Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997
Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ vụ nổ của bong bóng kinh tế Thái Lan. Bong bóng này được thổi lên từ các dòng đầu tư ngắn hạn nước ngoài hòng tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng từ thị trường Thái Lan đang mở rộng cửa chào đón. Khi bong bóng nổ, các nhà đầu tư nước ngoài vội vã rút tiền khỏi Thái Lan và một loạt nước mới nổi khác trong khu vực. Cuộc khủng hoảng vì thế lan sang Inđônêxia, Malayxia, Philipin.
Các nước này đều rơi vào suy thoái kinh tế năm 1997, đạt đáy năm 1998 và khôi phục dần vào năm 1999. Tác động của suy thoái kinh tế ảnh hưởng tới các lĩnh vực xã hội, trong đó giáo dục cũng đứng trước nguy cơ bất ổn. Đó là vì, mặc dù các nước đều cố gắng duy trì sự ưu tiên đầu tư cho giáo dục, nhưng do GDP đi xuống thậm chí đạt -8% đến -14% vào năm 1998, nên chi ngân sách cho giáo dục giảm sút đáng kể.
Điều đáng nói là chính trước áp lực của khủng hoảng, giáo dục các nước đã khôn khéo tìm ra lối đi riêng cho phát triển. Trước hết là sự gia tăng về đóng góp của khu vực tư nhân cho giáo dục: ngay đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ đóng góp của khu vực tư nhân cũng đạt tới khoảng 30% tổng chi giáo dục. Tiếp nữa cơ chế tài chính cho giáo dục được xem xét lại với những đánh đổi cần thiết để đảm bảo các khoản chi sao cho quy mô giáo dục phát triển bền vững mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Dĩ nhiên lời giải của bài toán này rất khác nhau tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng nước.
Malayxia là một ví dụ thành công về việc biến thách thức của khủng hoảng thành cơ hội cho phát triển giáo dục. Vào đầu những năm 1990, chỉ có 7,2% sinh viên Malayxia theo học các trường đại học trong nước. Hàng vạn sinh viên du học nước ngoài, với chi phí khoảng 800 triệu USD một năm. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã buộc các sinh viên này quay về tìm con đường học vấn trong nước. Nắm lấy cơ hội này, nhà nước Malayxia chủ trương đẩy mạnh tư nhân hoá giáo dục và tái cơ cấu giáo dục đại học, đồng thời tăng cường hỗ trợ trong định hướng quốc tế hoá giáo dục, nhờ vậy đã chuyển đất nước từ vị trí nhập khẩu giáo dục sang xuất khẩu giáo dục.
Tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 tới giáo dục
Tại Hội nghị quốc tế về giáo dục do UNESCO tổ chức ở Geneve đầu tháng 12 vừa qua, các đại biểu không giấu nổi nỗi lo về tác động của khủng hoảng tài chính hiện nay đối với bước tiến của giáo dục, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Kevin Watkins, giám đốc Báo cáo Giám sát toàn cầu về giáo dục cho mọi người, cảnh báo rằng trong khi khủng hoảng kinh tế được chạy tít trên mọi trang báo và được đề cập đến trong chính sách của mọi chính phủ thì khủng hoảng giáo dục thế giới càng bị rơi vào quên lãng. Các nước nghèo và những tầng lớp dân cư nghèo chẳng có lỗi gì trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay nhưng họ lại là những nạn nhân đầu tiên. Giáo dục cho mọi người ở các nước này sẽ có nguy cơ lỗi hẹn nặng nề với các mục tiêu thiên niên kỷ vì lời hứa Dakar của các nước giàu trong hỗ trợ tài chính, vốn đã thất hứa suốt thời gian qua, chắc sẽ có cớ để tiếp tục thất hứa hơn nữa trước áp lực của khủng hoảng tài chính.
Các trường đại học trên thế giới cũng bị tác động nghiêm trọng. Ở khắp các châu lục, khủng hoảng tài chính thế giới kéo theo khủng hoảng tài chính của các trường đại học vì nguồn thu của trường sụt giảm đồng thời các khoản đầu tư của trường đại học vào bất động sản và chứng khoán bốc hơi nhanh chóng. Theo bài viết của Geoff Maslen đăng trên University World News ngày 14/12/2008 thì Đại học Keio nổi tiếng của Nhật Bản mất trắng 233 triệu USD, đại học tư Komazawa hàng đầu của Nhật Bản mất 170 triệu USD, Đại học Dartmouth ở Mỹ mất 220 triệu USD, Đại học bang Texas mất 1 tỷ USD…Ngay các đại học mạnh nhất như Harvard và Yale cũng đã phải cắt giảm chi tiêu, ngưng các kế hoạch xây dựng và sửa chữa, thông báo không tuyển nhân sự mới, coi đó là biện pháp cần thiết để bù đắp thất thoát trong đầu tư và thâm hụt trong kinh phí đào tạo.
Trước tình hình trên, tổ chức Quốc tế giáo dục (Education International), đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế đang tác động nghiêm trọng đến mọi hệ thống giáo dục ở mức độ chưa từng thấy và có khả năng đe doạ mọi thành tựu giáo dục đã đạt được bấy lâu nay. Tổng thư ký của tổ chức đó yêu cầu các hiệp hội giáo chức không thể chỉ khoanh tay chờ xem mà cần hành động để bảo vệ chi phí công cho giáo dục, phải làm cho công chúng và các nhà chính trị hiểu rằng đầu tư cho giáo dục là một phần lời giải cho bài toán hiện nay. Tổ chức đó cũng đang soạn thảo Chương trình hành động cho giáo dục và kinh tế nhằm bảo vệ cho giáo dục thoát khỏi tác động xấu từ khủng hoảng kinh tế, đồng thời yêu cầu tăng cường đầu tư cho giáo dục coi đó là yếu tố chủ chốt để khôi phục kinh tế. Các quan điểm cơ bản trong chương trình hành động này là: 1/ giáo dục là lợi ích công chứ không phải hàng hoá; 2/ giáo dục cần được quan tâm nhiều hơn kinh tế vì giáo dục đóng vai trò trung tâm trong xã hội ngày nay thông qua các đóng góp của nó trên cả bình diện kinh tế và xã hội; 3/ giáo dục có chất lượng đòi hỏi giáo viên có chất lượng. Vì những lẽ trên, các gói kích thích kinh tế của các chính phủ nhất thiết phải bao gồm “yếu tố chủ chốt đầu tư vào con người thông qua giáo dục”.
