Chính phủ Nhật Bản ngày 30/3 đã tiến hành cuộc họp cấp cao giữa các quan chức phụ trách phòng chống thảm họa tự nhiên, đồng thời thông qua Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp nhằm xác định các biện pháp xử lý trong trường hợp trước và sau khi xảy ra các thảm họa tự nhiên.
Kế hoạch hành động trên được xây dựng trên giả định xảy ra một trận động đất lớn ở vùng biển phía Nam Nhật Bản. Đối tượng nhận được các hoạt động cứu trợ, cứu hộ cứu nạn, vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị y tế là 10 tỉnh ở khu vực này như Shizuoka, Nagoya.
Cảnh tan hoang sau trận động đất, sóng thần ở Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo đó, khi xảy ra thảm họa, toàn bộ các lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cảnh sát trên cả nước với tổng số tối đa là 140.000 người sẽ được huy động và điều phái tới 10 tỉnh này trong thời gian tối đa 3 ngày.
Chính phủ Nhật Bản xác định động đất gây sóng thần ở biển Nam Nhật Bản có thể gây thiệt hại lớn và khiến 330 nghìn người thiệt mạng. Điều này khiến cho công tác cứu hộ cứu nạn như lập các khu trú ẩn, lánh nạn và lực lượng hỗ trợ là rất cần thiết.
Do đó, ngay từ năm 2014 chính phủ Nhật Bản đã soạn thảo kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong trường hợp các cơ sở lưu trú bị phá hủy khi xảy ra động đất cường độ lớn.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đề cập tới tính khẩn cấp trong việc hành động thực hiện 5 mục tiêu về cứu hộ, chữa cháy, cung cấp y tế, cung cấp nhiên liệu và cung cấp vật dụng cần thiết./.
TRƯỜNG GIANG/TOKYO
(VIETNAM+)
Bình luận (0)