Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Chuẩn bị lộ trình thi tốt nghiệp THPT trên máy tính, học sinh nói gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây có rất nhiều thay đổi. Để thích ứng với sự đổi mới, nhiều học sinh cho biết sẽ trau dồi kỹ năng, có sự chuẩn bị kỹ càng cho bản thân.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây có nhiều đổi mới, nhiều học sinh cho biết phải luôn chuẩn bị đầy đủ từ kiến thức đến kỹ năng để có thể thích ứng – NGUYỄN LOAN

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020, không có bất kỳ đổi mới, xáo trộn nào. Năm 2021 vẫn thi trên giấy, đồng thời cũng là năm chuẩn bị điều kiện để thử nghiệm thi trên máy tính theo lộ trình thích hợp.

Đã sớm được làm quen với máy tính

Không chỉ phía nhà trường, giáo viên và các nhà quản lý giáo dục mà bản thân học sinh cũng cần có sự chuẩn bị kỹ càng để thích ứng được với việc đổi mới. Dù vậy, với học sinh thành phố, khi đã được làm quen với máy tính, thiết bị công nghệ thông tin từ sớm nhiều em cho biết sẽ không gặp quá nhiều khó khăn nếu có sự chuyển đổi.
Đỗ Lê Đức Trí, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) cho biết từ cấp tiều học Trí đã được tiếp cận với máy tính, sử dụng những tính năng cơ bản và lên THCS đã sử dụng khá thành thạo cho việc học của mình. Ngoài việc học môn tin học, lứa học sinh như Trí còn biết học trên các phần mềm, website, ứng dụng, mạng xã hội… Hiện một số bài kiểm tra của học sinh của môn tin học, địa lý, lịch sử….đã chuyển sang hình thức trực tuyến.
“Giờ có nhiều môn học bọn em đã sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin, và mạng xã hội để kết nối với giáo viên, bạn bè. Khi giao bài tập cho tụi làm, giáo viên cũng yêu cầu học sinh tự tìm kiếm, tra cứu thêm thông tin trên mạng nên theo em việc thay đổi hình thức thi sẽ không làm khó thí sinh nhiều”, Đức Trí chia sẻ.
Tương tự, Tường Vy, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp) cũng cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay đã chuyển đổi tất cả các môn sang thi trắc nghiệm (trừ môn ngữ văn). Với hình thức thi trắc nghiệm, theo Vy nếu thi trên máy tính sẽ có nhiều lợi thế hơn so với làm bài trên giấy.
Theo nữ sinh, học sinh bây giờ đã sử dụng máy tính và các thiết bị công nghệ từ rất sớm, nhất là ở thành phố. Nhiều bạn trong lớp Vy đã sử dụng những thiết bị này đã rất thành thạo, từ việc làm thử các đề thi trên mạng, đến việc ứng dụng các phần mềm học tập, đặc biệt với môn tiếng Anh.
“Bọn em có thể dễ dàng làm bài, chỉnh sửa đáp án thay vì lấy bút xoá gạch như hiện nay dễ bị máy chấm nhầm đáp án, thao tác trên máy tính nếu làm quen cũng sẽ nhanh hơn”, Tường Vy nói.

Học sinh tại các thành phố đã sử dụng máy tính, điện thoại phục vụ cho việc học từ nhiều năm nay – ĐÀO NGỌC THẠCH

Thí sinh vẫn cần có lộ trình để chuẩn bị

Tuy nhiên, theo  Đỗ Lê Đức Trí, việc chuyển đổi hình thức thi hay có bất kỳ đổi mới nào cũng nên thực hiện theo lộ trình, không thể thay thế hoàn toàn từ hình thức thi trên giấy sang trực tuyến vì không phải học sinh nào cũng thích ứng kịp mà cần có sự chuẩn bị từ trước cả về kiến thức, kỹ năng lẫn tâm lý.
“Thi bằng máy tính có nhiều bất lợi cho thí sinh, đầu tiên là đọc đề. Theo em được biết thì đọc chữ trên máy tính chậm hơn trên giấy rất nhiều, thí sinh cũng dễ bị ‘hoa mắt’ và nhầm lẫn hơn. Bên cạnh đó, việc đáp ứng đủ lượng máy tính cần thiết đã khó, bảo vệ mạng không bị sập nguồn còn khó hơn. Ngoài ra, thi trên máy tính cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ bị hacker chuyên nghiệp đánh tráo được kết quả, bị lộ đề…”, Đức Trí phân tích.
Tuy nhiên, cũng theo Trí thi trên máy tính cũng có nhiều điểm tích cực như: thí sinh có thể kiểm tra kết quả nhanh hơn, nhanh có điểm hơn, hệ thống chính xác hơn…
Dù vậy, bất kỳ việc thay đổi nào cũng sẽ có nhiều điểm mới, Đức Trí cho biết sẽ chủ động chuẩn bị cả kiến thức, lần kỹ năng cũng như tâm lý cho mình để khi kỳ thi dù đổi mới theo phương thức nào cũng có thể làm bài tốt nhất.
Còn  Châu Thanh Tuyền, học sinh lớp 11 trường Trung học Phổ Thông Tam Phú (Q.Thủ Đức) cũng cho rằng hình thức thi trên máy tính sẽ giúp thí sinh nhanh chóng viết ra đáp án hơn mà không phải mất nhiều thời gian để tô đáp án như hiện nay. Việc chỉnh sửa bài làm cũng vì thế mà dễ dàng sửa chữa những đáp án sai mà không làm ảnh hưởng đến việc xấu đẹp khi trình bày. Thí sinh còn có thể kiểm tra lại bài nhanh chóng nữa.
Tuy nhiên, theo Tuyền, với những bài thi kéo dài trên 60 phút, nếu nhìn liên tục vào màn hình máy có thể cũng khiến học sinh gặp nhiều tình trạng như mỏi mắt, nhìn nhầm đáp án ảnh hưởng đến bài thi.
Hiện trong quá trình học, Tuyền cũng đã tham gia một số bài thi chất lượng đầu năm qua máy tính nên về kỹ năng dùng máy tính không phải là vấn đề lớn với thí sinh khi thi tốt nghiệp THPT.
Nguyễn Loan/ TNO

 

 

Bình luận (0)