Ngày 12-1, Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 3 phát hiện 1 container hàng tiêu dùng nhập lậu ẩn dưới mác phế liệu nhựa. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, ngoài vài thùng nhựa phế liệu (khoảng vài chục kg) được băm, cắt đúng như khai báo, toàn bộ số hàng trong container là hàng bách hóa các loại, như: sữa, dầu gội đầu, kem đánh răng… không khai báo hải quan. Đáng chú ý có nhiều mặt hàng đã hết hạn sử dụng.
Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, tình hình buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp. Số vụ, số lượng hàng nhập lậu, hàng giả tăng mạnh vào thời điểm cuối năm và cận tết, nhất là các sản phẩm hàng tiêu dùng và thực phẩm.
Trong năm 2014, lực lượng QLTT TPHCM đã xử lý 272 vụ buôn bán thực phẩm ngoại nhập lậu, 20 vụ kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng, 16 vụ buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; buộc tiêu hủy 133.536 đơn vị sản phẩm và 149 tấn thực phẩm các loại. Có đến 696.137 đơn vị sản phẩm và 1.345 tấn thực phẩm các loại vi phạm không có nhãn phụ tiếng Việt, trên nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc hoặc không có nhãn hàng hóa.
Hàng hóa được nhập lậu vào Việt Nam theo nhiều đường như nhập chính ngạch bằng nhiều cách gian lận hải quan, nhập tiểu ngạch qua cửa khẩu biên giới, vận chuyển từ đất liền bên kia biên giới với các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào theo các đường mòn, lối mở. Các đối tượng buôn lậu còn tinh vi đến mức “ngụy trang” hành vi buôn lậu thông qua thủ đoạn mới là làm giả bộ chứng từ ngoại nhập khẩu, làm tờ khai giả, giả dấu nhân viên kiểm hóa hải quan đóng lên phiếu giao nhận container, con dấu của viên chức, cơ quan hải quan để đánh tráo số lượng lớn container hàng nhập lậu ra khỏi khu vực kiểm soát hải quan.
Cũng trong tháng 12-2014, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực phía Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện, tạm giữ 3 container sữa với trị giá lớn. Trên tờ khai, doanh nghiệp khai báo hàng hóa nhập khẩu là lưới bảo vệ bằng thép để lót sản phẩm gỗ, xuất xứ từ Mỹ. Tuy nhiên, lực lượng hải quan phát hiện toàn bộ lô hàng là 3 container sữa hiệu Abbott, với trị giá hơn 10 tỷ đồng, trong đó có gần 8.000 thùng sữa Ensure.
Điều đáng quan tâm hơn ở đây là toàn bộ lượng sản phẩm sữa nhập lậu này đều đã quá hạn sử dụng. Nếu được đưa ra thị trường trót lọt sau khi được “phù phép để làm mới” hạn sử dụng, thì không biết các sản phẩm sữa hết hạn nhập lậu này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng đến đâu!
Đại diện Abbott Việt Nam (đơn vị có sản phẩm Ensure nước đang bị nhập lậu nhiều nhất) cho biết, vì không tham gia vào quá trình cung cấp, vận chuyển, bảo quản và phân phối những sản phẩm được nhập khẩu qua nhà phân phối không chính thức, nên không thể đảm bảo về độ an toàn hay chất lượng của những sản phẩm trôi nổi này. Các sản phẩm được cung cấp bởi nhà phân phối chính thức luôn có ghi nhãn và thành phần dinh dưỡng bằng tiếng Việt theo qui định của chính phủ, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tiêu dùng.
Nhằm kiểm soát thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả trên thị trường trong mùa tết sắp đến, Chi cục QLTT TPHCM cho biết đã có văn bản chỉ đạo các đội QLTT phối hợp phòng kinh tế quận, huyện, UBND các phường, xã, thị trấn, giám đốc các siêu thị, trung tâm thương mại, ban quản lý các chợ triển khai vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ký cam kết với nội dung không kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng và hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên mua các sản phẩm uy tín, có thông tin rõ ràng về đơn vị sản xuất, nhập khẩu và phân phối để tránh mua phải hàng kém chất lượng, nhất là các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng và sữa vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bảo An
(SGGP)
Bình luận (0)