Tọa đàm phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông trình độ cao mới đây do Bộ GD-ĐT tổ chức đã đưa ra con số: 35.000 sinh viên tốt nghiệp ngành IT, chỉ có 30% làm việc được ngay. Số còn lại không đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Sinh viên ngành CNTT của một trường ĐH. ĐÀO NGỌC THẠCH
Phát triển “nóng” về số lượng
Trong nhiều năm trở lại đây và xu hướng những năm tiếp theo, công nghệ thông tin (CNTT) vẫn được các chuyên gia dự báo là lĩnh vực “nóng” bậc nhất, đòi hỏi nguồn nhân lực phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Đó là lý do vì sao hầu hết các trường ĐH, CĐ đều có tuyển sinh và đào tạo ngành này. Tại nhiều trường, chỉ tiêu ngành CNTT luôn cao nhất nhì và đây cũng là một trong những ngành thu hút nhiều thí sinh nhất.
PGS-TS Thoại Nam, Trưởng khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhìn nhận: “Thời gian qua, lĩnh vực CNTT phát triển quá mạnh mẽ, dẫn đến sự bùng phát về nhu cầu. Các trường đua nhau đào tạo nhưng không xác định được phân khúc thị trường sinh viên mình tốt nghiệp sẽ làm ở đâu, nghĩa là chưa đi sâu vào thị trường để hiểu được thị trường cần gì mà chỉ đào tạo dàn trải theo cái mình đang có. Doanh nghiệp hiện đang rất thiếu người làm được việc chứ không thiếu người có bằng cấp”.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho rằng nhiều trường thu hút số lượng đông vào học ngành CNTT nhưng do không chú trọng vào chất lượng đội ngũ giảng viên, đầu vào, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo… nên chất lượng đầu ra vẫn đang là một vấn đề nan giải.
Nhiều trường không đủ nguồn lực
Theo nhiều chuyên gia, một trong những điều cốt yếu của việc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế là do lĩnh vực này có tốc độ phát triển quá nhanh, quá mạnh mẽ, trong khi đa số các trường ĐH, CĐ không đủ nguồn lực để đuổi theo thực tế.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, đánh giá: “Yêu cầu về cập nhật cái mới của ngành CNTT luôn cao gấp đôi, gấp ba các ngành khác. Trong khi đó, các kiến thức trong nhiều trường ĐH hiện nay chưa được cập nhật thường xuyên, thiếu tính thời sự. Giáo trình, tài liệu cũ kỹ. Hiện nay, những công việc liên quan đến big data, trí tuệ nhân tạo… đang quá nóng, nhưng hiếm có trường nào đưa vào chương trình”. Theo tiến sĩ Hải, không phải trường nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư cả triệu đô vào một phòng thực hành hay mô phỏng cho riêng một chuyên ngành của CNTT…
Còn PGS-TS Thoại Nam nhấn mạnh đến lực lượng giảng viên chính là mấu chốt quan trọng. “Nhiều trường không có đội ngũ giảng viên cơ hữu đủ mạnh. Khi mời giáo viên thỉnh giảng thì rất khó đào tạo theo chương trình được thiết kế phù hợp để đảm bảo mục tiêu của chuẩn đầu ra”, tiến sĩ Nam nhận định.
Không đáp ứng chuẩn của doanh nghiệp
Theo ông Cao Trung Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty Dân Trí Soft, 70% sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT phải được doanh nghiệp đào tạo bổ sung là một thực trạng đáng buồn và đáng báo động.
Ông Hiếu nhận định: “Điều đó cho thấy chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực CNTT từ nhà trường có sai lệch lớn với nhu cầu từ doanh nghiệp, gây tổn hại, lãng phí cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Đa số các trường vẫn chưa có tư duy về những gì mình tạo ra, tức là các kỹ sư, cử nhân chính là một sản phẩm để phục vụ thị trường, mà vẫn xem đào tạo là việc của nhà trường, còn đáp ứng nhu cầu việc làm xã hội là chuyện của xã hội, của các kỹ sư, cử nhân. Trường bán những cái mình có chứ chưa phải bán những cái xã hội cần”. Ông Hiếu cũng cho rằng vì áp lực về chỉ tiêu tuyển sinh mà không ít trường ĐH “tốp dưới” đã bằng nhiều cách để tuyển sinh cho đủ, dù biết rằng chất lượng đầu vào thấp như vậy sẽ rất khó đào tạo được đầu ra có chất lượng cao.
Từng tuyển dụng hàng ngàn lập trình viên, ông Khúc Trung Kiên, một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phần mềm, hiện là Giám đốc chương trình Fast Track SE, Trường ĐH FPT, chia sẻ: “Tôi thấy doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp phần mềm) phải đào tạo lại cho ứng viên rất nhiều thứ. Trong đó có những thứ lẽ ra thuộc trách nhiệm của nhà trường. Việc đào tạo dài, chi phí cao dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp”.
Ông Kiên cho rằng trong nhiều năm tới, CNTT vẫn rất “hot”, đặc biệt là công nghiệp phần mềm/xuất khẩu phần mềm. Nhưng hệ thống đào tạo cơ bản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chưa nói đến chất lượng. “Chuẩn đầu ra của các trường còn lệch nhiều so với “chuẩn đầu vào” của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp cần người biết làm việc, có khả năng làm việc trong dự án, biết các yêu cầu của dự án, biết sử dụng các công cụ/ngôn ngữ/công nghệ, có khả năng giao tiếp, phối hợp làm việc trong các nhóm dự án. Sinh viên thiếu thực hành dự án nghiêm túc, chưa được hướng dẫn nên không thể có kỹ năng. Chưa kể rất nhiều thầy cô cũng chưa từng làm dự án nên không thể hướng dẫn cho sinh viên”, ông Kiên nêu quan điểm.
Chính vì vậy, theo ông Kiên, CNTT đòi hỏi cách dạy và học linh hoạt. Đồng thời, trường ĐH, CĐ phải gắn với doanh nghiệp nhiều hơn.
Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)