Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

ĐH LONDON METROPOLITAN (ANH): Hơn 2.000 SV nước ngoài bị trục xuất

Tạp Chí Giáo Dục

Cục Biên phòng Anh đã tước giấy phép bảo lãnh SV đến từ các nước không thuộc khối EU của Trường ĐH London Metropolitan (viết tắt London Met).
Như vậy, trường không còn quyền bảo lãnh thị thực cho SV đến từ các nước không thuộc khối EU và các SV nước ngoài không còn được học tại trường.
Theo báo chí Anh, Trường London Met đã không vượt qua được ba bài kiểm tra của Bộ Nội vụ, trong tổng số 250 bộ hồ sơ ở Trường London Met được kiểm tra ngẫu nhiên, để đánh giá hệ thống quản lý sinh viên (SV) quốc tế của nhà trường.
Trường quản lý lỏng lẻo
Trong bài kiểm tra đầu tiên, thanh tra nhận thấy 26 trong tổng số 101 hồ sơ không có visa hợp lệ. Trong bài kiểm tra thứ hai, có tới 142 trong tổng số 250 SV không đến lớp đầy đủ. Khi kiểm tra đến trình độ tiếng Anh, trong số 50 bằng tiếng Anh mà trường chấp nhận thì có đến 20 hồ sơ chưa được kiểm tra kỹ lưỡng.
Từ những kết quả này, Bộ Nội vụ quyết định phải tước giấy phépbảo lãnh SV đến từ các nước không thuộc khối EU (HTS) của trường. Bộ Nội vụ không thể biết được trong số những học sinh vi phạm này có bao nhiêu người là học thật, bao nhiêu người học giả. Tuy nhiên, điều mà Bộ Nội vụ muốn phán xét ở đây là hệ thống kiểm duyệt và quản lý của Trường London Met quá lỏng lẻo và không đạt tiêu chuẩn.
Khoảng 2.600 SV nước ngoài phải chuyển trường hoặc rời nước Anh trong vòng hai tháng tới, trong đó có 170 SV Việt Nam. Theo ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ GD&ĐT, Bộ chỉ có hai nghiên cứu sinh đang theo học Trường London Met theo Đề án 322 (nhưng một người sắp hoàn tất việc học); còn lại hầu hết du học sinh tại đây đều là tự túc.
Như vậy, hàng ngàn du học sinh cảm thấy bất an khi phải xin visa khẩn cấp và việc học bỗng nhiên dang dở. Nếu xin học trường khác, học phí có nhiều khả năng sẽ đội lên và không phải ai cũng có đủ điều kiện tài chính.
Tìm phương án hỗ trợ SV
Theo thông tin trên webiste của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, một ban chuyên trách dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã được thành lập để điều tra rõ về vụ việc này. Ban chuyên trách bao gồm các thành viên là Hội đồng Tài trợ Giáo dục của Anh (gọi tắt là HEFCE), Hiệp hội Kinh doanh, Hiệp hội Về phát triển kỹ năng và sáng tạo (BÍS), Cục Biên phòng Anh và Hiệp hội SV Quốc gia Anh. Ban chuyên trách mới làm việc với Trường ĐH London Metropolitan nhằm đưa ra những phương án hỗ trợ cho những SV bị ảnh hưởng từ sự việc này, cũng như hỗ trợ những SV đạt yêu cầu tìm trường khác và tiếp tục theo học tại Vương quốc Anh.
Đối với những SV đã có visa và đang theo học tại Trường London Met nhưng hiện tại đang trong kỳ nghỉ ở những nơi ngoài nước Anh vẫn có quyền được quay trở lại Anh.
Còn đối với những SV mới, đang lên kế hoạch tới Anh theo học tại trường này thì dĩ nhiên không được tiếp nhận.
Sự kiện London Met bị “thổi còi” sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh hiệu quả cho những trường ĐH khác ở Anh – vốn xưa nay luôn nhận được sự tín nhiệm từ chính phủ. Tất cả sẽ phải chấn chỉnh lại hệ thống của mình.
Bài học không mới
