Y tế - Văn hóaThư giãn

Sự cố đắm tàu ngầm lãng nhách nhất trong lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Tàu ngầm U-1206 của hải quân Đức quốc xã có thể không nổi tiếng như tàu Titanic, nhưng câu chuyện về kết cục “lãng nhách” của nó đã giúp con tàu giành được một vị trí tại Đại sảnh Danh vọng ở Mỹ.

Tàu ngầm U-1206 chỉ tồn tại trong không đầy 10 ngày kể từ khi xuất trận.

Ngày 6/4/1945, tàu U-1206 khởi hành từ cảng Kristiansand, thuộc Na Uy, nơi bị phát xít Đức chiếm đóng, bắt đầu sứ mạng chiến đấu đầu tiên. Con tàu có nhiệm vụ tìm và tiêu diệt các tàu chiến Anh, Mỹ ở những vùng biển phía bắc Đại Tây Dương.

Cuộc sống trên tàu của 50 thủy thủ tuy không mấy nguy hiểm nhưng khá phiền toái. Tàu chỉ có hai phòng vệ sinh, và do một phòng nằm ngay cạnh kho chứa thực phẩm nên không được sử dụng, toàn bộ thủy thủ đoàn phải dùng chung phòng còn lại.
Các toilet trên tàu ngầm Đức khi đó thường xả thải trực tiếp ra biển, thay vì xả vào một bể chứa như bên tàu Mỹ hoặc Anh.
Không có bể chứa thì đỡ tốn không gian nhưng điều này đã khiến U-1206 phải trả cái giá quá đắt. Các toilet chỉ sử dụng được khi tàu đang di chuyển ở gần mặt biển. Khi tàu lặn sâu, áp lực bên ngoài thân tàu quá lớn khiến chất thải không thể xả ra ra bên ngoài. 
Nếu “buồn” đi vệ sinh trong tình huống đó, thủy thủ phải dùng xô, hộp thiếc hay bất cứ thùng chứa bỏ đi nào mà họ kiếm được. Họ cũng phải cẩn thận xử lý kín “sản phẩm” không để trào ra ngoài cho đến khi con tàu nổi lên gần mặt nước mới có thể trút chất thải vào bồn cầu để xả ra ngoài biển.
Hệ thống thông hơi trên tàu ngầm Đức thời Thế chiến 2 cũng rất tệ. Ngay cả trong những điều kiện tốt nhất thì không khí trong tàu vẫn sực mùi dầu máy, mùi mồ hôi người và đủ thứ mùi khác. Còn khi toilet không hoạt động được, tất cả các xô chứa đều đầy chất thải thì tình hình trở nên khủng khiếp.
Sau gần 1 tuần kể từ khi bắt đầu cuộc tuần tra đầu tiên, thuyền trưởng Karl-Adolf Schlitt đã quyết định cho tàu di chuyển ở độ sâu 60 mét, cách bờ biển Scotland khoảng 8 dặm. 
Hôm đó, Schlitt muốn đi vệ sinh, nhưng thay vì nhờ tới sự hỗ trợ của một số thủy thủ kỹ thuật, ông lại cố tự xả chất thải trong toilet. Ở độ sâu đó, thì sự cố đã xảy ra vì áp suất bên ngoài thân tàu quá lớn. Khi Schlitt kêu gọi sự trợ giúp thì sự việc lại càng tồi tệ hơn. Kỹ thuật viên của tàu đã mở valve ngoài – thông ra ngoài biển – trong khi valve trong cũng mở, khiến nước biển cuồn cuộn phụt ngược vào trong tàu.
U-1206 buộc phải nổi lên để xử lý cái toilet “phản chủ”. Nhưng khi đó, một lỗ hổng nữa trong thiết kế con tàu tiếp tục lộ ra. Khi tàu nổi lên, nó phải chạy các mô tơ được cấp điện bởi những chuỗi pin lớn. Hệ thống pin này lại được đặt trong khoang tàu ngay dưới chiếc toilet hỏng. Nước biển nhanh chóng kết hợp với axit trong pin tạo ra khí Clo chết người, bắt đầu lan khắp con tàu.

Xác tàu ngầm U-1206 dưới đáy biển.

Thuyền trưởng Schlitt không còn cách nào khác buộc phải cho tàu nổi hẳn lên mặt nước để thông khí độc và đưa dưỡng khí vào tàu. Lúc này do ở khoảng cách gần, con tàu bị lực lượng Scotland phát hiện và nhanh chóng báo cho máy bay Đồng minh oanh tạc. 

Con tàu dính đòn nặng, không thể lặn xuống biển, thuyền trưởng Schlitt phải ra lệnh cho các thủy thủ dùng phao cứu sinh thoát thân, còn bản thân ông thì tự đánh đắm con tàu. 36 thủy thủ sau đó được các thuyền nhỏ cứu sống, 10 người tự chèo được vào bờ và bị quân Đồng minh bắt giữ.
Chỉ hơn 3 tuần sau sự cố “lãng nhách” với tàu ngầm U-1206, ngày 30/4/1945, Adolf Hitler tự tử dưới boongke ở Berlin, 7 ngày sau quân Đức đầu hàng, chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai tại châu Âu.
 
Thu Hằng/Báo Tin Tức
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)