Hội nhậpThế giới 24h

Ấn Độ thuyết phục láng giềng cùng đối phó Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

 New Delhi đang cố gắng đối phó với ảnh hưởng kinh tế ngày càng lan rộng của Bắc Kinh tại các quốc gia lân cận thông qua cam kết tài trợ cho một số lượng lớn các dự án trong vùng.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc họp SAARC hôm 27.11 – Ảnh: Reuters

Tại hội nghị của Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) trong tuần này, Ấn Độ đã công bố một loạt các khoản đầu tư trong vùng nhằm tìm cách chống lại sự xâm nhập kinh tế ngày một lớn mạnh của Trung Quốc vào sân sau nước này, theo AFP.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố nền kinh tế lớn nhất Nam Á sẽ tài trợ cho cơ sở hạ tầng, cơ sở y tế và thậm chí là một vệ tinh viễn thông cho khu vực này, đồng thời hứa sẽ mở cửa thị trường nội địa cho các nhà xuất khẩu đến từ các quốc gia nhỏ hơn trong vùng.

AFP cho biết ông Modi từng khẳng định đẩy mạnh ảnh hưởng của Ấn Độ tại các nước láng giềng là ưu tiên chiến lược then chốt cho chính quyền của ông.
Tuy nhiên, cuộc họp các nước thành viên SAARC gồm Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Bhutan, Maldives và Afghanistan, diễn ra trong hai ngày 26.11 và 27.11 ở Nepal, đã không đạt được kết quả đáng kể nào, theo AFP.  
Lãnh đạo các nước chỉ ký vỏn vẹn 1 hiệp ước về hợp tác năng lượng tại hội nghị SAARC lần này và bất đồng giữa Ấn Độ và Pakistan được cho là đã bao trùm hội nghị, khiến Thủ tướng Nepal Sushil Koirala phải cảm thán rằng SAARC đã không đạt kết quả mong đợi, AFP bình luận.
Nepal được cho đã được Trung Quốc mạnh tay đầu tư trong suốt một thập kỷ qua. Thậm chí, hội trường nơi lãnh đạo các nước SAARC gặp gỡ cũng được xây bằng tiền của Trung Quốc.
Nepal cùng 2 nước thành viên SAARC khác là Pakistan và Sri Lanka ủng hộ đề xuất cho Trung Quốc làm thành viên chính thức của khối này. Bắc Kinh hiện chỉ là quan sát viên trong SAARC. Tuy nhiên, Ấn Độ đã từ chối cho phép Trung Quốc trở thành thành viên chính thức, chức danh đi đôi với quyền phủ quyết các thỏa thuận trong khối.
Bà Tanvi Madan, một chuyên gia phân tích thuộc Viện Brookings, một trong những viện nghiên cứu chính sách lâu đời nhất nước Mỹ, cho rằng việc các nước nhỏ trong khối SAARC bắt tay với Trung Quốc là điều đương nhiên.
“Việc các nhà làm luật và chuyên gia Ấn Độ lớn tiếng phản đối mối quan hệ đó là việc làm vô ích và có thể nói là phản tác dụng”, nữ chuyên gia này nhận định.
“Ấn Độ nếu muốn thuyết phục hiệu quả cần phải đưa ra được một phương án thay thế khả thi, tức là phải cho các nước SAARC thấy rằng họ muốn song hành cùng các nước trong khối trên con đường dẫn đến sự thịnh vượng”, bà nói.
Theo TNO


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)