Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trung Quốc: Số tiến sĩ tăng nhảy vọt – đáng mừng hay đáng lo?

Tạp Chí Giáo Dục

Trao bằng tiến sĩ.  Ảnh: I.T

Hiện nay, Trung Quốc trở thành nước đào tạo nhiều tiến sĩ nhất thế giới, nhưng chất lượng đào tạo đang là vấn đề được đem ra phân tích, đánh giá. 
Trung Quốc đang vượt Hoa Kỳ về số tiến sĩ được đào tạo, và vươn lên hàng đầu thế giới. 310 trường đại học ở Trung Quốc được phép cấp bằng tiến sĩ, so với 253 trường ở Hoa Kỳ. 
Chính các trường đại học Trung Quốc cũng e ngại về hiện tượng số tiến sĩ tăng lên nhảy vọt, vì sợ chất lượng không đi đôi với số lượng. Nhiều nhà khoa học có uy tín đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ sự kiện “số tiến sĩ nhảy vọt”. Họ cho rằng điều này chứng tỏ ngành giáo dục thiếu trách nhiệm với xã hội, và kinh phí dành cho sự nghiệp giáo dục đã bị sử dụng sai mục đích. Họ còn cho rằng, “thành tích” này xuất phát từ nhận thức không đúng về chất lượng của học hàm tiến sĩ.
Truyền thông Trung Quốc đã đưa ra một tin có thật nghe khá “sốc”: Bằng tiến sĩ đầu tiên về nghệ thuật ẩm thực ở Trung Quốc được cấp cho luận án về “Nghiên cứu quan hệ biện chứng giữa hương vị món ăn và nhiệt độ nấu nướng”! Chưa hết! Lại có luận án với đề tài “Vị trí của thị trường rau trong các thành phố”. Đề tài các luận án đó làm nhiều người tự hỏi: không biết luận án tiến sĩ là luận án gì, để làm gì?
Một điều đáng lo nữa là ngày nay một giáo sư phải hướng dẫn luận án cho 20 thí sinh, trong khi trước kia mỗi giáo sư chỉ hướng dẫn cho 2 hoặc 3 người. Do đó giáo sư chỉ có thể làm việc với thí sinh vài phút mỗi ngày. Thế mà các tân tiến sĩ đó lại sẽ trở thành giáo sư trong tương lai, thì liệu chất lượng giáo dục cho những thế hệ tiếp nối sẽ ra sao?
Trên một nhật báo xuất bản ở Thượng Hải, một yếu nhân chính phủ phụ trách về học hàm đại học cho biết: “Trước kia 90% tiến sĩ muốn làm việc ở trường đại học, hoặc trong các viện nghiên cứu, ngày nay hơn một nửa làm việc trong bộ máy chính quyền”. Một bài trên blog viết: “Nếu có chuyên môn thích hợp, thì người có bằng tiến sĩ xin vào làm việc trong cơ quan nhà nước chẳng khó khăn gì. Nhưng nếu tất cả tiến sĩ, với hành trang khoa học đầy ắp, lại lao vào kiếm việc ở cơ quan nhà nước, thì ai làm công tác nghiên cứu?”.
Một giáo sư ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc lưu ý: “Do nhiều lý do khác nhau, chủ yếu là về kinh tế, nhiều tiến sĩ muốn vào làm việc ở cơ quan nhà nước, vì ở đó họ “leo lên” nhanh hơn là làm việc ở Viện Nghiên cứu. Nhiều người đỗ được bằng tiến sĩ cũng xuất phát từ cơ quan nhà nước hay tổ chức chính trị”. Nhiều nhà tuyển dụng bắt đầu đòi hỏi cao yêu cầu về bằng cấp trong những công việc chẳng cần gì đến bằng cấp ấy. Từ đó nảy sinh tâm lý thúc giục các trường đại học đào tạo cho thật nhiều tiến sĩ, không cần chú ý mấy đến chất lượng, thậm chí có nhiều giám đốc xí nghiệp,và thủ trưởng cơ quan liên hệ với các trường đại học để kiếm cách có bằng tiến sĩ như ai!
Trong hoàn cảnh như vậy, việc dư luận lên tiếng về chất lượng bằng tiến sĩ là rất hữu lý!
Không phải Trung Quốc không cần đào tạo nhiều tiến sĩ, và không tôn trọng học hàm đó, nhưng điều bức xúc hiện nay là: Làm sao nâng cao chất lượng học hàm tiến sĩ, làm cho nó có giá trị thực chất trong bậc thang tài sản trí tuệ của quốc gia. 
Vấn đề không phải là cấp được bao nhiêu bằng tiến sĩ, mà bao nhiêu tiến sĩ có công trình nghiên cứu được quốc gia và quốc tế công nhận do tính khoa học và thực tiễn, giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống.
Phan Thanh Quang
(Theo Courrier international)

Bình luận (0)