Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Giáo dục mầm non ở Pháp: Hai trông hai, tốt hơn một trông một

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: I.T

Giảng dạy lớp mẫu giáo là cả một nghệ thuật. Cô giáo vừa là người mẹ, vừa là người thầy, vừa là người bạn, vừa là người trông trẻ, vừa là y tá, vừa là người phục vụ…
Cùng một lúc thực hiện nhiều chức năng các cô phải tổ chức lớp học như thế nào để hoàn thành mọi chức năng là cả một công trình.
Thông thường mỗi lớp có một cô phụ trách từ A đến Z: dạy hát, dạy múa, kể chuyện, dẫn đi chơi, lo cho các cháu ăn, ngủ, thậm chí cả đi vệ sinh. Nếu có hai lớp thì mỗi cô phụ trách một lớp, nhưng từ 4 năm nay, bằng kinh nghiệm thực tế, hai cô Caroline Marceau và Patrick Magnisier lại dồn hai lớp làm một, và hai cô hợp tác trông nom chung các em. Các cô cho rằng làm như vậy có nhiều điều lợi, vừa đỡ tốn công, vừa bao quát, sâu sát các em. Ta hãy thăm lớp các cô xem các cô đã thực hiện sáng kiến này ra sao:
“Lớp học bắt đầu từ đây”, cô Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Jean-Lurcat ở Bron (Rhone-Pháp) nói. Bước qua cánh cửa gỗ chúng ta bước vào lớp gồm các em từ 2 đến 4 tuổi do cô Caroline và cô Patrick phụ trách, với sự giúp đỡ của hai trợ lý là cô Sylvie và cô Beata. Hai phòng lớn ngổn ngang đồ chơi, sách vở, búp bê… Các em được tự do chơi một lúc, sau đó bắt đầu buổi học. Mỗi em ngồi một ghế đủ màu xanh, đỏ, vàng…, các em bắt đầu nghe cô Patrick kể chuyện “thỏ trắng tham ăn”. Hai em lơ là không nghe, ngồi nói chuyện, cô Caroline đến tận nơi nhắc nhở các em rất dịu dàng. Giờ kể chuyện hết, cô Caroline thay cô Patrick bắt đầu dạy hát.
Đã đến giờ hoạt động. Một số em theo cô Sylvie vào thư viện, một số khác theo cô Beata vào phòng học vẽ. Trong khi cô Caroline đưa một số em vào xưởng, thì cô Patrick đưa một số em vào phòng thể dục. Các em được chia thành từng nhóm tham gia mọi hoạt động dưới sự trông nom của hai cô.
Từ 4 năm nay hai cô trông chung hai lớp. Kinh nghiệm này được cô Hiệu trưởng chấp nhận. Các em chỉ tập trung vào đầu giờ, giờ ra chơi, còn ngoài ra lớp được phân tán nhờ sự giúp đỡ của các cô trợ lý trong một số hoạt động. Các cô nói: “Học sinh phân tán ra, như vậy đỡ ồn hơn. Từ lúc bắt đầu đến cuối một hoạt động chỉ có những nhóm nhỏ”. Các cô trợ lý cũng gia nhập vào công việc chuẩn bị cho những hoạt động dài hơi. Theo ý kiến của hai cô, cách tổ chức lớp học như vậy đòi hỏi sự cố gắng nhiều hơn so với khi làm việc riêng lẻ. Cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý giữa các cô với nhau, giữa các cô với trợ lý. Nhưng rõ ràng cái lợi nhiều hơn. Ví dụ khi có một em cần chăm sóc về mặt sức khỏe thì đã có cô khác thay thế, và lớp vẫn tiếp tục hoạt động. Cô Caroline nhớ lại: Năm thứ hai khi tôi về dây, lớp tôi có 24 em, trong đó có 7 em còn nhỏ. Giữa chúng có sự khác nhau lớn về mọi mặt, nên dù cố gắng rất nhiều tôi vẫn không điều hành được tốt mọi hoạt động của lớp. Khi một em nào đó quấy phá, các em khác bắt chước. Tôi chỉ có một mình vì các cô trợ lý bận ở đâu đó. Tôi rất lúng túng”.
Tuy đã lâu năm trong nghề hơn, nhưng cô Patrick cũng tâm sự: “Khi gặp khó khăn, có hai người cảm thấy tự tin và tháo vát hơn nhiều. Làm việc một mình thấy cô độc và hình như thiếu nhiệt tình hơn…”.
Trong trường hợp lứa tuổi, trình độ các em không đồng đều, hai cô trông chung hai lớp có lợi hơn nhiều. Ví dụ, đến giờ ra chơi, em này đã chạy ra sân thì em kia đang mang vớ, em khác đang đi vệ sinh, mấy em khác nữa đang đánh nhau… Lúc đó sự có mặt của hai cô rất có lợi. Hai cô giúp nhau bao quát lớp. Cô này có việc bận cứ yên tâm vắng mặt một chút, có cô khác trông coi các em.
Phan Thanh Quang (Theo Thế Giới Giáo Dục)

Bình luận (0)