Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tăng viện phí: Người có thẻ BHYT được hưởng lợi

Tạp Chí Giáo Dục

Sau hơn 1 năm áp dụng mức viện phí mới đối với người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), từ ngày 1-6 Bộ Y tế sẽ tiếp tục áp dụng với người chưa có thẻ BHYT. Theo nhiều chuyên gia, bác sĩ, việc điều chỉnh này nhằm tạo sự bình đẳng giữa người tham gia BHYT và người chưa có thẻ BHYT, đồng thời khuyến khích các bệnh viện (BV) đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…

Người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh tại BV Q.3, TP.HCM. Ảnh: D.Bình

Níu chân… bác sĩ

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán, chi phí, chữa bệnh trong một số trường hợp. Theo đó, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới của hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với những người không tham gia BHYT, có dịch vụ tăng tới 200%.

Cụ thể, mức giá khám bệnh được quy định từ 29.000 đồng đến 39.000 đồng theo từng hạng BV từ trạm y tế xã đến BV hạng đặc biệt (quy định hiện hành chỉ từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng). Mức giá ngày giường bệnh theo quy định mới cũng được nâng lên từ 54.000 đồng đến 362.800 đồng (quy định hiện hành chỉ từ 12.000 đồng đến 80.000 đồng). Tuy nhiên, theo quy định mới thì loại giường bệnh được nêu chi tiết hơn, có phân loại giường, khoa, phòng và hạng BV… Ngoài ra một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20-30% so với mức giá hiện hành. Trong đó, có những dịch vụ có chi phí rất cao. Chẳng hạn, chụp PET/CT chi phí tối đa lên tới hơn 20 triệu đồng, chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng…

Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương nhận định: “BV Hùng Vương là BV tự chủ tài chính, hiện có 3 mức thu là BHYT, không có thẻ BHYT và dịch vụ. Nhóm không có thẻ BHYT có mức thu thấp nhất nên không khuyến khích được việc phát triển y tế toàn dân. Hơn nữa, giá dịch vụ y tế thu theo quy định mới sẽ hướng tới việc tính đúng tính đủ, giúp các BV tiếp tục đầu tư, nâng cao trang thiết bị khám chữa bệnh cho người dân”.

Đồng tình, ông Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM thừa nhận: “Tại các BV công, tồn tại hai mức giá khác nhau cho bệnh nhân có BHYT và không có BHYT nên khi làm hồ sơ khá phức tạp, dễ nhầm lẫn. Hơn nữa, áp dụng đồng đều mức viện phí mới này sẽ tạo ra sự công bằng giữa người có thẻ và người không có thẻ BHYT”.

Ngoài ra, đại diện các BV cũng cho rằng, mức thu nhập hiện nay của các bác sĩ ở BV công rất thấp, việc điều chỉnh tăng giá viện phí có thể khuyến khích họ gắn bó với BV. “Bác sĩ ở BV tư nhận được 200.000-300.000 đồng/giờ, trong khi ở BV công chỉ nhận được khoảng 200.000 đồng/ngày. Nếu áp dụng theo mức viện phí này thì có thể cải thiện được phần nào thu nhập cho bác sĩ”, ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc BV Q.Bình Tân phân tích.

Theo Bộ Y tế, Thông tư 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-6-2017 nhưng không phải là đến ngày này tất cả các BV trên toàn quốc thực hiện điều chỉnh giá theo thông tư mà Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các BV thuộc Bộ Y tế, BV hạng đặc biệt, hạng I thuộc các bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh trình HĐND tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các BV thuộc địa phương quản lý và các BV do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống.

Về vấn đề này, bà Tuyết chia sẻ: Bác sĩ ở BV công lập làm việc mỗi ngày 8-9 tiếng, thậm chí thường xuyên làm thêm giờ nhưng lương cơ bản cộng với hệ số chức vụ cũng không đáng kể. Trong khi đó, nếu làm ở BV tư thì thu nhập gấp 2-3 lần. Vì vậy, một số bác sĩ có chuyên môn giỏi và giàu kinh nghiệm của BV đã dứt áo ra đi. Việc áp dụng viện phí mới có thể giúp các BV công tự chủ về tài chính cải thiện đời sống bác sĩ, giúp họ gắn bó với BV hơn.

Không sử dụng thẻ do… trái tuyến

Tham gia BHYT, bệnh nhân khám chữa bệnh ở các BV công được chi trả 80%, thậm chí các bệnh nhân diện chính sách lên đến 100%. Do đó, nếu có thẻ BHYT, bệnh nhân sẽ nhận được nhiều thuận lợi khi các BV có thêm điều kiện để đầu tư thiết bị nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Hiện cả nước còn gần 20% dân số chưa tham gia BHYT, trong số này có rất nhiều người cận nghèo, người có thu nhập trung bình. Riêng TP.HCM, theo thống kê của BHXH TP hiện vẫn còn khoảng 10% dân số tham gia BHYT.

Tuy nhiên, đại diện các BV tuyến trên cho biết đa số bệnh nhân tới khám đều không sử dụng BHYT. Mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 1.700-2.000 lượt bệnh nhân tới khám nhưng số bệnh nhân đúng tuyến chỉ chiếm khoảng 30-32%, số còn lại thường vượt tuyến”, ông Tuấn (BV Ung bướu TP) cho hay.

Tương tự, mỗi ngày BV Hùng Vương tiếp nhận khoảng 1.200 bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân điều trị ngoại trú không sử dụng được BHYT do trái tuyến chiếm 2/3. 

Từ thực trạng này, nhiều bệnh nhân gấp rút xin chuyển tuyến đăng ký BHYT. Ông Nguyễn Minh Hà, ngụ tại Q.Bình Tân cho biết: “Tôi đăng ký tạm trú tại phường An Lạc, Q.Bình Tân. Mỗi lần đến khám ở BV Triều An, tôi đều phải trả tiền vì BHYT của tôi đăng ký BV đa khoa ở quê. Khi nghe thông tin tăng giá dịch vụ, tôi đã về quê để làm thủ tục chuyển đổi nơi đăng ký thẻ BHYT”.

Có thể thấy rằng, khi tăng viện phí, những người không tham gia BHYT sẽ phải gánh chi phí khám chữa bệnh rất cao. Theo đó, Bộ Y tế kêu gọi người dân tham gia BHYT để được hưởng lợi…

Dương Bình

Bình luận (0)