố của Hưng cũng đã chứng kiến tận mắt cảnh con trai mình lấy xăng pha với dầu hỏa rồi hút vào ống tiêm chuẩn bị tiêm, nhưng ngăn không được vì Hưng cầm “của quý” bỏ chạy. Không lâu sau thì người cha này đã thấy con mình nằm vật vã dưới thềm nhà. Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, đây là ca tiêm xăng được cứu sống hy hữu. Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên có trường hợp người tự tiêm xăng vào cơ thể ở Việt Nam.
Nếu ngay bây giờ gia đình, nhà trường và xã hội không kịp thời có những biện pháp ngăn chặn thì nạn lạm dụng KHC sẽ trở thành một “đại dịch” khó kiểm soát trong giới trẻ nước ta.
NGUYỄN TRÍ (tổng hợp)
Những biện pháp ngăn ngừa con em mình lạm dụng KHC: Phải biết con chúng ta ở đâu, đặc biệt là sau giờ tan trường; nên biết về bạn bè của con mình và gia đình của các em này; nên cho con em tham gia những sinh hoạt có người lớn trông coi sau giờ tan trường (là thời gian mà các em dễ chơi thử ma túy nhiều nhất).
 

Bình luận (0)