Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Linh hoạt dạy học trong khi chờ tài liệu chỉnh sửa SGK lắm sạn

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhiều giáo viên, trong thời gian chờ Nhà xuất bản phát hành sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều in tài liệu chỉnh sửa, họ phải linh hoạt lờ đi nội dung một số bài học, tìm từ ngữ phổ thông thay thế từ địa phương.

SGK Tiếng Việt 1 áp dụng năm học 2020-2021

SGK Tiếng Việt 1 áp dụng năm học 2020-2021

Chỉnh sửa nội dung phù hợp

Theo quy định, các tác giả biên soạn SGK sẽ gửi bản thảo chỉnh sửa đến NXB đã xuất bản cuốn sách đó. NXB tổ chức biên tập, hoàn thành dự thảo chỉnh sửa, và gửi Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định. Bộ trưởng GD&ĐT sẽ xem xét phê duyệt, cho phép sử dụng nội dung chỉnh sửa ấy.

Với một số đoạn bài như “Hai con ngựa”, “Cua cò và đàn cá”, “Lừa, thỏ và cọp”, sau khi rà soát, Hội đồng thẩm định tiếp tục đề nghị nhóm tác giả thay thế văn bản khác. Một số đoạn trong bài “Ve và gà”, “Ước mơ của tảng đá”, “Quạ và chó”, Hội đồng thẩm định đề nghị nhóm tác giả thay bài khác phù hợp. Hội đồng thẩm định đã đề nghị nhóm tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn và các đoạn, bài đa nghĩa mà nên chọn các đoạn, bài trong kho tàng văn học Việt Nam. Một tác giả bộ SGK Cánh Diều cho biết, sau khi có ý kiến từ Hội đồng thẩm định, nhóm tác giả đi đến thống nhất tiếp thu và bắt tay vào chỉnh sửa một số chỗ trong SGK cho phù hợp hơn.

Thẩm định, thực nghiệm kỹ để tránh sai sót

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương (dạy lớp 1 tại Hà Nội) cho biết, thời điểm này đã dạy đến bài 36, SGK Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều. Các bài học có những từ địa phương, có nội dung chưa phù hợp, giáo viên buộc phải linh động để giải thích. Bài có từ “nhá”, giáo viên giải thích cho học sinh, “nhá” nghĩa là “ăn”, nhưng lại phải nói làm sao để các em về nhà không dùng “nhá cơm”. “Những bài học được cho là có nội dung chưa phù hợp, khó hiểu, dạy trẻ lười nhác, khôn lỏi…, giáo viên sẽ lờ đi, thay vào đó chỉ giải thích cho học sinh ý nghĩa tích cực của bài học. Ví dụ như bài “Ve và gà”, cô giáo giải thích nội dung bài học theo hướng, gà chăm chỉ kiếm ăn vì gà phải nuôi một đàn con nhỏ, còn ve lười biếng…”, cô Hương nói.

Theo cô Hương, hiện nay, trong quá trình chờ có thêm tài liệu chỉnh sửa, giáo viên được quyền chủ động có thể dạy các bài không theo thứ tự, lược bớt nội dung không phù hợp. Trên thực tế, giáo viên đã điều chỉnh tốc độ, giảm cả độ khó trong SGK để phù hợp hơn với học sinh. Tuy nhiên, cô Hương cũng cho rằng, dù giáo viên có quyền chủ động nhưng vẫn bám các bài học trong SGK để dạy học, chưa tự thay đổi ngữ liệu trong sách. Học sinh về nhà đọc, ôn tập các từ, bài đọc trong SGK; đến lớp, cô giáo cũng dạy học sinh theo tài liệu này. Cô Hương cho rằng, thời gian tới, Bộ GD&ĐT nên rút kinh nghiệm, thẩm định kỹ SGK và có quy trình thực nghiệm dài hơi hơn, tránh để xảy ra sai sót như SGK Tiếng Việt 1 như hiện nay.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, cho biết, trong thời gian chờ đợi NXB có tài liệu chỉnh sửa SGK mới, các trường được chỉ đạo sinh hoạt chuyên môn, lược bỏ những từ ngữ chưa phù hợp, bám chuẩn đầu ra để dạy học phù hợp năng lực học sinh. Ông Thành cho rằng, Bộ GD&ĐT bổ sung quy định thực nghiệm SGK là cần thiết. Trong bối cảnh mỗi năm áp dụng một bộ SGK mới cho các lớp học theo hình thức cuốn chiếu như hiện nay, SGK nên có 1 học kỳ dạy học thực nghiệm độc lập từ phía Bộ. Từ thực tiễn sẽ phát hiện ra còn vấn đề gì tồn tại, giáo viên, học sinh sẽ có ý kiến để hoàn thiện bộ sách.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, trong lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, điều quan trọng là thay đổi tư duy giáo viên. Họ phải thay đổi hoàn toàn phương pháp dạy học từ truyền đạt kiến thức sang phát triển phẩm chất, kỹ năng cho học sinh.

Sau khi Bộ GD&ĐT yêu cầu Hội đồng thẩm định xem xét, rà soát lại SGK Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều về các nội dung dư luận phản ánh, Hội đồng thẩm định đã làm việc và đi đến kết luận, yêu cầu tác giả, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn, bài đọc cho phù hợp hơn.
Theo Hà Linh/TPO

 

Bình luận (0)