Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Nền giáo dục Italia thời khủng hoảng kinh tế: Trở lại “chế độ” một thầy độc diễn

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày ông Berlusconi tái đắc cử Thủ tướng nước Italia, nhiều thay đổi đã được thực hiện trong nền giáo dục nước Ý. Điều đó đã thể hiện trong ý kiến sau đây của bà giáo già Maria Persia, có thâm niên 37 năm, dạy toán ở Trường Tiểu học Baccarini ở Rome. Bà vẫn quan niệm rằng giáo dục không phải chỉ để dạy chữ, mà còn để bồi dưỡng những phẩm chất cao quý của con người. Cùng với một đồng nghiệp, hai người chia nhau thường trực tại trường mỗi ngày từ 8giờ30 đến 16giờ30, từ thứ hai đến thứ sáu. Bà vẫn tự hào gọi trường của bà là “trường chất lượng cao”.

Mọi việc đang diễn ra “như xưa nay vốn vậy” thì cùng với việc ông Berlusconi tái đắc cử Thủ tướng, bà Bộ truởng Bộ Giáo dục Mariastella Gelmini tiến hành cải cách ngành giáo dục. Nhằm mục đích hợp lý hóa chi phí giáo dục, và đối phó với nạn lạm phát, giải quyết khó khăn của ngân sách nhà nước, bà Bộ trưởng quyết định trong ba năm cho nghỉ việc 13.000 giáo viên. Và vì số giáo viên phải giảm, nên không thể bố trí mỗi lớp có 2, 3 giáo viên dạy được. Từ nay mỗi lớp chỉ có một giáo viên dạy từ A đến Z mọi kiến thức chương trình quy định. Số giờ dạy là 24 giờ mỗi tuần, nghĩa là chấm dứt “mô hình Italia” (mỗi lớp có vài cô phụ trách, chia nhau dạy và quản lý lớp).

Bà Persia nói: “Chất lượng giảng dạy sẽ bị giảm. Chúng tôi chỉ có thể dạy những cái gì cơ bản nhất như tôi đã dạy từ 30 năm nay. Tôi cũng sẽ dạy phép trừ, phép chia… như lâu nay, nhưng chắc không được kỹ như trước đây”.

Ở Trường Baccarini hiện nay có 18 thầy cô giáo sẽ chia nhau phụ trách 9 lớp tiểu học. 3 hoặc 4 thầy cô giáo có thể là nạn nhân của cải cách, nghĩa là được cho nghỉ việc hoặc được bố trí làm việc khác. Những hoạt động ngoại khóa cho học sinh cũng phải được chọn lọc lại, vì phải giảm bớt. Bà nói tiếp: “Nhiều việc khác chắc cũng không thể làm được, vì không có thời giờ”. Bà Maria Persia sợ rằng danh tiếng lâu nay của Trường “chất lượng cao Baccarini” sẽ bị mai một, rồi mất đi.

Phan Việt Khoa
(Theo Thế giới Giáo dục)

Bình luận (0)