Hội nhậpThế giới 24h

Người nhập cư – nước cờ mới của Hy Lạp?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo kế hoạch, hôm nay 11-3, các cuộc đàm phán chính của nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (EuroGroup) sẽ diễn ra ở Brussels (Bỉ), song song với các cuộc đàm phán tại thủ đô Athens giữa các nhóm kỹ thuật của “bộ ba” chủ nợ và giới chức Hy Lạp. Nếu các cuộc đàm phán thất bại vì kế hoạch cải cách kinh tế của Hy Lạp bị châu Âu từ chối, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras có khả năng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý, thậm chí một cuộc bầu cử trước hạn.
EU mệt mỏi vì Hy Lạp “ỡm ờ”
EuroGroup đã kết thúc cuộc đàm phán trong ngày 9-3 ở thủ đô Brussels (Bỉ) với nội dung xem xét những cải cách mà Hy Lạp phải thực hiện để được giải ngân phần cứu trợ tiếp theo, song không đạt kết quả cụ thể ngoài việc Athens tuyên bố sẽ đàm phán trở lại với “bộ ba” chủ nợ gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo ông Jeroen Dijsselbloem, Chủ tịch EuroGroup, Hy Lạp đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán khẩn cấp về việc gia hạn gói cứu trợ thứ nhất phối hợp giữa Liên minh châu Âu (EU) và IMF, sau khi các đối tác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ trích quốc gia này lãng phí thời gian trong tiến trình đàm phán. Ông yêu cầu Athens khẩn trương tiến hành đàm phán vào ngày 11-3 vì các bên đã mất hai tuần chỉ để thảo luận thành phần, địa điểm và công thức đàm phán, trong khi Hy Lạp đang đứng trước thời hạn thanh toán khoản nợ 1,6 tỷ EUR cho IMF vào cuối tháng này. EU đã “mệt mỏi” với thái độ chần chừ và thiếu hợp tác trong các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các đối tác châu Âu.

Khoảng 10 triệu người nhập cư trái phép đang bị giam giữ tại Hy Lạp.

Theo thỏa thuận đạt được vào cuối tháng 2 vừa qua, Athens phải trình một danh sách cải cách lên bộ ba EU, IMF và ECB để có được khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 7 tỷ EUR tiếp theo trong khuôn khổ gói cứu trợ thứ nhất trị giá 240 tỷ EUR – đã được gia hạn đến tháng 6 tới. Tuy nhiên, sau khi xem xét các biện pháp cải cách kinh tế gồm 7 điểm đầu tiên mà Hy Lạp vừa trình lên, Chủ tịch EuroGroup Dijsselbloem đã thể hiện sự thất vọng khi cho rằng, kế hoạch này của Athens vẫn còn rất nhiều thiếu sót.

Theo số liệu thống kê mới nhất, nền kinh tế Hy Lạp vừa suy giảm 0,4% trong quý 4 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên, kinh tế nước này có mức tăng trưởng hàng quý bị âm kể từ năm 2014 nước này thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài 6 năm. Hiện Athens đang cần gấp hơn 1,5 tỷ EUR để thanh toán một khoản nợ của IMF vào cuối tháng 3 này. Nếu không được viện trợ kịp thời, khả năng Hy Lạp vỡ nợ và phải rời bỏ khu vực Eurozone là rất cao.
Dùng người nhập cư để mặc cả
Trước tình thế của Hy Lạp, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos đe dọa “châu Âu sẽ tràn ngập người tị nạn”, trong đó có cả thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nếu quốc gia đang có nguy cơ phá sản này không nhận được sự ủng hộ đầy đủ, kịp thời về tài chính.
Theo Sputniknews ngày 10-3, khi Hy Lạp buộc phải rời khỏi EU vì không thể trả nổi nợ cho IMF, thì khi đó Hy Lạp cũng không thể giữ nổi biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, mặt trận tiền tuyến chống nạn nhập cư trái phép của EU, cũng như không có đủ lực để giữ được cánh cổng ngăn chặn những kẻ cực đoan châu Âu đến và đi từ các căn cứ của IS ở Iraq và Syria.

Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias cảnh báo “làn sóng này sẽ đổ về Đức đầu tiên và đó cũng là trách nhiệm của châu Âu vì cách đối xử của họ với Hy Lạp trong vấn đề nợ”. Phản ứng trước “sự lên gân” của Hy Lạp, giới chức châu Âu đã đưa ra những mối đe dọa nghiêm trọng và yêu cầu phải giữ cửa các trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép thật chặt. Tổ chức Liên đoàn cảnh sát Đức còn yêu cầu trong trường hợp khẩn cấp cần đóng cửa Hy Lạp với toàn bộ khu vực (tự do đi lại) Schengen gồm 26 nước EU.

HẠNH CHI (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)