Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều biện pháp ổn định giá hàng tết

Tạp Chí Giáo Dục

Dường như chưa có mùa tết nào hàng hóa lại dồi dào, phong phú, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, giá cả phù hợp như Tết Ất Mùi 2015. “Bộ mặt” của các siêu thị đã có sự đổi khác đáng kể, với những tấm pano, áp phích giới thiệu các hoạt động tết cùng với nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá đến 49% đối với hàng ngàn sản phẩm. Thị trường đã và đang bước vào cao điểm kinh doanh tết, mặc dù sức mua chưa tăng như kỳ vọng của các nhà phân phối.

Giá ổn định trước và sau tết

Tại các doanh nghiệp (DN) sản xuất, công tác chuẩn bị hàng tết đã đạt 100% kế hoạch, tổng giá trị hàng hóa các DN tại TPHCM chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Ất Mùi 2015 là 15.849,4 tỷ đồng, tăng 8.267,7 tỷ đồng so với Tết Giáp Ngọ 2014. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Ất Mùi 2015 (từ ngày 20-1-2015 đến 18-2-2015, tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 9.262,8 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.861,8 tỷ đồng.

Với các mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn TPHCM trong tháng tết khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát, tăng từ 30% – 50% so với tháng thường. Các nhà máy khẳng định, giá bán không thay đổi và ổn định trước, trong và sau tết. Tương tự, với các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 18.000 tấn bánh, kẹo. Các công ty bánh kẹo năm nay cung ứng nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tương đương bánh ngoại nhập, sản lượng tăng từ 20% – 30%.

Mặc dù nguyên liệu sản xuất tăng nhưng đa số các DN bánh kẹo vẫn giữ giá ổn định. Việc đưa hàng hóa đến với các điểm phân phối để có thể tiêu thụ hết lượng hàng đã sản xuất đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều DN.

Về giá bán hàng tết trong Chương trình Bình ổn thị trường Tết Ất Mùi 2015 đã được các sở, ngành chức năng chốt giá bán trong 2 tháng (1 tháng trước và 1 tháng sau Tết Ất Mùi 2015, kể từ ngày 18-1-2015 đến 18-3-2015). Mức giá này đã được các DN rà soát lại các cơ cấu giá thành, tính toán tác động từ mức giảm giá dầu đến chi phí vận chuyển và các khoản chi phí khác cấu thành nên giá bán các mặt hàng, từ đó kê khai lại mức giá bán cho phù hợp với chi phí đầu vào và diễn biến thị trường. Điều này đồng nghĩa, trong trường hợp giá chi phí đầu vào tăng, các DN sẽ không được điều chỉnh theo nhằm đảm bảo mục đích, tiêu chí của chương trình là chăm lo an sinh xã hội, dẫn dắt thị trường.

Đặc biệt, trong 2 ngày cận tết, các DN bình ổn sẽ phối hợp với các nhà phân phối tiến hành giảm giá sâu đối với các mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả,… để kích cầu tiêu dùng mua sắm tết.

Để bảo đảm hàng hóa bán đúng giá, Sở Công thương phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan chức năng tổ chức các đoàn tăng cường kiểm tra về giá bán. Sở Công thương và các DN cũng đã bố trí sẵn nhiều xe lưu động, trong trường hợp phát hiện địa bàn nào có hiện tượng tăng giá bất hợp lý, đội lưu động sẽ đưa hàng hóa đến nhằm “dập tắt” ngay các “điểm nóng” về giá.

Ngoài ra, các siêu thị và điểm bán bình ổn trong những ngày cận tết sẽ tăng thời gian phục vụ từ 7 giờ đến 23 giờ. Riêng ngày 29 Tết, các điểm bán hàng mở cửa từ 6 giờ đến 0 giờ. Sáng mùng 2 Tết, các siêu thị bình ổn sẽ hoạt động trở lại.

Cung ứng hàng hóa đến các tỉnh thành

Điểm mới của công tác chuẩn bị hàng tết 2015, đó là TPHCM đã ký thỏa thuận với các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ thực hiện phương thức phối hợp triển khai Chương trình bình ổn thị trường. Theo đó, Sở Công thương các địa phương khảo sát nhu cầu thị trường, xác định nhóm hàng, lượng hàng bình ổn thị trường tại địa phương, thông báo Sở Công thương TPHCM để cùng phối hợp thực hiện.

Công tác trao đổi thông tin về tình hình giá cả thị trường, diễn biến cung cầu hàng hóa được thực hiện chặt chẽ, nếu địa phương nào có giá cả tăng đột biến, bất thường thì đề nghị các tỉnh, thành khác trong khu vực hỗ trợ hàng hóa kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý. Cách làm này cho thấy, TPHCM đã mở rộng công tác cung ứng hàng bình ổn đến nhiều tỉnh, thành tạo sức lan tỏa chung về mặt bằng giá trên bình diện rộng.

Theo nhận định của lãnh đạo TPHCM, Tết Nguyên đán là thời điểm kinh doanh tốt nhất trong năm, chiếm khoảng 30% tổng doanh thu năm của một DN. Sức mua tăng cao nên có không ít người đã lợi dụng cơ hội để tung hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc tạo tình huống khan hiếm hàng hóa giả, gây sốt giá.

Do vậy, việc chuẩn bị nguồn hàng lớn, dồi dào, phong phú mới chỉ đạt được một nửa, vấn đề còn lại là phải theo dõi thật sát nhu cầu mua sắm, diễn biến giá cả thị trường, từ đó có biện pháp điều phối hàng hóa hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất để người dân TP mua sắm hàng hóa, vui xuân, đón tết. Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, TP sẽ có biện pháp xử lý thích đáng.

THÚY HẢI

(SGGP)

Bình luận (0)