Ngay sau khi công bố chi tiết chương trình tinh giản ở từng khối lớp trong học kỳ (HK) II, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2020. Đề tham khảo trên tinh thần bám sát nội dung chương trình đã giảm tải, cấu trúc vẫn giữ nguyên song theo hướng tăng dễ giảm khó nhưng học sinh cũng đừng chủ quan…
Học sinh khối 12 đặt câu hỏi xoay quanh phương thức tuyển sinh vào các trường ĐH năm 2020
Ở một số môn vẫn có kiến thức lớp 11 nhưng mức độ phân hóa không rõ rệt. Riêng môn lịch sử và hóa, giáo viên nhận định kiến thức hơi ôm đồm, nặng nề.
Môn chung: Dễ dàng đạt điểm trên trung bình!
Ở môn ngữ văn, thầy Cao Ích Bằng (giáo viên ngữ văn, Trường THPT Tân Túc, huyện Bình Chánh) đánh giá, đề tham khảo khá nhẹ nhàng, phù hợp với tình hình học tập thực tế hiện nay. Cấu trúc đề vẫn gồm 2 phần đọc hiểu và làm văn, giới hạn kiến thức, kỹ năng đưa ra trong đề nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12, đồng thời bám sát nội dung giảm tải, chủ yếu giảm độ khó. Phần đọc hiểu, hệ thống câu hỏi vẫn gồm 4 câu phân hóa theo ba mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng, song có tới hai câu ở mức độ nhận biết, tương đối dễ lấy điểm. Với phần làm văn, câu NLXH vẫn giữ dung lượng khoảng 200 chữ, mức vận dụng cao, vấn đề bàn luận là một khía cạnh nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu. Yêu cầu viết đoạn không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải theo dõi thời sự, đồng thời phải cập nhật dẫn chứng mới để đoạn văn không đi vào hướng cũ. Đây được coi là tính phân hóa trong câu NLXH tuy nhiên vừa sức với học sinh. Khác biệt lớn nhất trong đề thi tham khảo năm nay nằm ở câu NLVH khi không có yêu cầu phân hóa năng lực thí sinh mà chỉ có một yêu cầu cơ bản, chung chung, đánh mạnh vào tính ghi nhớ, không đi sâu vào khía cạnh chi tiết tác phẩm.
“Đề minh họa chỉ mang tính chất tham khảo và trên thực tế có thể thay đổi để phù hợp với tình hình, bối cảnh giáo dục ở từng thời điểm. Vì vậy, xem đề minh họa như một định hướng ôn tập, học sinh đừng quá phụ thuộc vào khía cạnh chi tiết, nhỏ lẻ, để dễ dẫn đến sự chủ quan khi học”, thầy Bằng nhấn mạnh.
Với môn toán, cô Nguyễn Phương Tâm (giáo viên toán, Trường THPT Phú Nhuận) phân tích, nội dung đề minh họa xoáy sâu vào HKI, chương trình HKII chiếm 18/50 câu. Độ khó của đề không dàn trải mà tập trung vào HKI trong khi HKII chỉ có 1 câu vận dụng cao. Đề vẫn xuất hiện những câu hỏi mang tính đánh đố nhưng không nặng như mọi năm.
Kiến thức lớp 11 vẫn xuất hiện với 2/50 câu, ở mức độ thông hiểu. Mặc dù vậy, theo cô Tâm, khối lượng kiến thức “cũ” này không gây khó cho giáo viên và học sinh trong quá trình học và ôn bởi chương trình toán bậc THPT đi theo hình xoắn ốc, mọi kiến thức ở các khối đều liên quan đến nhau, mang tính nhắc lại, tạo thành nền tảng. “Với đề này, học sinh trung bình cũng có thể đạt được 5-6 điểm. Tuy nhiên, các em không nên đặt nặng với mức độ đề dễ hay khó vì từ đề minh họa đến đề chính thức như mọi năm có khoảng cách xa. Đề chỉ nên được xem là định hướng để giáo viên, học sinh ổn định tư tưởng, xây dựng việc ôn tập theo ma trận đề”.
Tương tự, ở môn tiếng Anh, thầy Đặng Thanh Huân (giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Du) chia sẻ, đề minh họa có cấu trúc giống đề năm 2019 nhưng mức độ kiến thức tương đối nhẹ nhàng, học sinh dễ dàng đạt được điểm trung bình. Mặc dù vậy, độ phân hóa trong đề vẫn tốt khi có một vài câu khó so với trình độ học sinh. “Ngữ pháp rơi vào nội dung giảm tải và nội dung chương trình học, không có điểm ngữ pháp mới. Từ vựng tương đối phổ biến và thân quen với học sinh. Các chủ điểm trong đọc hiểu gần gũi và bám sát nội dung sách giáo khoa như: Môi trường (Environment), Quan hệ gia đình (Family), Phỏng vấn (Interview)… Để lấy điểm 5, học sinh nên học và ôn tập bám sát đề minh họa”, thầy Huân phân tích.
