Trong hàng loạt các chương trình truyền hình được phát sóng thời gian gần đây, Ký ức phù sa – vệt ký sự chân dung về cuộc đời các nhân vật nổi tiếng sinh ra và trưởng thành cùng mảnh đất miền Tây Nam bộ hoặc từng gắn bó đời mình với miền phù sa này – đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng người xem.
Dù mới xem vài tập phim đầu tiên, khán giả đã nhận định Ký ức phù sa hết sức sống động và sâu lắng, thể hiện rõ cái hồn của mảnh đất phương Nam.
NSƯT Út Bạch Lan kể lại chuyện đi hát dạo hồi nhỏ trong tập phim Chữ tâm trong đời sầu nữ.
Dấu ấn phương Nam
Với thời lượng phát sóng mỗi tập 20 phút vào chủ nhật hàng tuần trên kênh truyền hình miền Tây và phát lại trên các kênh truyền hình AVG, khán giả được hòa mình với cuộc đời của những nghệ sĩ, nhà khoa học, doanh nhân… mà thành công của họ luôn mang đậm ký ức về một miền Tây thương nhớ. NSND Lệ Thủy đã mở đầu chương trình với tập phim Nghĩa mẹ tình quê lên sóng vào ngày 15-2-2015. Các kỳ được tiếp nối với phim Trò ảo thuật, chòi chăn vịt và tôi về nhà văn – nghệ sĩ Mạc Can, nghệ sĩ Xuân Hương trải lòng với tập phim Người đi góp nhặt tiếng cười nhân gian. Và sắp tới đây khán giả sẽ được gặp NSƯT Út Bạch Lan với biệt danh để đời “sầu nữ Út Bạch Lan” qua tập phim Chữ tâm trong đời sầu nữ, lên sóng vào ngày 8-3. Có được thành công này, không thể không nhắc đến những đóng góp của hai nhà báo gạo cội: Nguyễn Chương (tổng đạo diễn, phụ trách nội dung kênh miền Tây, trợ lý giám đốc kênh), Binh Nguyên (lên ý tưởng, giám đốc dự án) với cách thể hiện khá lạ vừa khắc họa được chi tiết lẫn tổng thể bối cảnh. Theo các nhà làm phim, mục đích của chương trình không chỉ giới thiệu không gian sống muôn màu của con người và thiên nhiên sông nước miền Tây Nam bộ, mà họ còn muốn lưu giữ muôn thuở “ngôi nhà chung” của những ai yêu quý vùng đất đậm đà bản sắc phương Nam.
Nhà báo Nguyễn Chương chia sẻ: “Trong chương trình Ký ức phù sa, cấu trúc là lấy những bài phỏng vấn, phóng sự làm trục nội dung, tìm các ý tưởng mới lạ để khai thác nội dung. Những nhân vật này có một phần đời gắn bó với miền Tây, miền đất dung nạp những con người có tâm tình không nhất thiết là con người miền Tây, đất lành chim đậu. Như diễn viên Hai Nhất quê ở Hải Phòng nhưng vẫn được chọn làm nhân vật cho chương trình bởi cuộc đời, sự nghiệp, phim ảnh của ông đều gắn bó với miền Tây Nam bộ”.
Đời nghệ sĩ
Trong tập phát sóng lúc 20 giờ ngày 8-3, khán giả truyền hình sẽ được gặp gỡ NSƯT Út Bạch Lan với ký ức phù sa chan chứa sầu tư…
Trong ký ức của cô Út Bạch Lan, miền Tây Nam bộ không chỉ là nơi cho cô một quê hương để nhớ, là nơi cô đã hình thành nên giọng ca, là nơi cô bước lên sân khấu với bao nước mắt, mồ hôi mà đặc biệt còn là nơi sinh thành hai người thầy để cô lấy đó làm kim chỉ nam trong cuộc sống. Miền Tây có Trà Cú, Trà Vinh – quê hương của NSND Viễn Châu. Và miền Tây còn có Mỹ Tho, Tiền Giang – quê hương của NSND Năm Châu.
Cô Út Bạch Lan dù tuổi đời chỉ là vai em nếu so với NSND Viễn Châu, nhưng cô luôn gọi ông là “ba Bảy”. Cô ghi ơn khai tâm của NSND Viễn Châu trong đời nghệ thuật của mình. Mỗi lời ca trong bài bản, tuồng tích của “ba Bảy”, cô Út không bao giờ sửa lấy một chữ, bởi cô nói: “Soạn giả vắt hết tim óc để viết, mà nếu mình tự tiện sửa đổi, đó là mình không biết tôn sư trọng đạo”. Ở tuổi 80, Út Bạch Lan vẫn tham gia ca hát. Giọng ca của cô Út vẫn nỉ non, ca như thủ thỉ tâm tình, rất tự nhiên. Trong vòng 20 năm trở lại đây, cô Út thường đi hát từ thiện ở các chùa. Và mỗi ngày tại tư gia hiện nay, cô Út luôn sớm kệ chiều kinh, niệm Phật để tu tâm.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan luôn chắt chiu ký ức về những người thầy miền Tây – thầy trong đời (như “ba Bảy, như NSND Năm Châu) và thầy trong đạo là vị sư trụ trì ở một ngôi chùa nơi quê Long An. Để từ đó, cô Út rèn giũa cho mình một nhân cách hiền dịu, khiêm tốn, thương người tận đáy lòng. Cô Út chia sẻ thêm: “Đi đâu, làm gì Út cũng thích mãi tên đó thôi”…
Theo SGGP
Bình luận (0)