Nhiều năm liên tục Trung Quốc luôn là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất với đủ loại từ thượng vàng đến hạ cám.
Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua Trung Quốc đạt 13,5 tỉ USD nhưng phải tốn đến 39,9 tỉ USD để nhập lại các mặt hàng từ thị trường này. Kết quả trên đã làm tốc độ nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này tiếp tục tăng hơn 22,1% so với cùng kỳ năm trước với 26,4 tỉ USD.
Số liệu cụ thể được Tổng cục hải quan công bố, trong 10 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã chi ra 403 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, hàng rau quả cũng “ngốn” hơn 337 triệu USD dù đây là mặt hàng Việt Nam sản xuất được, thậm chí dư thừa. Một số loại rau quả, trái cây Trung Quốc do bị người tiêu dùng quay lưng nên thường lập lờ gắn mác hàng Việt như khoai tây, bắp cải, lựu, hồng giòn, lê, táo, quýt… để tiếp cận được với khách hàng.
Nhiều mặt hàng rau củ quả Trung Quốc thường bị lập lờ gắn mắc hàng Việt (ảnh minh họa: Thái Phương)
Trong danh mục nông thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc, có đến 798 triệu USD tiền nhập khẩu gạo (dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới); 76,2 triệu USD nhập khẩu cà phê; hơn 759 triệu USD nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn.
Với mặt hàng bánh kẹo, dù không còn là nước nhập khẩu hàng đầu vào Việt Nam nhưng các sản phẩm bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc từ Trung Quốc cũng chiếm 33,5 triệu USD.
Tuy nhiên, dẫn đầu trong các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phải kể đến nguyên phụ liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, máy vi tính các loại và linh kiện, các loại vải xơ sợi dệt… Trong đó, nhập khẩu xơ, sợi dệt các loại trị giá hơn 1 tỉ USD, hàng dệt may hơn 387 triệu USD, giày dép các loại là 426 triệu USD và nguyên phụ liệu dệt may da giày khoảng 95 triệu USD.
Trung Quốc được xem là “công xưởng nguyên phụ liệu của thế giới” trong lĩnh vực dệt may, da giày nên việc các doanh nghiệp trong nước đua nhau nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước này nhờ giá rẻ cũng là dễ hiểu khi mà nguyên phụ liệu nội không đủ đáp ứng nhu cầu. Gần đây, các doanh nghiệp dệt may, da giày đang nỗ lực chủ động một phần nguyên phụ liệu để tận dụng được các ưu đãi về thuế quan khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA), hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… nhưng xem ra vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tương tự, với các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Việt Nam cũng tốn hơn 1,7 tỉ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Điện thoại các loại và linh kiện nhập khẩu trị giá 368 triệu USD. Điều này cũng dễ hiểu khi mà ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam thua xa các nước, trong khi các đại gia công nghệ như Samsung, LG… đang ngày càng mở rộng sản xuất ở Việt Nam, cần rất nhiều linh kiện, nguyên phụ liệu.
Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm từ chất dẻo, cao su, túi xách ví vali mũ ô dù, gỗ, giấy, sắt thép các loại, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng… trên thị trường cũng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong câu chuyện về nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc, phải tính cả lượng ngoại tệ bỏ ra để nhập hàng hóa theo đường biên mậu, rồi hàng lậu trốn thuế. Chẳng hạn, năm 2012, trong khi phía Việt Nam đưa ra số liệu về nhập hàng hóa từ Trung Quốc là 28,8 tỉ USD nhưng phía Trung Quốc công bố đến 34 tỉ USD. Con số chênh lệch này chính là lượng ngoại tệ nhập hàng qua đường tiểu ngạch, với đủ loại “thượng vàng hạ cám” từ cây tăm, cục xí muội, hàng tiêu dùng, quần áo…
Dù thời gian qua, các chính sách của nhà nước hướng đến việc đa dạng hóa các thị trường nhập khẩu, tham gia hàng loạt các FTA nhưng theo các chuyên gia, bài toán nhập siêu từ Trung Quốc vẫn chưa có lời giải hiệu quả…
Theo NLĐ
Bình luận (0)