ARM, lá cờ đầu bán dẫn nước Anh, sẽ sớm niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và đứng trước nguy cơ bị 'Mỹ hóa' hoàn toàn.
Sinh ra từ tro tàn của Acorn Computers tại Cambridge 33 năm trước, ARM là một phần của FTSE 100 (chỉ số chứng khoán quan trọng nhất nước Anh) trước khi bị tập đoàn đầu tư Nhật Bản SoftBank thâu tóm với giá 24 tỷ bảng Anh năm 2016.
Tái xuất trên thị trường đại chúng bên bờ Đại Tây Dương với giá trị ước tính 60 tỷ USD, ARM sẽ do một ban quản trị mới dẫn dắt, bao gồm nhiều cựu tướng từ AOL, Intel, Qualcomm, hầu hết đều sống tại Mỹ, cách xa nơi khai sinh của ARM 5.000 dặm.
Trong khi đó, đội ngũ lãnh đạo cũ dày dạn kinh nghiệm của ARM đến từ các công ty nổi tiếng của Anh quốc như EMI, easyJet, Vodafone và Pilkington.
Thực tế, đây không phải lần đầu ARM có nguy cơ bị Mỹ “nuốt chửng”. Trước đây, Intel từng muốn thâu tóm ARM nhưng không thành công. Nhà chức trách cũng chặn đứng thương vụ bán ARM cho Nvidia của SoftBank đầu năm 2022 do nguy cơ an ninh quốc gia.
Các thiết kế chip của ARM đã được sử dụng hơn 250 tỷ lần.
ARM là một trong những hãng công nghệ quan trọng nhất nước Anh. Hầu hết hoạt động của hãng vẫn diễn ra tại xứ sở sương mù. Công ty bán và cấp phép thiết kế vi xử lý dùng trong mọi thứ, từ smartphone, laptop đến cảm biến công nghiệp, xe hơi, siêu máy tính. Số phận của hãng được theo dõi sát giữa bối cảnh công nghiệp chip bùng nổ.
Lựa chọn Phố Wall thay vì London có thể đại diện cho bước ngoặt của lá cờ đầu bán dẫn Anh quốc.
Ngay từ đầu, ARM đã chịu ảnh hưởng của Mỹ. Nhiều năm trước khi iPhone ra đời, Apple tìm kiếm một vi xử lý mới cho thiết bị di động và tìm đến Acorn. Với số tiền khiêm tốn 2,5 triệu USD, “táo khuyết” tham gia liên doanh với đối thủ một thời trong mảng máy tính và ARM được tách ra để phục vụ cả hai.
Ngay cả công nghệ sơ khai cũng là của Mỹ. Các kỹ sư hàng đầu của Acorn – Roger Wilson và Steve Furber – đã bị mê hoặc bởi một dự án sản xuất CPU hiệu suất cao trên một con chip duy nhất của Đại học California năm 1981.
Hướng đến thị trường đại chúng, sản phẩm Acorn RISC Machine – sau này là Advanced RISC Machines (ARM) – của Wilson và Furber có hiệu suất nhanh gấp 25 lần máy tính BBC Micro, loại bán chạy nhất khi đó.
Nó được dùng trên máy tính Acorn Archimedes năm 1987 và 6 năm sau có mặt trong Apple MessagePad (về sau là Newton). Vài năm trôi qua, công sức của họ được đền đáp, năm 1997 điện thoại Nokia 6110 dùng thiết kế của ARM ra đời.
Ứng dụng của kiến trúc tập lệnh (ISA) của ARM – quy tắc kỹ thuật số quyết định cách vi xử lý trong thiết bị được phần mềm điều khiển bằng cách nào – được mở rộng, cùng với đó là quy mô của công ty.
Tháng 8/2004, ARM mua Artisan Components với giá 913 triệu USD. Dù bị nhà đầu tư đánh giá thấp và khiến giá cổ phiếu sụt giảm, ARM xem đây là thương vụ bảo đảm cho cuộc đối đầu dài hạn với Intel, gã khổng lồ chip của Mỹ. Nó cũng chuyển hướng tập trung của ARM sang bờ Tây, nơi đóng đô của nhiều khách hàng.
Mức phí bản quyền của ARM khá thấp nhờ vào sự phổ biến của nó. Các thiết kế chip ARM đã được sử dụng 250 tỷ lần. Hiện tại, ARM còn cung cấp thiết kế cho các con chip đắt tiền hơn như loại dùng trong máy chủ. Chẳng hạn, chip Graviton của Amazon Web Services chứa thiết kế của ARM.
Sau 15 năm, đột phá mà ARM gặt hái được trong lĩnh vực được xem là cơ hội tăng trưởng quan trọng, đặc biệt khi sắp có các nhà đầu tư mới niêm yết tại Mỹ.
Năm 2022, doanh số của công ty tăng 5,7%, vô cùng khả quan khi xét đến thị trường smartphone nói chung đang sụt giảm. Nó cho thấy ARM hoàn toàn có khả năng đa dạng hóa để mang về nguồn thu mới, đặc biệt khi trí tuệ nhân tạo – công nghệ đòi hỏi các con chip mạnh hơn và tiết kiệm điện năng hơn – đang là xu hướng.
Trước thềm IPO, dù là công ty Anh quốc hay Mỹ, thành công tương lai của ARM vẫn phụ thuộc vào văn hóa “tăng trưởng bằng mọi giá” mà Phố Wall quen thuộc.
Du Lam (theo vietnamnet)
Bình luận (0)