London Met được khá nhiều trung tâm tư vấn giới thiệu khá hoành tráng. Trong khi thực tế London Met là trường có thứ hạng không cao, học phí thấp hơn những trường khác và điều kiện tuyển sinh có phần dễ dãi hơn. Tình cảnh mà du học sinh Việt đang khốn khổ xoay xở đến từ quảng cáo của các trung tâm tư vấn du học, vốn có sự hợp tác khá chặt chẽ. Theo quảng cáo, “Trường London Metropolitan University là ĐH lớn thứ hai tại Anh, là một nơi tuyệt vời để sống và học tập. Được thành lập trên cơ sở liên kết giữa hai ĐH lớn tại London: London Guildhall University và University of North London, Trường London Metropolitan University có các chuyên ngành rất đa dạng, cũng như có đủ các bậc học đáp ứng mọi nhu cầu học tập và nghiên cứu của SV quốc tế. Với 34.000 SV, trong đó số SV quốc tế đến từ trên 140 quốc gia trên thế giới, trường thật sự là một thế giới thu nhỏ mà chất lượng và chương trình đào tạo đáp ứng được mọi nhu cầu của tất cả SV”.
Trong thời buổi Internet bùng nổ hiện nay, mọi thông tin đều hiển hiện trên mạng. Do vậy, chỉ cần người học chịu khó kiểm tra, so sánh là có ngay kết luận. Tuy nhiên, các nạn nhân đã bỏ qua câu hỏi then chốt: Vì sao học phí của trường rẻ hơn? Điều kiện tuyển sinh dễ dàng hơn?
Qua sự kiện Trường London Met bị mất uy tín trầm trọng, chắc rằng những SV cầm tấm bằng của trường sẽ bị ảnh hưởng khá lớn.
Du học Anh sẽ rớt hạng?
Trường London Met là trường ĐH đầu tiên ở Anh bị mất giấy phép bảo lãnh SV ngoài khối EU và UK, gây bất ngờ cho nhiều người. Đại diện của trường cho rằng việc không thể tiếp nhận thêm SV nước ngoài đã gây thiệt hại cho trường lên tới 10 triệu bảng. Tuy nhiên, không chỉ là thiệt hại tài chính của riêng trường mà tổn thất có thể lan đến cả nền giáo dục Anh quốc. Những tấm biểu ngữ của SV quốc tế phản đối Cục Biên phòng Anh “International studnets NOT welcome here” (SV quốc tế không được chào đón ở đây) đã truyền đi khắp thế giới. Những SV khác sẽ do dự khi chọn lựa du học Anh.
Tuy nhiên, Cục Biên phòng Anh cho rằng sự việc đáng tiếc này xảy ra chỉ với một trường ĐH chứ không phải toàn hệ thống giáo dục Anh quốc. “Các trường ĐH tại Anh vẫn luôn được xếp hạng là các trường ĐH tốt nhất thế giới – và chúng tôi luôn có những trường tốt nhất, là điểm đến cho những SV tốt nhất đến từ khắp nơi trên thế giới” – Cục Biên phòng Anh khẳng định.
Đồng tình với quyết định này của Cục Biên phòng Anh, ông Nguyễn Xuân Vang cho rằng đó là hành động cần thiết để bảo vệ người học được hưởng một nền giáo dục chất lượng cần thiết. SV quốc tế phải hiểu rằng sự dễ dãi không đồng nghĩa với chất lượng.
Highly Trusted Sponsor – là hệ thống được áp dụng cho những trường học muốn bảo lãnh visa cho SV đến từ các nước ngoài UK (Liên hiệp Anh) và khối EU. Hệ thống này được tạo ra nhằm loại bỏ các trường “ma”, nhận học sinh vào để giúp họ đi làm việc chứ không phải đi học. Để có được giấy phép HTS, các trường cần phải làm đơn và đạt đủ điều kiện, tiêu chuẩn do Bộ Nội vụ đề ra.
Các trường sẽ phải tự kiểm tra trình độ học vấn của SV trước khi đứng ra bảo lãnh cho họ. Việc kiểm tra này bao gồm cả trình độ tiếng Anh của SV.
Trường học ở Anh còn bị mất giấy phép nếu trên 10% số SV được bảo lãnh không theo học hoặc sau đó bỏ khóa học, vì SV trốn học đi làm.
Cuối cùng, trường phải chứng minh được các SV theo học ở đây đến lớp đầy đủ và nộp bài đúng hạn theo yêu cầu của giáo viên.
(Nguồn: Bộ Nội vụ Anh)
CHƯƠNG VŨ (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)