Y tế - Văn hóaThư giãn

Nghị định đá nhau, hủ tục còn đất sống

Tạp Chí Giáo Dục

Tháng cao điểm của mùa lễ hội vừa đi qua nhưng những vấn đề tồn tại trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội vẫn cứ ngổn ngang.
Tháng Giêng, theo quan niệm dân gian của người Việt, là tháng viếng chùa lễ Phật, cảm tạ trời đất, hướng về các bậc tiền nhân với tấm lòng thành kính. Ngoài những hình ảnh biến tướng, phản cảm của lễ hội như tình trạng chen lấn, giẫm đạp, đánh nhau để cướp lộc, “buôn thần bán thánh” thì vấn nạn rải tiền lẻ, quản lý tiền công đức và đốt vàng mã… đã góp phần làm xấu đi hình ảnh lễ hội trong mắt công chúng thời gian qua.
Những năm gần đây, đốt vàng mã đã tồn tại như một nghi thức và trở thành thói quen của nhiều người Việt Nam trong những dịp giỗ chạp hoặc lễ hội quan trọng, các ngày rằm, đặc biệt nhiều nhất trong dịp lễ hội tháng Giêng, rằm tháng Bảy. Do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc với quan niệm “chia của” cho người chết, người chết không phải là hết; nhiều người không ngại đốt vàng mã tràn lan với quan niệm cúng cho người chết càng nhiều thì càng được nhiều bậc thánh thần hay người cõi âm phù hộ.
Không chỉ là giấy tiền, nhiều người còn chọn những mô hình rất “hoành tráng” như mô tô, nhà lầu, xe hơi, ngân hàng, máy ATM, máy lạnh, điện thoại di động, USD… để đốt trong những dịp cúng bái, cầu an, cầu may. Người ít thì mất vài trăm ngàn hay vài triệu đồng, người nhiều thì tiêu tốn hàng chục triệu, thậm chí có người sẵn sàng chi đến hàng trăm triệu đồng để đốt vàng mã, bởi tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”.
Tục đốt vàng mã đang có xu hướng phát triển và ngày càng vượt khỏi giới hạn của tín ngưỡng truyền thống, tiến đến sự thái quá không đáng có, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực chất, đây chỉ là một hình thức để nhiều người phô trương với nhau, thỏa mãn những tị hiềm thông thường, không muốn “thua chị kém em” và đương nhiên là lãng phí cả núi tiền của một cách đáng tiếc.
Đáng nói hơn, những hậu quả khôn lường từ việc đốt vàng mã như: đốt vàng mã, cháy cả chung cư ở Hà Nội; đốt vàng mã, cháy rụi 8 căn nhà và cả chục xe máy ở quận Tân Phú, TPHCM hay đốt vàng mã, đốt luôn cả chợ ở Kinh Môn (Hải Dương) mới đây không phải là hiếm. Nguy cơ gây hỏa hoạn, cháy nổ, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, đến cộng đồng… là điều dễ thấy, đáng lên án và xử phạt nghiêm.
Theo nhìn nhận của Bộ VH-TT-DL, một trong những nguyên nhân khiến khó xử lý nạn đốt vàng mã lộn xộn, tràn lan như hiện nay là các quy định về việc này còn chưa rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn nhau. Trong khi Nghị định 75 năm 2010 khá siết khi quy định “cấm đốt đồ mã nơi công cộng” thì Nghị định 158 năm 2013 lại mở toang “cấm đốt vàng mã không đúng nơi quy định”. Chẳng hạn như, nơi công cộng A quy định chỗ này được đốt vàng mã thì người dân đốt ở đó sẽ không sai theo Nghị định 158, nhưng theo Nghị định 75 thì người này đã vi phạm (?!) Và liên quan đến câu chuyện dài này, việc sản xuất, vận chuyển hàng mã đến nay cũng chưa có quy định hay hạn chế nào được đưa ra.
Để luật pháp đi vào cuộc sống, nhất là để thay đổi một thói quen, một nghi lễ tín ngưỡng không còn phù hợp trong đời sống người dân đòi hỏi một quá trình lâu dài chứ không thể ngày một ngày hai. Để người dân nhận thức và ý thức về những tập tục không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, các ban ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra hơn nữa. Quan trọng và then chốt hơn cả, các quy định, văn bản luật pháp rất cần được quy chuẩn và thống nhất, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, ban hành luật ra rồi để đó như hiện nay.

Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)