92% sinh viên Ấn muốn trở về nước sau khi hoàn thành khóa nghiên cứu tại Mỹ
|
Hầu hết học sinh Ấn Độ đều chọn nền giáo dục đại học Mỹ để học tập và nghiên cứu. Thế nhưng, 92% trong số họ luôn mong muốn trở về quê nhà khi hoàn thành khóa học hoặc trải qua một vài năm học hỏi kinh nghiệm từ đất nước này.
Hiện nay số lượng sinh viên người Ấn chiếm 15% trong tổng số sinh viên quốc tế đang theo học đại học ở Mỹ và là cộng đồng du học sinh lớn thứ hai sau Trung Quốc. Thống kê của Tổ chức Open Door năm 2010 cho thấy, kỹ thuật, điện tử, cơ khí, nghiên cứu khoa học và kinh doanh vẫn là các chương trình phổ biến mà sinh viên Ấn Độ đang theo đuổi học.
Trong một cuộc thảo luận của Chính phủ Ấn Độ về việc có nên tạo ra một dự luật cho phép các tổ chức giáo dục hàng đầu ở nước ngoài đầu tư vào thị trường giáo dục trong nước, Bộ trưởng Bộ Phát triển nguồn nhân lực Kapil Sibal đã lập luận rằng một dự luật như vậy sẽ giúp ngăn chặn sự mất mát đến 4 tỷ USD mà nước này hiện đang chi tiêu cho các du sinh viên đang học ở nước ngoài. Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch học tập, chỉ có 21% sinh viên cho biết họ sẽ chọn ở lại Ấn Độ để theo đuổi một bậc giáo dục cao hơn, kể cả khi được nghiên cứu học tập với chính các giáo viên từ Mỹ đến. Hầu hết họ cho biết, nếu có điều kiện thì vẫn chọn nền giáo dục nước ngoài, điển hình là Mỹ để theo học. Sự vắng mặt của tính chuyên nghiệp, tác phong đạo đức trong công việc cũng như không có phương tiện nghiên cứu tiên tiến trong nước được xem là những yếu tố lớn nhất khiến sinh viên Ấn Độ chọn Mỹ để du học.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác có tiêu đề “Họ sẽ trở lại” lại là một tín hiệu khả quan cho Ấn Độ. Nghiên cứu này được thực hiện bởi giáo sư Venkatesh Kumar, thuộc Viện Khoa học xã hội Tata và ông David Finegold, Hiệu trưởng Trường Đại học Rutgers. Nghiên cứu dựa trên khảo sát từ 1.000 người Ấn đang là sinh viên, người đang đi làm hoặc đã hoàn thành tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở Mỹ. Kết quả cho thấy, có đến 92% trong số họ mong muốn quay về nước để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp và tất nhiên, chỉ 8% muốn ở lại làm việc tại Mỹ. Trong tổng số 92% ấy, có đến 84% số người quan tâm đến việc sẽ kết hợp nghiên cứu và giảng dạy tại quê nhà, “Đa phần đều nói họ muốn đóng góp hoặc để lại một cái gì đó cho giáo dục đại học của Ấn Độ” – giáo sư Kumar cho biết. Phát hiện này có một tác động rất lớn đến những nhà hoạch định chính sách Ấn Độ vì đất nước này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt giảng viên nghiêm trọng. Quốc gia hơn 1,2 tỉ dân này hiện cần phải tuyển dụng ít nhất là một triệu giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng trong mước mới có thể đáp ứng được mục tiêu của Chính phủ vào năm 2020 là 20% người trẻ tuổi trên cả nước phải vào đại học.
Những nghiên cứu trên chứng tỏ rằng Ấn Độ đang thu hút sự trở lại ngày càng tăng các tài năng đang ở nước ngoài, một lực lượng lao động chính giúp cho sự phát triển của đất nước. Mong muốn trở về phục vụ quê hương thông qua làm việc cho các trường đại học, các công ty trong nước phản ánh sự chuyển dịch về sức mạnh kinh tế toàn cầu từ phương Tây đến châu Á. Điều này khiến các nhà kinh tế bắt đầu suy đoán về một tình trạng “chảy máu chất xám đảo ngược”. Sự đảo ngược lại của một xu hướng tồn tại từ lâu là các nhân tài từ các nước đang phát triển châu Á thường chọn hình thức nghiên cứu và sau đó ở lại làm việc cho các thị trường kinh tế phát triển phương Tây.
Nền kinh tế của Ấn Độ đang bùng nổ. Đây là cơ hội tốt để đảm bảo một công việc tốt, hứa hẹn một cuộc sống giàu có cho người dân và được sống gần gũi với gia đình là những yếu tố thúc đẩy phong trào “chảy ngược chất xám” tại quốc gia này.
(Theo Hindustantimes.com)
Ngân Du
Bình luận (0)