Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đề tham khảo kỳ thi THPT dễ hơn cả hướng dẫn tinh giản của Bộ GD-ĐT

Tạp Chí Giáo Dục

Hầu hết các ý kiến giáo viên đều chung nhận xét đề tham khảo thi THPT quốc gia năm học 2019 – 2020 Bộ GD-ĐT vừa công bố có yêu cầu "khiêm tốn" hơn cả mong đợi.

 Giờ dạy học trực tuyến của giáo viên Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội) /// Ảnh M.C

Giờ dạy học trực tuyến của giáo viên Trường THCS – THPT Marie Curie (Hà Nội). Ảnh M.C

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2020, các giáo viên dạy lớp 12 Trường THCS – THPT Marie Curie (Hà Nội) đã có những nhận định ban đầu về bộ đề này.
Hầu hết các ý kiến của giáo viên đều nhận xét cấu trúc đề thi này không thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, do Bộ GD-ĐT đã giảm tải chương trình của học kỳ 2 vì dịch Covid-19 nên đề tham khảo đã đặt ra yêu cầu rất “khiêm tốn”.
Đề toán, văn, Anh: câu hỏi khó đều ở nội dung học kỳ 1 
Cụ thể, với đề thi môn toán, cô Lệ Anh, giáo viên dạy toán Trường THCS – THPT Marie Curie, cho biết đề giữ nguyên cấu trúc như năm ngoái, có 5 câu hỏi thuộc nội dung chương trình lớp 11, 45 câu còn lại là của lớp 12.
Các câu ứng với thang điểm khá giỏi (lớn hơn 7) đều không rơi vào kiến thức học kỳ 2 lớp 12. Các câu hỏi liên quan đến chương trình của học kỳ này đều ở mức độ cơ bản.
Với đề môn ngữ văn, cô Hương Giang, giáo viên dạy văn nhận xét, đề tham khảo kiểm tra chủ yếu kiến thức cơ bản, vừa sức với học sinh và thể hiện được tinh thần giảm tải mà Bộ GD-ĐT mới công bố. Dạng câu hỏi đặt ra đơn giản, rõ ràng, quen thuộc nên học sinh sẽ có kỹ năng xử lý tốt.
Cụ thể, ở phần đọc hiểu: ngữ liệu có tính liên hệ thực tế cao. Cả 4 câu hỏi đều rõ ý giúp cho học sinh dễ dàng trả lời được vấn đề trọng tâm.
Phần nghị luận xã hội, yêu cầu đặt ra không làm khó học sinh, các em dễ viết vì sẽ có những liên hệ có tính trải nghiệm với cuộc sống hiện tại.
Tương tự, phần nghị luận văn học, học sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản về tác phẩm là dễ viết và viết tốt. Tuy nhiên, dạng câu hỏi này sẽ không phân hoá được học sinh.
Đề môn tiếng Anh, cô Liên Hương, giáo viên ngoại ngữ, cho rằng đề năm nay tương tự năm trước, tập trung chủ yếu vào kiểm tra những kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, kỹ năng đọc hiểu và kế thừa những dạng bài năm trước.
Về cơ bản, nội dung tinh giản chương trình tiếng Anh lớp 12 phần lớn là những kỹ năng (nghe, nói, viết đoạn văn) vốn không có trong bài thi THPT quốc gia các năm trước, trong đó kỹ năng nghe, nói chưa từng xuất hiện, còn kỹ năng viết đoạn văn cũng không còn xuất hiện khi Bộ GD-ĐT quyết định chuyển toàn bộ hình thức thi môn ngoại ngữ sang thi trắc nghiệm.
Vì vậy, nội dung tinh giản chương trình học không có tác động gì (hay không ảnh hưởng gì) đến đề tham khảo. Còn trong quá trình học, việc giảm tải sẽ giúp học sinh lớp 12 dành thời gian tập trung ôn luyện và bám sát hơn vào các kiến thức trực tiếp trong bài.
Giảm số câu hỏi yêu cầu vận dụng cao, dễ đạt 6 – 7 điểm
Với đề thi môn lịch sử, cô Thu Huyền, giáo viên lịch sử, nhận xét đề tham khảo vẫn có khoảng 5% kiến thức lớp 11; còn lại là kiến thức lớp 12, chủ yếu chương trình của học kỳ 1. Phần nội dung giảm tải không có trong đề minh hoạ.
Với đề thi môn địa lý, cô Bạch Tuyết, giáo viên địa lý, cho biết, nội dung đề tham khảo tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12, chỉ có 1 câu kỹ năng thuộc chương trình lớp 11.
Đề tham khảo gồm có 15 câu kỹ năng (trong đó có tới 11 câu đọc atlat và 4 câu bài tập), 25 câu lý thuyết. Nội dung lý thuyết trải rộng trong toàn bộ chương trình lớp 12, tuy nhiên không có câu nào trong nội dung giảm tải.
Những câu hỏi đặt ra chủ yếu là để kiểm tra những kiến thức cơ bản và chủ yếu là ở mức độ nhận biết, thông hiểu, ít câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.
Để được điểm từ 6 – 7 là tương đối dễ. Nhưng muốn điểm cao hơn thì đòi hỏi học sinh phải thật chăm chỉ, vì có những câu hỏi đến những vấn đề rất nhỏ trong bài học.
Với môn giáo dục công dân, cô Hoài Nam, giáo viên môn giáo dục công dân, cho hay mức độ đề thi có phần dễ hơn nội dung đã được tinh giản trong chương trình học kỳ 2. Điều này thể hiện ở chỗ có ít câu hỏi vận dụng cao, tăng thêm các câu hỏi ở dạng nhận biết và thông hiểu.
Với đề thi môn hoá học, thầy Đức Thắng, giáo viên tổ bộ môn khoa học tự nhiên, phân tích bằng cách lượng hoá khá cụ thể:  đề thi không có câu nào liên quan đến kiến thức đã giảm tải, có khoảng 90% câu hỏi là kiến thức lớp 12, 10% còn lại là kiến thức lớp 11; 60 % câu hỏi về kiến thức cơ bản, 22,5% yêu cầu vận dụng, 17,5% vận dụng cao .
Đề tham khảo môn sinh học được cô Lã Thu Hương, giáo viên môn sinh học, chỉ ra: trong 40 câu của đề thi có 1 câu thuộc kiến thức lớp 10; 3 câu thuộc kiến thức lớp 11 và 36 câu thuộc kiến thức lớp 12, tất cả các câu hỏi đều đúng với hướng dẫn giảm tải của Bộ GD-ĐT ban hành trước đó.
Với đề môn vật lý, cô Lệ Thanh, giáo viên môn vật lý, nêu nhận xét: mức độ yêu cầu thể hiện trong đề tham khảo có phần giảm nhẹ so với năm trước. Kiến thức chủ yếu và phần khó của đề tập trung vào học kỳ 1 của lớp 12; phần câu hỏi liên quan đến nội dung học kỳ 2 chỉ ở mức độ nhận biết và thông hiểu.
“Với mức độ đề này, đa số học sinh sẽ đạt 6 – 7 điểm, muốn được từ 8 điểm trở lên, học sinh cần có kiến thức tương đối vững vàng và khả năng tự học chăm chỉ, nhất là khi đang nghỉ học vì dịch Covid -19.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Bình luận (0)