Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Một vụ án có dấu hiệu oan sai

Tạp Chí Giáo Dục

Điều khiển máy kéo chở bắp trên rẫy, không may cán trúng chân một thanh niên, hai cha con: người bị phạt tù, người phải bồi thường hàng trăm triệu đồng và tịch thu phương tiện. Nhiều luật sư cho rằng, cơ quan tố tụng và xét xử ở Đắk Lắk đã buộc tội cha con ông Thực sai quy định của pháp luật.

Con vào tù, cha mất tiền

Theo hồ sơ vụ án, năm 2013, ông Dương Văn Thực  (sinh năm1966, trú tại thôn 10, xã Cư Prao, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) mua một xe máy kéo về để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hàng ngày, ông Thực giao xe máy kéo cho con trai là Dương Xuân Thi (sinh năm 1996, chưa có bằng lái xe B1) điều khiển để cày đất. Ngày 9-1-2016, Thi điều khiển xe máy kéo thu hoạch bắp tại thôn 4, xã Cư Prao. Trong khi thu hoạch có Trần Tuấn Anh, Dương Văn Thụ đến phụ giúp bốc bắp lên xe. Khoảng 16 giờ cùng ngày, trong lúc Tuấn Anh và Thụ ngồi chờ, thì Thi điều khiển xe đến nơi, Thi đã ra hiệu cho 2 người tránh nhưng chỉ có Thụ nhảy tránh, còn Tuấn Anh chỉ nằm xuống giơ chân lên và đã bị bánh sau của xe cán qua chân trái gây thương tích 38%.

Cha con ông Thực tại hiện trường vụ án. Ảnh HÀ LÊ

Viện Kiểm sát nhân dân huyện M’Đrắk đã truy tố ông Thực về tội “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1, Điều 205, Bộ luật Hình sự và truy tố Thi về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm a, khoản 2, Điều 202, Bộ luật Hình sự. Tòa án nhân dân (TAND) huyện M’Đrắk đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Thi 1 năm 3 tháng tù giam. Còn ông Thực bị tuyên phạt 10 triệu đồng, buộc bồi thường số tiền hơn 138 triệu đồng cho bị hại Trần Tuấn Anh. Ngoài ra, tòa cũng tuyên chuyển giao cho cảnh sát giao thông công an huyện xe máy kéo gây tai nạn để xử lý theo quy định, với lý do xe không có giấy tờ, không có đăng ký mà vẫn cho lưu thông trái quy định của pháp luật.

Có dấu hiệu oan sai

Sau khi TAND huyện M’Đrắk có bản án, các bị cáo đã làm đơn kháng cáo, kêu oan. Trong đơn kháng cáo, Thi đề nghị tòa cấp trên xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng không khách quan, chưa đánh giá đúng chứng cứ dẫn đến oan sai. Thi cho rằng, Dương Văn Thụ (người làm chứng) và Trần Tuấn Anh (bị hại) ngồi cách nhau chỉ 30cm. Khi xe của Thi chở đầy bắp đến gần, Thụ kêu Tuấn Anh ngồi lui ra để xe đi, nhưng Tuấn Anh vẫn không tránh. Mặt khác, xe chở đầy bắp đang lên dốc với địa hình hiểm trở, việc dừng lại giữa dốc là không thể. Hơn nữa, Tuấn Anh thấy và biết xe kéo đang đi đến chỗ mình ngồi là nguy hiểm, lẽ ra phải tránh nhưng vẫn cố ngồi duỗi chân ra đường. Theo bị cáo Thi, lỗi thuộc về bị hại chứ không phải do mình.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội), trường hợp người bị hại tưởng xe dừng lại là vô lý, bởi theo phản xạ tự nhiên khi thấy nguy hiểm thì phải tránh. Tại sao Dương Văn Thụ tránh được mà Trần Tuấn Anh không tránh được và cho rằng Tuấn Anh bị tai nạn không phải do lỗi của Thi. Tại Điều 3, Chương 2, Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 18-8-2013 hướng dẫn áp dụng quy định tại chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông: “Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202, Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khác nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó như tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 98, Bộ luật Hình sự, tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 99, Bộ luật Hình sự hoặc tội vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự”.

“Theo thông tư trên thì cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã truy tố không đúng hành vi tội danh theo hướng dẫn. Bởi bản án đã xác định vị trí xảy ra tai nạn thuộc đất rẫy của nhà hai bị cáo, người điều khiển và phương tiện chưa tham gia giao thông vào khu vực theo quy định pháp luật về giao thông. Do đó, việc buộc tội hai cha con ông Thực là chưa thỏa mãn cấu thành tội danh theo Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999. Có dấu hiệu khởi tố, truy tố, xét xử oan sai đối với các bị cáo”, luật sư Quynh cho hay.

CÔNG HOAN – HÀ LÊ (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)