Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nghiên cứu mới: Sạc điện thoại vào ban đêm có thể dẫn tới bệnh béo phì và tiểu đường

Tạp Chí Giáo Dục

Theo GizChina, dẫn nguồn từ Sohu, một báo cáo mới đây được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Anh cho biết sạc pin smartphone trong phòng ngủ sẽ ảnh hưởng tới khả năng sản xuất chất melatonin trong cơ thể, từ đó có thể dẫn tới các bệnh như béo phì hoặc tiểu đường.
Sạc pin smartphone trong phòng ngủ sẽ ảnh hưởng tới khả năng sản xuất chất melatonin
Sạc pin smartphone trong phòng ngủ sẽ ảnh hưởng tới khả năng sản xuất chất melatonin.
Cụ thể, các nhà khoa học Anh đã chứng minh được môi trường ngủ trong bóng tối là có lợi cho việc sản xuất ra chất melatonin. Tuy nhiên, khi sạc điện thoại và các thiết bị điện tử khác trong phòng ngủ, bức xạ điện từ phát ra từ các thiết bị này sẽ ảnh hưởng tới quá trình sản xuất melatonin, từ đó dẫn tới mất cân bằng trong việc trao đổi chất và gián tiếp gây nên các bệnh như béo phì hoặc tiểu đường.
Nghiên cứu chỉ ra rằng ở trạng thái chờ của điện thoại, giá trị bức xạ điện từ phát ra từ thiết bị là 2.3 mG (milligauss), trong khi đó khi ở chế độ hoạt động bình thường, giá trị này tăng lên đáng kể ở mức 3.4 mG. Ngoài ra, khi cắm sạc, điện thoại cũng phát ra một lượng nhỏ bức xạ điện từ ảnh hưởng tới cơ thể người kể cả khi bạn không sử dụng.
Các nhà khoa học khuyên người dùng nên tắt điện thoại mỗi khi đi ngủ. Nhiều người có thói quen để điện thoại đầu giường và cắm sạc qua đêm, điều này trên lý thuyết sẽ ảnh hưởng tới khả năng sản xuất melatonin, gián tiếp dẫn tới nhiều căn bệnh do rối loạn và mất cân bằng trong quá trình trao đổi chất.

Các ánh sáng xanh phát ra vào ban đêm  làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.
Thực chất, các nghiên cứu về vấn đề điện thoại nói riêng hay các thiết bị điện tử nói chung ảnh hưởng tới cơ thể người đã xuất hiện từ lâu. Vào năm 2014, các nhà nghiên cứu từ Đại học Granada, Tây Ban Nha và sau đó là các chuyên gia tại Đại học Manchester, Anh đều đã đồng ý rằng việc sử dụng máy tính và điện thoại vào ban đêm sẽ gây nên tình trạng béo phì, nguyên nhân tới từ ánh sáng xanh.
Các ánh sáng xanh phát ra vào ban đêm và con người tiếp xúc với các loại ánh sáng này trước khi đi ngủ sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Điều này đã được khoa học chứng minh và để có một giấc ngủ ngon và thoải mái, người dùng được khuyên hạn chế tiếp xúc với các loại ánh sáng xanh phát ra từ màn hình các thiết bị điện tử.
Melatonin về cơ bản là một hóc-môn (hormone) trong cơ thể con người (và hầu hết các động vật), được sản xuất bởi tuyến tùng. Melatonin được cơ thể tạo ra nhiều vào ban đêm, tăng dần vào buổi tối và giảm dần khi trời sáng, hormone này giúp con người trở nên buồn ngủ, và vì thế nó chịu trách nhiệm cho điều hoà giấc ngủ của con người. Khi hormone này giảm, quá trình trao đổi chất trong cơ thể sẽ chậm lại, ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ vào ban đêm.
 
NT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)