Bài thi KHXH: Hơi nặng ở đề sử
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du (Tổ trưởng Tổ sử, Trường THPT Lê Quý Đôn) cho hay, đề minh họa môn sử bám theo cấu trúc năm 2019. Về mặt kiến thức, xuyên suốt trong đề là một nửa chương trình lớp 11 và toàn bộ chương trình lớp 12 đã giảm tải. Trong đó số lượng câu hỏi nằm trong chương trình lớp 11 giảm, câu hỏi HKII lớp 12 cũng giảm, số câu hỏi vận dụng cũng giảm.
“Nhìn chung, kiến thức trong đề bao quát toàn bộ chương trình, mặt kiến thức quá nặng nề, thậm chí đánh vào các phần nhỏ nằm sát các phần đã giảm tải, chỉ có thể phù hợp với việc học sinh học liên tục, không bị ngắt quãng. Với tình hình hiện nay, đề gây choáng cho học sinh. Lượng kiến thức quá dài, ôm đồm khiến cả giáo viên và học sinh sẽ mất thời gian để củng cố”, thầy Du bày tỏ.
Trái lại, ở môn địa lý, thầy Nguyễn Chí Tuấn (giáo viên địa lý, Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, Q.7) lại tỏ ra phấn khởi, nhẹ nhõm với mức độ kiến thức ra trong đề. Cấu trúc đề vẫn giữ nguyên 40 câu nhưng mức độ phân hóa thay đổi theo hướng tăng dễ giảm khó, theo tỷ lệ: 40% nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng và 10% vận dụng cao, độ khó tăng dần trong đề, phù hợp với việc ra đề hiện nay ở trường phổ thông. Kiến thức lớp 11 bao quát với 2 câu tập trung vào phần kỹ năng; lớp 12 chiếm 38 câu, đa phần là kiến thức HKI.
Các câu hỏi khó rơi vào phần dân cư và tự nhiên nhưng cũng không quá phức tạp, học sinh chỉ cần suy luận chút là có thể tìm ra đáp án. “Với mức độ kiến thức này, học sinh trung bình dễ dàng đạt được 7 điểm. Song, học sinh không nên chủ quan mà chủ động tìm kiếm các kênh ôn luyện hiệu quả, tăng cường làm đề để tăng khả năng phản xạ, kỹ năng nhận diện, suy đoán…”, thầy Tuấn nhắn nhủ.
Với môn GDCD, cô Phan Thị Thu Hiền (Tổ trưởng Tổ GDCD, Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận) nhận định, đề ra phù hợp với nội dung tinh giản nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa đầy đủ các cấp độ. Cấu trúc đề giống năm 2019, bao gồm 40 câu. Trong đó kiến thức lớp 11 chiếm 4 câu, 36 câu còn lại là kiến thức lớp 12. Ở phần kiến thức lớp 12, kiến thức HKI chiếm 2/3, 1/3 kiến thức HKII ở mức độ cơ bản, liên hệ thực tiễn và định hướng hành vi tích cực của công dân. “Đề khá nhẹ nhàng, học sinh trung bình cũng đạt được 7 điểm”.
Bài thi KHTN: Dễ dàng đạt được 7 điểm
Cô Trần Thị Trúc Đào (Tổ trưởng Tổ sinh, Trường THPT Tenlơman) nhìn nhận, đề tham khảo môn sinh khá phù hợp với chương trình tinh giản, dễ thở hơn so với mọi năm. Mức biết với hiểu chiếm đến 80%, chỉ 20% ở mức vận dụng và vận dụng cao. Kiến thức chủ yếu rơi vào HKI lớp 12. Số câu hỏi HKII đơn giản, ở mức vừa phải. Học sinh trung bình cũng có khả năng đạt 7 điểm.
Tương tự, ở môn vật lý, thầy Tô Lâm Viễn Khoa (Tổ trưởng Tổ vật lý, Trường THPT Gia Định) nhận định, cấu trúc đề minh họa vẫn giữ nguyên 40 câu, với 4 mức độ biết, hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Có 4 câu nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 11 (không quá khó), còn lại là kiến thức lớp 12. Trong kiến thức lớp 12 thì phần lớn câu hỏi (22/40 câu) thuộc 3 chương đầu của HKI, các câu hỏi khó đến rất khó mang tính phân hóa (10 câu cuối) cũng nằm trong 3 chương này. “Như vậy, với chương trình HKII, học sinh chỉ cần nắm vững chắc lý thuyết, biết cách vận dụng công thức và làm được một số bài tập áp dụng có từ 2-3 bước là có thể vượt qua. Với cấu trúc này, để đạt được điểm 6-7 là khá dễ dàng”.
Nhận định về đề minh họa môn hóa, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) cho rằng, đề khá ổn, không có kiến thức trong phần đã giảm tải. Học sinh có khả năng lấy điểm 7-7,5; 2,5 điểm còn lại mang tính phân hóa. Tuy nhiên, kiến thức lớp 11 cũng có tới 1,5 điểm, dàn từ cơ bản đến nâng cao, gây nặng nề khi ôn tập trong bối cảnh hiện nay. “Nếu bộ tiếp tục tinh giản kiến thức lớp 11 trong đề thi thì sẽ bớt gây khó khăn cho học sinh, nhà trường trong quá trình ôn tập”, thầy Phú đề xuất.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)