Nhiều vấn đề “nóng”
Theo đại diện các hãng hàng không nước ngoài, hiện nay phí khai thác, giá phí tại các sân bay trong nước thay đổi, nhưng thông báo cho các hãng thời gian rất ngắn, nên thường không kịp xoay sở. Do đó, các hãng hàng không đều kiến nghị cần có thông báo cho các hãng sớm, rõ ràng để có kế hoạch cân đối, cũng như để biết đến các chính sách ưu đãi của Việt Nam.
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Air vừa khai trương đường bay mới Hà Nội – Huế. Ảnh: Hồ Cầu – TTXVN
|
Bên cạnh đó, vấn đề mà nhiều hãng hàng không lo ngại là chi phí sân bay ở Việt Nam hiện nay cao, đặc biệt là đường bay mới hoặc tăng tần suất thì chịu phí khai thác tương đối cao so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, trong trường hợp chậm hủy chuyến, các hãng hàng không bị xử phạt và phía Cảng vụ yêu cầu phải trả tiền ngay lập tức cũng là một bất cập. “Hãng hàng không nước ngoài sẵn sàng nộp phạt khi có lỗi, nhưng nếu yêu cầu nộp phạt ngay thì rất khó, vì cũng phải cho các hãng giải thích nguyên nhân chậm, hủy chuyến…”, lãnh đạo một hãng hàng không nước ngoài cho hay.
Ngoài ra, các hãng hàng không cũng kiến nghị cần có đường riêng ở khu vực xuất nhập cảnh cho hành khách để tạo thuận lợi cho việc làm thủ tục; thiết lập cơ sở y tế ở sân bay có đủ khả năng, thẩm quyền để đưa ra chứng nhận tình trạng sức khỏe của hành khách; đẩy mạnh các dự án các Cảng hàng không sân bay, tính đến phương án thúc đẩy thủ tục check – in thuận tiện hơn…
Hai hãng hàng không Thai Airway (Thái Lan) và China Airlines (Đài Loan – Trung Quốc) còn cho rằng, máy soi an ninh của sân bay trong nước còn hạn chế khi kiện hàng lớn chưa có máy soi chiếu mà soi bằng mắt thường, an ninh hàng không chưa đảm bảo và không hiệu quả nên giờ cao điểm hàng hóa bị tắc nghẽn, chậm trễ nhiều…
Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành đặt vấn đề: Khi sửa chữa 2 đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài (sơ bộ mất 4 tháng) thì điều phối giờ hạ, cất cánh tại sân bay (Slots) phân bổ trong giai đoạn sửa chữa có giảm không? Nếu giảm thì Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, chốt lịch sớm để thông báo sớm cho các hãng hàng không vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch khai thác của các hãng hàng không trong và ngoài nước.
Về các vấn đề trên, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh thừa nhận thực tế hiện hạ tầng một số sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài chưa đáp ứng được yêu cầu của các hãng hàng không, đặc biệt là vận tải hàng hóa riêng. “Khi sửa đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác bay của các hãng. Cục sẽ làm sớm kế hoạch để gửi đến các hãng hàng không,” ông Thanh nói. Cục cũng đã báo cáo Bộ GTVT kế hoạch mở rộng sân đỗ ở sân bay Tân Sơn Nhất thêm 21 ha; nâng cấp đường cất hạ cánh ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất; trang bị máy soi chiếu hàng hóa quá khổ; nghiên cứu để tiếp tục đầu tư, đáp ứng được yêu cầu của các hãng…
Chưa nâng giá phí bay quốc tế
Theo ông Lại Xuân Thanh, chi phí khai thác của Việt Nam hiện cao thứ 3 (sau Singapore và Thái Lan). Các loại giá được xây dựng và đưa ra ở mức hợp lý, tuân thủ theo các hướng dẫn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và có nhiều loại giá được giữ ổn định từ nhiều năm nay.
Cục Hàng không cũng có chính sách giảm giá cụ thể cho các hãng hàng không khi mở mới các đường bay nhằm chia sẻ khó khăn về tài chính trong giai đoạn đầu khai thác đi/đến Việt Nam. Mức giá phí hiện nay vừa đảm bảo hài hòa giữa đơn vị quản lý sân bay để có thể tái đầu tư, vừa minh hoạch, rõ ràng để có thời gian để hiệp thương với bên trả phí. Bộ GTVT chưa có đề xuất nào nâng giá phí bay quốc tế.
Đối với chính sách mở cửa bầu trời trong đó có thương quyền 5 (quyền nhận hành khách, hàng hóa, thư tín từ quốc gia của hãng chuyển chở tới lãnh thổ nước ngoài) theo hướng tự do hóa, ông Lại Xuân Thanh khẳng định, việc trao đổi thương quyền 5 phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các nhà chức trách hàng không, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các quốc gia và các hãng hàng không.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cam kết sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, kiểm dịch cũng như các doanh nghiệp cảng hàng không, quản lý bay để có các biện pháp điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi nhất cho các hãng hàng không. “Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước về GTVT và hàng không Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện cho hoạt động kinh doanh hàng không quốc tế theo hướng phát triển bền vững, đồng thời tiếp tục mở rộng hoạt động khai thác quốc tế đến Việt Nam,” Thứ trưởng Nhật khẳng định.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại có 55 hãng hàng không nước ngoài với gần 100 đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng về hành khách, hàng hóa luôn đạt mức trung bình 14 – 15% trong giai đoạn 20 năm qua. 9 tháng qua, tổng số khách quốc tế đi/đến Việt Nam và hàng hóa vận chuyển tại các sân bay Việt Nam đạt 114.000 chuyến bay (tăng 24,8%) và 17,5 triệu hành khách (tăng 32,5%), 467.000 tấn hàng hóa (tăng 3,1%,) so với cùng kỳ năm 2015.
|
Bình luận (0)