Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Thành phố trong rừng

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, ở nước ta duy chỉ có Đà Lạt – thành phố (TP) cao nguyên với nét đặc thù độc đáo rất riêng và được mệnh danh: “TP trong rừng, rừng trong TP”. Một nhà khoa học cũng đã nói “Đà Lạt – TP trong rừng, một TP phi đô thị”…

TP ôn đới trong vùng nhiệt đới

Nói đến Đà Lạt, có lẽ không chỉ đối với người Việt Nam mà dường như bạn bè trên thế giới đều dành nhiều tình cảm yêu mến TP thơ mộng, xinh đẹp này. Một vùng đất từ buổi hoang sơ sau khi được phát hiện, được người Pháp chọn làm nơi nghỉ dưỡng – một “tiểu Paris”, dần dần trở thành nơi sinh sống, nghỉ dưỡng của người Việt… Đến nay, sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, Đà Lạt trở thành một TP du lịch độc đáo, nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước.

Đặc trưng của Đà Lạt là cảnh quan thiên nhiên, môi trường, khí hậu, hoa tươi… Trong đó, rừng là hồn cốt, là yếu tố tạo nên cảnh quan tự nhiên, điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và văn hóa bản địa. Không có rừng – không có Đà Lạt; nói cách khác, không có rừng, không thể có một Đà Lạt – TP trong rừng! Gần đây, trong nhiều cuộc hội thảo khoa học về văn hóa Tây nguyên, các nhà khoa học đã khẳng định: đối với Tây nguyên, rừng là tài sản vô giá; người Tây nguyên có một mối quan hệ đặc biệt với rừng; giữa rừng và làng; giữa rừng với văn hóa…

Theo tài liệu, hiện nay trên địa bàn TP.Đà Lạt có 22.320ha diện tích rừng phòng hộ tự nhiên; trong đó, đất có rừng 18.284ha, đất chưa có rừng là 4.036ha. Trong diện tích đất có rừng, rừng tự nhiên chiếm 13.446ha (gồm 2.197ha rừng lá rộng, 11.042ha rừng lá kim, 19ha rừng cây gỗ rụng lá, 120ha rừng hỗn giao…). Các yếu tố tự nhiên đã góp phần hình thành một thảm thực vật với các kiểu rừng: Rừng lá rộng gồm các loại cây gỗ lá rộng sống ở độ cao trên 1.000m; rừng lá kim (rừng thông) bao gồm rừng thông 3 lá, thông 2 lá dẹt, thông 5 lá… được xem là loại cây đặc hữu của vùng rừng Đà Lạt.

Rừng ở Đà Lạt có chức năng phòng hộ đầu nguồn cho vùng Đông Nam bộ và các tỉnh ven biển cực Nam Trung bộ; góp phần bảo tồn các giá trị về đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng trên cao nguyên Lâm Viên và các giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch, tham quan, đào tạo, nghiên cứu khoa học… Rừng nội ô TP.Đà Lạt phân bổ trên địa bàn các phường, xã thuộc 7 tiểu khu với 431ha. Chính diện tích rừng nội ô là yếu tố quyết định đến đặc điểm “rừng trong TP, TP trong rừng” của Đà Lạt…

Có độ che phủ của rừng (chiếm 69% tổng diện tích của TP), khí hậu quanh năm ôn hòa, Đà Lạt mang dáng dấp một TP ôn đới trong vùng nhiệt đới. Những yếu tố chính tạo nên cảnh quan Đà Lạt là địa hình cao nguyên, không gian mặt nước của các suối hồ, không gian kiến trúc và nền xanh phong cảnh của rừng thông, thảm cỏ. Đà Lạt với phong cách kiến trúc Pháp có phần pha trộn kiến trúc Á Đông là nét rất riêng, là hồn cốt của Đà Lạt. Nhờ có rừng và khí hậu mát lạnh quanh năm, Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng, hội thảo… của cả nước. Rừng trong nội thị hay ngoại vi TP Đà Lạt đều có chức năng rất quan trọng trong việc giữ gìn một Đà Lạt nên thơ, xinh đẹp, hài hòa giữa thiên nhiên với con người trong cuộc sống đương đại…