Vấn đề đặt ra với giáo dục Việt Nam
Theo một số nhà nghiên cứu thì cơn tài chấn phố Wall khi lan đến Việt Nam sẽ chỉ là những dư chấn lăn tăn. Tuy nhiên, với một nền kinh tế vừa thoát khỏi cái bẫy nghèo như Việt Nam thì dư chấn đó cũng đủ gây nên những xáo động nghiêm trọng. Do lạm phát kéo dài, ngân sách đã và đang thâm hụt. Khủng hoảng kinh tế thế giới lại đang tác động xấu tới xuất khẩu và đầu tư, thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, và vì vậy nguồn thu ngân sách trong những năm tới sẽ tiếp tục giảm sút.
Vì vậy, nếu chi ngân sách nhà nước cho giáo dục có giữ vững ở tỷ lệ 20% như hiện nay hoặc tăng lên 22% thì con số tuyệt đối cùng giá trị thực của nó sẽ giảm đáng kể. Mâu thuẫn lớn giữa một bên là yêu cầu cao về mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục với một bên là khả năng hạn hẹp của nguồn lực tài chính sẽ gay gắt hơn nhiều. Giáo dục Việt Nam, bên cạnh những yếu kém vốn có của nó, sẽ đứng trước những thách thức mới, rất phức tạp về hệ quả kinh tế cũng như xã hội.
Trước hết là việc hoàn thành một cách thực chất mục tiêu phổ cập giáo dục THCS vào năm 2010 và mục tiêu thiên niên kỷ về giáo dục cho mọi người vào năm 2015 có nguy cơ lỗi hẹn. Đó là vì những khó khăn về kinh tế sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bỏ học vốn đã có diễn biến xấu trong thời gian gần đây, khi kinh tế nước ta rơi vào lạm phát.
Tiếp nữa, giáo dục nghề nghiệp có nguy cơ rơi vào thiểu phát, theo nghĩa là học sinh tốt nghiệp khó kiếm được việc làm do thị trường việc làm thu hẹp lại. Trong khi đó, giáo dục đại học trong tương lai gần sẽ đứng trước nguy cơ lạm phát do tình trạng chất lượng đào tạo sút giảm, văn bằng đại học mất giá khi lưu thông trong thị trường lao động.
Dĩ nhiên, trước nỗi lo sát sườn về kinh tế hiện nay, ở nước ta cũng như trên thế giới, chưa hề có nghiên cứu sâu nào về tác động của khủng hoảng tài chính lên giáo dục. Nhận định nêu trên, cũng như nhiều nhận định đã nêu khác, chỉ mang tính cảnh báo hoặc dự báo. Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn về giáo dục là hiện hữu. Điều quan trọng lúc này là xác định cái nông sâu về mức độ và sự gần xa về thời gian tác động để tìm cách chủ động đối phó.
Biến thách thức thành cơ hội là khẩu hiệu thường được đưa ra trong những trường hợp này. Cái khó là làm thế nào biến khẩu hiệu thành hiện thực. Kinh nghiệm giải cứu giáo dục của một số nước châu Á trong vòng xoáy khủng hoảng tài chính 1997 đáng để xem xét. Chiến lược giải cứu thành công là tiếp tục đầu tư mạnh cho giáo dục để chính giáo dục góp phần giải cứu kinh tế. Hàn Quốc vào giữa những năm 1990 mới đang chuẩn bị cho cải cách giáo dục, khi rơi vào khủng hoảng đã đẩy mạnh cải cách giáo dục, với trọng tâm là cải cách giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đẳng cấp quốc tế cho kinh tế. Malayxia, như đã nói ở trên, đã huy động mạnh mẽ nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển giáo dục, coi đó là một trong những nội lực cơ bản để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng. Về phía Thái Lan, chính cuộc khủng hoảng tài chính đã buộc Thái Lan đánh giá nghiêm khắc các yếu kém của hệ thống giáo dục cùng việc chuẩn bị nguồn lực con người cho đất nước; vì thế, trong chiến lược khôi phục kinh tế, cải cách giáo dục được coi là một nhu cầu bức thiết và có vai trò sống còn đối với sự phát triển lâu dài của đất nước.
Giáo dục Việt Nam hiện đang đứng trước khúc ngoặt của sự phát triển. Việc hiện thực hoá thách thức thành cơ hội đòi hỏi có sự nhận dạng đầy đủ ngay từ bây giờ những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và nguy cơ sụt giảm kinh tế Việt Nam đối với giáo dục. Các tác động này đang hiện hữu và sẽ trở thành bức xúc trên toàn bộ hệ thống giáo dục, ở mọi cấp học và trình độ đào tạo, trong thời gian tới. Việc giải quyết một cách căn cơ các tác động này chắc chắn đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ và toàn diện các yếu kém trong tổ chức và hoạt động giáo dục trong mối quan hệ với kinh tế. Cơ hội cho giáo dục Việt Nam chính là ở chỗ đó.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến
Bình luận (0)