Rừng sẽ là văn hóa của kiến trúc đô thị mới

Đà Lạt may mắn được thiên nhiên ưu đãi và sở hữu một di sản kiến trúc giá trị, ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ XX. Từ một đô thị nghỉ dưỡng do người Pháp xây dựng, đến nay Đà Lạt trở thành một TP du lịch nổi tiếng với những đặc trưng rất riêng và độc đáo không thể tìm thấy ở bất cứ TP nào…

Lịch sử phát triển quy hoạch đô thị Đà Lạt nửa đầu thế kỷ XX gắn liền với sự phát triển nghệ thuật quy hoạch đương đại của thế giới và mang dấu ấn Pháp. Từ chương trình xây dựng Đà Lạt của Toàn quyền Paul Doumer, đồ án tổng quát áp dụng phương pháp quy hoạch phân khu chức năng của thị trưởng Paul Champoudry, đến bản quy hoạch của các kiến trúc sư (KTS): Hébrard (năm 1923), Pineau (năm 1933), Mondet (năm 1940) và Lagisquet (năm 1943). Trong các đồ án quy hoạch này, yếu tố thiên nhiên của Đà Lạt được tôn trọng tuyệt đối, Đà Lạt một TP nghỉ dưỡng kiểu mẫu gắn với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa. Tuy mang dấu ấn kiến trúc Pháp, nhưng các kiến trúc sư người Pháp khi thiết kế công trình đã chịu ảnh hưởng của đặc điểm thiên nhiên, đặc biệt về khí hậu, thời tiết và cảnh quan môi trường của Đà Lạt. Và, dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, nhưng hầu hết các công trình nổi tiếng của Đà Lạt đều hài hòa với thiên nhiên, tạo nên những nét chấm phá trong bức tranh cảnh quan của TP cao nguyên này…

Từ sau năm 1975 đến nay, có một số đồ án quy hoạch Đà Lạt để phù hợp với yêu cầu của sự phát triển. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị Đà Lạt như thế nào vừa đảm bảo cho sự phát triển của một đô thị hiện đại, vừa không phá vỡ nét đặc trưng độc đáo riêng có tồn tại trong hoài niệm của người dân bản địa ở TP này hơn một thế kỷ qua? Đây là vấn đề cần thận trọng, đòi hỏi phải nghiên cứu thật kỹ và không phải chuyện ngày một ngày hai. Từ năm 2006 đến năm 2010, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã hai lần lập đề án quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng và nâng cấp TP.Đà Lạt thành TP trực thuộc Trung ương, được Bộ Xây dựng đồng ý và trình Chính phủ phê duyệt…

Băn khoăn chung của các nhà khoa học về quy hoạch kiến trúc Đà Lạt như thế nào vừa đảm bảo mục đích phát triển vừa giữ được hồn phách của TP trong rừng, TS. Nguyễn Chí Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước Việt Nam – đã viết: “Một đô thị hiện đại, văn minh, đẳng cấp trước hết thể hiện ở cách ứng xử của con người với rừng và thiên nhiên”. Quan điểm của các nhà kiến trúc, các nhà khoa học là phải lấy yếu tố “rừng” và cảnh quan thiên nhiên của Đà Lạt làm đối tượng quan tâm đặc biệt trong công tác quy hoạch. “Rừng sẽ là văn hóa của kiến trúc đô thị mới”. Và, TS. Nguyễn Chí Thành gợi mở: “Đô thị Đà Lạt cần đặt ra tiêu chuẩn diện tích xanh tối thiểu cao hơn gấp đôi các đô thị khác của Việt Nam”.

Biết rằng, không thể “mặc hoài chiếc áo cũ”; tuy nhiên, khoác trên mình “áo mới” mà vẫn giữ được hồn cốt, nét đặc trưng riêng vốn quý là vấn đề cần lắm sự lưu tâm…

Thanh Dương Hồng

Bình luận (0)